“Nhà tui ăn bánh mì Bảy Hổ tới nay là ba đời rồi đó nghen. Ba tui ổng ghiền lắm, 82 tuổi rồi còn mê bánh mì, ăn hoài mà không sợ ngán… Ổng nói phải tranh thủ ăn chớ không ít bữa nữa chết, rồi kiếp sau quên hết mùi vị”. Thưởng thức bánh mì thịt nướng ngon nhất thế giới tại Sài Gòn Tiệm bánh mì 5.000 đồng tại Sài Gòn giúp nhiều người lấp đầy cơn đói Sau một đêm đi coi hát, xem phim đã đời, tôi nhùng nhằng không muốn đụng vào chén bát trong ngày cuối tuần, ngày tôi thường tự cho phép mình lười thật lười, nên đã rủ nhỏ bạn thân đi ăn ngoài. Không phải những bữa ăn linh đình trong các quán xá khu trung tâm Sài Gòn, tôi cùng nhỏ bạn xỏ đôi dép chiếu nhẹ nhất, mặc bộ áo quần gọn ghẽ nhất, ngồi xuống ngay lề đường mà nhấm nháp ổ bánh mì huyền thoại 80 năm, bánh mì Bảy Hổ – một trong những quán hàng ẩm thực vang danh vùng Tân Định – Đa Kao. Xe bánh mì Bảy Hổ, ngó vậy mà đã 80 năm tuổi đời. Tiểu sử của xe bánh mì này phải nói là dài cả thước, mà nếu muốn biết được, tôi nghĩ, bạn phải đi hỏi những người cũ thật cũ, cổ thật cổ của cái đất Sài Gòn này. Xe bánh mì Bảy Hổ đã có mặt ở số 23 Huỳnh Khương Ninh vào những năm 30 của thế kỷ trước, điềm nhiên cho đến nay ngót cũng 80 năm. Con số 80 có thể khiến bạn hết hồn, tròn mắt ngạc nhiên khi nghĩ về tuổi đời của một xe bánh mì giản dị, chỉ bán mỗi ổ với cái giá khiêm tốn là mười lăm ngàn đồng. 80 năm, ấy là cả một đời người, chớ ít ỏi gì đâu! Ổ bánh mì “huyền thoại” trông đơn giản vậy, nhưng ăn một lần, đảm bảo bạn sẽ “ghiền” luôn. Hồi mà ông Trần Văn Hậu, người sáng lập ra cái thương hiệu “già” này chỉ bán độc nhất món bánh mì kẹp chả lụa với pate với giá vài đồng bạc lẻ, khi đó còn chưa có xe, mà chỉ có một gánh hàng nhỏ nhỏ. Rồi qua những thăng trầm thời cuộc và những mối giao thương ngoại quốc, cuộc sống thay đổi chóng mặt, ổ bánh mì Bảy Hổ chỉ dám “lên thêm chút đỉnh cho có lời, chứ mắc quá ai mà ăn, với khách quen ăn bánh mì nhà cô mấy đời cũng quen với cái giá rẻ rồi, rẻ mà vẫn giữ chất lượng”, như lời cô Trần Lệ Sương – con gái nối nghiệp xe bánh mì của ông cụ Hậu cho biết. Xe bánh mì bình dị nhưng chứa đựng biết bao nhiêu kí ức của dân Sài Gòn xưa. Cô Sương kể, để giữ được xe bánh mì này tới tận hôm nay không phải là chuyện dễ dàng, nhất là hồi “bảo bọc” nó qua những thăng trầm lịch sử. “Ngày đó, khó khăn lắm ba cô mới giữ được xe bánh mì này qua thời kỳ khó khổ. Nhớ cái hồi bao cấp, mỗi tuần, mỗi nhà chị nhận được 1kg thịt, nhà cô cũng vậy, nên kiếm thịt làm chả lụa khó dữ lắm! Nhưng vì muốn giữ cái xe này, cái nghề này, ba cô thường đứng đợi ngoài quầy, người ta nhận thịt ra thì năn nỉ bán lại với giá nhỉnh hơn một chút, vậy mà duy trì được tới giờ đó!“. Những ổ bánh mì vàng ruộm mới ra lò nom đã con mắt Nhận thấy cụ Hậu làm mọi giá để giữ cái nghiệp bán bánh mì này, cô Lệ Sương thấy thương ba lắm, âm thầm ra giúp đỡ ba bán; rồi sau này khi ông già, cô nối luôn nghiệp ba luôn. “Hồi đầu cũng mắc cỡ lắm, nhưng sau bán rồi thấy thích con ơi, thậm chí cô yêu nghề luôn. Nhiều khi thấy người ta ăn xong, nhoẻn miệng cười rồi khen ngon, cô vui lắm. Cũng có khi, cho một bà già nghèo đi ngang qua ổ bánh mì ăn cho đỡ đói, tặng thêm miếng chả cho cậu sinh viên mệt lả sau giờ làm thêm, có vậy thôi à, mà cô cảm thấy hạnh phúc vô cùng“. – cô Sương niềm nở kể về nghề gia truyền của mình như thế. Chả lụa và pate chính là hai thành phần đặc biệt làm nên sức hút của ổ bánh mì Bảy Hổ Quả thật, chỉ có yêu nghề mới làm ra một ổ bánh mì đầy đặn thơm ngon, chăm chút tới từng li từng tí như vậy. Tôi cực kỳ thích bánh mì ở đây, bánh được đặt riêng, vỏ ngoài giòn vừa phải, phần ruột mềm mại