Thuở Sài Gòn xài nước phông-tên


Nhiều người sống thời thập niên 60 và trước đó, chắc còn nhớ các vòi nước phông-tên công cộng trên những con phố Sài Gòn. Hình ảnh người dân xếp hàng hoặc có khi tranh nhau hứng từng thùng nước gánh về dùng trong sinh họat. Hình ảnh đó vừa lạc hậu nghèo nàn, lại vừa hiện đại trong thời buổi dân chúng nhiều nhà còn dùng nước giếng đào, không cần qua thanh lọc khử trùng. Thuở đó, nước máy công cộng là một điều gì đó rất mới mẻ, sạch sẽ. Và thật khoái chí làm sao đưa tay hứng từng bụm trong lành đưa vào miệng để dòng nước mát rượi trôi qua cổ họng trong lúc chờ hứng đầy đôi thùng nước vào những lúc chiều hôm.

Nghề gánh nước mướn ở Sài thành xưa

Thế giới muôn màu của hàng rong Sài Gòn năm 1950

thuo-sai-gon2

Có được vài đôi thùng nước mang về nhà là điều khó khăn cho nhiều người dân xóm nhỏ của tôi. Nhưng lạ một điều, tôi chưa bao giờ thấy ai phàn nàn chính quyền sao không lo cung cấp nguồn nước máy cho dân trong xóm mà chỉ mở đường nước cho người dân sống ở mặt tiền đường.

Chuyện bình thường ở huyện, chẳng gì phải ầm ĩ, đào đường ống trước nhà mặt tiền thuận lợi thi công và mặt tiền đường cũng là bộ mặt đô thị, phải lo trang điểm bộ mặt trước, chuyện sau lưng thì hẳn tính sau, không năm này đặt đường ống thì sang năm sau, năm sau nữa, rồi nhà nào cũng được xài nước máy.

Chuyện nước máy tôi đang nói đến vào thuở giữa thập niên 60, khi nhà máy nước Thủ Ðức đã xây dựng hoàn thành (1966). Nước máy được cung cấp rộng khắp đến Phú Nhuận, Gò Vấp, Q.11 hay Q.6.

Thế trước đó nữa thì sao, chẳng lẽ dân Sài Gòn ở các quận trung tâm không xài nước máy? Nước máy thật ra đã có từ rất lâu nhưng chỉ phục vụ cho những nhà mặt tiền khu trung tâm.

Nhiều người lớn tuổi ở Sài Gòn còn nhớ cái thủy đài đầu tiên Pháp khánh thành năm 1886 nằm ở góc xéo Công trường Quốc tế tức Hồ Con Rùa (ngày nay là Công ty Cấp nước Sài Gòn – Sawaco). Nước được bơm thủ công lên bể chứa từ các giếng cạn gần đó để phục vụ cho các công sở, nhà các quan chức Pháp cùng một ít dân cư người Việt khá giả tại khu vực trung tâm Sài Gòn khi ấy chỉ lèo tèo vài con đường đất.

Thủy đài đầu tiên ở Sài Gòn xây năm 1886 nằm ở góc xéo Hồ Con Rùa ngày nay – Nguồn: Anhxuasaigon

Thủy đài đầu tiên ở Sài Gòn xây năm 1886 nằm ở góc xéo Hồ Con Rùa ngày nay – Nguồn: Anhxuasaigon

Mãi đến nửa thế kỷ sau, người Pháp mới bắt đầu cho xây các phông-tên công cộng dọc theo các con phố chính để người dân đến lấy nước sinh họat. Những phông-tên này chính là các giếng khoan trực tiếp do công ty Société Layne France et Cie khảo sát và khoan thẳng vào tầng nước ngầm sâu trên trăm mét.

Vào thời điểm ấy dân Sài Gòn-Chợ Lớn bắt đầu sử dụng nước ngầm rộng rãi hơn mặc dầu số giếng khoan đưa vào sử dụng chỉ có 30 cái trong khi dân số Sài Gòn đầu thập niên 1930 đã lên đến ba trăm ngàn người. Muốn lấy nước phải dùng tay kéo cần bơm lên xuống một hồi, nước mới trào lên vòi.

Việc lấy nước khó khăn như vậy khiến nhiều nhà buôn bán hay công chức không có thời gian chờ đợi lấy nước nên thuê người gánh nước cho khoẻ. Từ đó nghề gánh nước mướn ra đời.