và ẩm. Nhân bánh thì có thịt mềm rất thơm, cái thơm nhẹ của việc đun nấu mát tay, canh giờ, canh lửa cho chuẩn vị gia truyền. Chả lụa thì khỏi bàn, giòn giòn mằn mặn, cắn một miếng là nhớ hoài cái tên Bảy Hổ. Rau hành xanh mướt kèm những miếng đồ chua đưa vị, khiến có người ăn liền mấy ổ cũng không ngán. Bánh mì Bảy Hổ bây giờ còn có xíu mại nóng cho ai muốn thêm vị. Cái “bao ghiền” nhất có lẽ là pate. Pate của bánh mì Bảy Hổ rất đặc biệt, mềm mịn, béo ngậy. Cắn vào ổ bánh mì một miếng, mùi thơm nồng nàn của pate xộc lên, chiếm trọn cả vị giác và khứu giác, đưa bạn tới một tầng khác của nghệ thuật ẩm thực Sài Gòn. Đó có lẽ cũng là lý do mà bánh mì Bảy Hổ nổi tiếng và được nhiều người yêu thích đến thế. Đứng bán ở xe bánh mì với cô Lệ Sương còn có anh Hồ Quốc Dũng, con ruột cô Sương và người con dâu. Ba người đứng bán cả buổi chiều cho đến khi nào hết bánh thì thôi. Cũng vì nổi tiếng và được nhiều người yêu thích nên chiều nào cũng có một hàng dài người chờ mua bánh mì, làm náo động cả một khu phố. Nhưng dù đông, ba người bán vẫn rất tinh ý nhận ra ai đến trước, ai đến sau để mà chuyền tay đưa bánh mì theo thứ tự. Khách khứa thì vẫn vui vẻ đứng chờ. “Vì một ổ bánh mì ngon, chờ một tí cũng đáng đó chứ”, tôi thầm nghĩ trong khi cùng nhỏ bạn chờ mua thêm ổ thứ hai. Anh Dũng – đời thứ ba kế tục thương hiệu bánh mì Bảy Hổ. Đứng chờ ở đây cũng vui lắm, tôi cảm được cái phồn thịnh chia đều vào từng ổ bánh, từng nụ cười nhường nhịn nhau ăn cho đỡ đói, ăn cho mau để về tránh cơn mưa đầu mùa khó chịu, oi nồng mùi ải mục của mảnh đất Sài Gòn nắng hạn suốt bao tháng qua. Kế bên chúng tôi là ông chú sửa xe kiêm xe ôm quen mặt mà lần nào tới cũng thấy ở đây; phía sau lưng thì là cậu thanh niên rất ra dáng Việt kiều, dắt theo cô bạn gái, chắc mới cua nên còn mắc cỡ, cứ lấy tay đập chan chát lên đầu bạn trai sau mỗi câu nói thầm. Trong một góc gần xe bánh mì thì thấy một cậu sinh viên bận quần tây áo trắng, tập trung ăn nhỏ nhẻ, kiểu lót dạ sau ca làm đêm hay hai ba anh xe taxi vẫy vẫy “lẹ dùm cô ơi, anh em ăn còn đi chạy mấy cuốc xe, cuối tuần kiếm thêm chút đỉnh“. Những thị dân Sài Gòn mấy ai mà không biết tới xe bánh mì trứ danh này? Hay đứng kề bên xe bánh mì Bảy Hổ, có một cô lớn tuổi chừng U50, vừa cười, vừa nói với bà chủ Lệ Sương: “Nhà tui ăn bánh mì của ba chị tới nay là ba đời rồi đó nghen. Ba tui ổng ghiền lắm, 82 tuổi rồi còn mê bánh mì, ăn hoài mà không sợ ngán, không sợ mắc cổ. Cuối tuần, ổng cứ kêu tui chạy ra đây mua mấy ổ bánh, kiếm thêm chai xá xị Chương Dương đem về cho ổng. Ổng nói, ăn uống vậy mới đúng kiểu Sài Gòn, phải tranh thủ ăn chớ không ít bữa nữa chết, rồi kiếp sau quên hết mùi vị”. “Nhà tui ăn bánh mì của ba chị ba đời nay rồi đó nghen!” – một khách hàng thân thiết cười nói với bà chủ xe bánh mì. Sau những lời chân tình của bà cô, ai cũng phá lên cười ha hả mà quên đi cái mỏi chân đứng chờ nãy giờ. Ăn bánh mì ở đây, tự dưng thấy Sài Gòn hào phóng, hòa đồng quá trời. Dân lao động bình dân hay những bà cô ông chú giàu có sang trọng vẫn có thể ghé ngang với tay mua ổ bánh mì cho một buổi cuối tuần nhạt miệng. Ở đâu không biết, nhưng đứng kế bên cái xe bánh này, hình như ai cũng như ai. Quẹt miệng, vuốt bụng ra về, chúng tôi không quên xách theo 3 ổ bánh mì về để chống cơn đói đêm thong dong đi bộ trên cái vỉa hè bình thường chả có mấy ai đi, mua thêm vài ly kem, tiện mắt ngó mắt coi mấy con chó trông hàng dí theo tụi mèo hoang rồi ôm bụng cười cho tới khi về đến nhà. Thiệt tình mà nói, Sài Gòn cái gì cũng có, miễn ta đủ “giàu”, đúng không? Sài Gòn cái gì cũng có, miễn đủ “giàu” đúng không? Theo Afamily