Nghề này kéo dài cho đến đầu thập niên 1970, khi người dân từ các nơi nhập cư về Sài Gòn khiến dân số tăng cao đến hai triệu người, vượt gấp bốn lần theo quy họach thành phố “Paris nhỏ ở Viễn Ðông” của người Pháp đề ra khi thành lập thành phố Sài Gòn năm 1874. Dân số nhập cư bùng nổ, nhu cầu tiêu dùng nước sinh họat cấp bách, chính quyền cho mở đường nước máy vào các khu xóm khắp Sài Gòn để phục vụ dân sinh.

Một phông- tên nước công cộng bơm bằng tay hồi năm 1931 trên đường Nguyễn Huệ cho người dân lấy nước – Nguồn: Anhxuasaigon

Một phông- tên nước công cộng bơm bằng tay hồi năm 1931 trên đường Nguyễn Huệ cho người dân lấy nước – Nguồn: Anhxuasaigon

Dường như trong bất cứ xóm nào cũng có người làm nghề gánh nước mướn, nhất là những người nhà quê chân ướt chân ráo lên Sài Gòn định cư, chưa tìm kiếm được công việc, đành đi gánh nước thuê đắp đổi qua ngày.

Cũng có những người chuyên làm nghề này coi như một công việc ổn định. Công việc quanh năm suốt tháng, do đó mới có chuyện tranh giành phông-tên công cộng, cãi vã nhau người đến trước kẻ đến sau, thậm chí vài chị em gánh nước “nóng mặt” đập lộn bằng đòn gánh.

Tôi nhớ, trên đường Tô Hiến Thành gần nhà thờ Thánh Tâm, đầu hẻm xóm tôi có một vòi nước phông-tên công cộng. Thỉnh thoảng sau giờ học, tôi thường ra đây hứng một hai đôi nước về đổ đầy cái khạp da bò dành cho việc nấu ăn mặc dầu trong nhà nước mưa lúc nào cũng chứa đầy bốn năm khạp lớn.

Công việc gánh nước thực ra là của mấy bà chị, nhưng đôi khi tôi làm cho vui để biết công việc gánh nước ra sao. Sức tôi chỉ gánh được nửa đôi thùng nước, từ phông-tên vào xóm đi qua một đoạn đường chưa đầy trăm mét mà tôi phải dừng lại nghỉ mấy lần, thế mới biết công việc gánh nước thuê quả là nhọc nhằn, mỗi ngày phải gánh xệ vai mấy chục đôi nước đầy để kiếm vài chục đồng bạc.

Phông-tên công cộng là nơi lấy nước sinh họat. Nhiều người mang đồ ra giặt như sân nhà của mình là chuyện thường nhật ở Sài Gòn thập niên 1960 – Nguồn: Anhxuasaigon

Phông-tên công cộng là nơi lấy nước sinh họat. Nhiều người mang đồ ra giặt như sân nhà của mình là chuyện thường nhật ở Sài Gòn thập niên 1960 – Nguồn: Anhxuasaigon

Cuộc sống vất vả, kiếm được đồng tiền lại càng khó khăn hơn, phải giành chỗ trước để còn thời gian trở lại phông-tên lấy nước cho kịp chủ cần, cho nên tính khí mấy chị gánh nước thuê thường hay cộc cằn, dễ nổi nóng. Tôi hay gọi đùa mấy chị miệng mồm đi trước gánh nước theo sau là nàng “La Phông-tên”.

Miệng mồm la ó chửi lộn tranh giành với ai chứ không hiểu sao, có mấy chị lúc nào cũng ưu ái nhường thùng cho thằng nhóc con mặt đực ra chịu khó đứng chờ tới lượt mình lấy nước. Có lần, một chị gánh nước thuê nói với tôi “Sao đứng khờ ra đó, người ta chen ngang đặt thùng trước mặt mà không chịu đá cái thùng nó ra. Ở đời, đừng có hiền quá người khác ăn hiếp”.

Nghe thì nghe vậy với nụ cười cảm ơn vì có người quan tâm tới mình nhưng lòng tôi lại nghĩ, “đá cái thùng nó ra, nó đá đít mình lỡ té dập mặt thì má nhìn không ra”.

Rồi cái ngày có nước máy trong xóm tôi đến đột ngột cùng lúc chương trình hỗ trợ an sinh hào phóng dành cho dân chúng của chính quyền cấp từ Quỹ viện trợ của Liên Hiệp Quốc. Bà con trong xóm ghi tên, kháo nhau mỗi nhà được tặng vài ba bao xi-măng, vài tấm tôn fibro để xây bể nước, lợp lại mái nhà hứng nước mưa xài thêm trong khi chờ thi công đào đường lắp đặt hệ thống ống cái, ống con dẫn vào các con hẻm nhỏ.

Nhu cầu cung cấp nước sạch khi ấy là cấp thiết, trong khi ngành y tế dán bích chương đầy đường cổ động bà con ăn sạch uống sạch, nấu chín nước giếng trước khi dùng và hạn chế dùng nước mưa hứng từ mái nhà fibro xi-măng.

Thế là nhiều bà con trong xóm tôi sau khi nhận xi-măng, tôn fibro đem bán lại cho mấy ông thầu xây dựng lấy tiền xài chơi, coi như trúng số lô an ủi, lại còn được tặng thêm đồng hồ nước gắn trong cái thùng đúc bằng xi-măng. Người dân không cần xài nước phông-tên công cộng nữa, nghề gánh nước mướn tàn lụi.

Xây dựng tuyến đường ống cấp nước tại trung tâm Sài Gòn năm 1966 – Ảnh: Tư liệu

Xây dựng tuyến đường ống cấp nước tại trung tâm Sài Gòn năm 1966 – Ảnh: Tư liệu

Theo tài liệu cấp nước Sài Gòn thời đó, nhờ nguồn viện trợ của người Mỹ, chính phủ tiến hành thiết kế và xây dựng các thủy đài chung quanh thành phố nhằm điều áp lưu lượng nước chảy đến đường ống của tất cả các khu vực dân cư ở xa sau khi nhà máy nước Thủ Ðức hoàn thành.

Các thủy đài lần lượt xây từ năm 1965 đến năm 1969, hầu hết đều cao và to hơn các thủy đài thời Pháp. Toàn bộ thủy đài sử dụng van tự động, khi sử dụng nhiều, thủy đài tự mở van cung cấp; khi sử dụng ít, lượng nước dư tự động bơm ngược lên thủy đài. Tuy nhiên, theo nhiều thông tin báo chí, từ khi xây dựng xong các thủy đài do kiểm tra có rò rỉ nên không đưa vào vận hành cho đến năm 1975.

Chuyện hư thực thế nào chẳng rõ, nhưng sau 1975 nguồn nước máy sinh hoạt chảy rất yếu. Có lần tôi hỏi một anh công nhân ghi đồng hồ nước trước đây làm cho Công ty Sài Gòn Thủy cục về nguyên nhân các thủy đài xây xong do rò rỉ mà không vận hành.

Anh nói, không hoàn toàn đúng như vậy. Hầu hết các thủy đài vận hành một thời gian sau mới phát hiện một hai cái rò rỉ nên sở cung cấp nước dừng vận hành để sửa chữa. Nước chảy yếu là do thiếu áp suất điều tiết từ trạm bơm Thủ Ðức, công suất không đủ đẩy nguồn nước xa hơn. Muốn nước chảy khá hơn, cần phải đào âm xuống đất và hạ đường ống đồng hồ nước xuống ngang bằng ống dẫn.

Tháp điều áp nước tại nhà máy nước Thủ Đức năm 1969 – Ảnh: George Lane

Tháp điều áp nước tại nhà máy nước Thủ Đức năm 1969 – Ảnh: George Lane

Thế là ở góc hành lang nhà tôi có một cái bể âm xuống đất chừng ba bốn tấc do chính tay tôi làm. Nước từ đường ống rỉ rả suốt ngày tuy không nhiều nhưng còn đỡ hơn cái vòi nước trên cao chỉ nhỏ giọt cầm chừng. Thời buổi khó khăn, chẳng ai phàn nàn chuyện nước nôi chi cả miễn đừng cúp nước là được. Cũng như chuyện chưa có nước máy mấy năm trước đây thôi, người dân xóm nhỏ của tôi đi ra phông-tên công cộng gánh nước về nhà mà miệng vẫn cười vui

Theo baotreonline


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: