TP HCM: Người dân bước vào cuộc đua ‘săn vé’ Tết


Cũng như mọi năm, thời điểm này người dân TP HCM đang bắt đầu bước vào cuộc đua “săn vé” về quên ăn Tết. Để có tấm vé về quê ăn Tết, đối với những cư dân thành phố gốc gác tỉnh lị phải trải qua không ít gian nan…

Gần 90 ngàn vé tàu đợt cao điểm Tết Mậu Tuất vẫn đang chờ người mua

Cảnh báo tình trạng website bán vé tàu Tết giả

Trên trang bán vé tàu trực tuyến của ngành Đường sắt, các tuyến tàu về miền Trung dịp cận Tết luôn trong tình trạng “đã bán hết”

Trên trang bán vé tàu trực tuyến của ngành Đường sắt, các tuyến tàu về miền Trung dịp cận Tết luôn trong tình trạng “đã bán hết”

Vé trong quầy hết, vé “chợ đen” thì còn

Từ 3 ngày nay, anh Nguyễn Minh Long, quê Phù Cát, Bình Định đã liên tục lên mạng để săn vé tàu về quê dịp Tết Nguyên đán 2018 vào ngày 24 tháng Chạp, nhưng vẫn chưa mua được. Anh Long cho biết, ban đầu anh cố gắng tìm vé giường nằm nhưng không được, tiếp đó anh đã chuyển sang ghế ngồi nhưng cũng vẫn không có vé. Theo dõi thông tin trên mạng, anh Long được biết còn đến gần 80 ngàn vé tàu các chuyến từ Nam ra Bắc và ngược lại, trước và sau Tết, thế nhưng không hiểu sao tuyến của anh lại khó mua như thế.

Anh Long đã thử mua vé tàu ở các tuyến dài hơn như Quảng Ngãi, Huế nhưng cũng không thành. Ngày 25/12, anh Long có đến tận ga Sài Gòn mua vé, nhưng không mua được và được một cò mồi tên Tuấn giới thiệu là “có vé đi ga Quy Nhơn, một người hay cả nhà 5 người đều có vé tất”, giá vé này cao gấp rưỡi giá niêm yết trên mạng. Tuy nhiên, do e ngại vé giả và ga Sài Gòn đã có khuyến cáo về việc không mua vé ở lực lượng cò mồi nên anh Long từ chối không mua. Anh Long cho biết đang chuyển phương án cho cả nhà đi xe ô tô về, vì máy bay cũng đắt đỏ và không đặt được.

Nhiều người dân quê khu vực miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Phú Yên cũng đang lo lắng vì tình trạng khan hiếm vé tàu tuyến này. Trên website của đường sắt Việt Nam, vé tàu của chặng này luôn nằm ở “màu đỏ”, nghĩa là vé đã bán. Điều đáng nói là tình trạng cò mồi khá phổ biến tại khu vực trước và quanh ga Sài Gòn, luôn cam đoan có vé cho các chặng, với mức giá gấp đôi, gấp rưỡi giá vé niêm yết. Không biết sự thực của những chiếc vé này thế nào. Nếu là vé giả thì rất đáng lo ngại, vì nhiều người dân sẵn sàng bỏ số tiền cao hơn để có  được tấm vé về quê dịp Tết. Tuy nhiên, nếu đó thực sự là vé thật thì điều này cũng đáng lo ngại không kém, vì nó chứng tỏ tình trạng buôn vé “chợ đen” vẫn chưa thể kiểm soát được, gây thiệt thòi cho người dân có nhu cầu thật sự.

Mong có nhiều phương tiện về quê

Trước “cái khó” khan hiếm vé tàu, nhiều người dân có nhu cầu về quê ở chặng giữa như khu vực miền Trung cũng đã có phương án chuyển sang đi xe ô tô, dù biết là mức độ an toàn không cao như đi tàu lửa. Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, quê Quảng Nam cho biết, sau nhiều ngày săn vé tàu bất thành, lên mạng xem vé máy bay thì đến trên 3 triệu/ vé, gia đình 6 thành viên gồm hai vợ chồng, mẹ chồng và hai con, số tiền quá lớn nên anh chị quyết định đi xe ô tô giường nằm chỉ với 550 ngàn/ vé.

Theo thông báo của Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây, năm nay giá vé Tết Nguyên đán sẽ tăng không quá 60%. Đồng thời, Bến xe miền Đông cũng đã thông báo sẽ mở bán vé Tết bắt đầu từ ngày 6/1 dương lịch, với 2 hình thức là trực tuyến và mua trực tiếp tại quầy.

Nhanh tay hơn các bến xe lớn, thời điểm này, các hãng xe cũng đã bắt đầu triển khai các chương trình bán vé Tết với các hình thực bán trực tiếp hoặc trực tuyến. Hãng Phương Trang đã bắt đầu bán vé trên toàn quốc từ 23/12, với số lượng 1.500 chuyến xe để phục vụ khách. Các tuyến quen thuộc là miền Trung và cao nguyên, giá vé cao nhất của hãng này không quá 575 ngàn đồng, chỉ áp dụng một bảng giá cho khoảng thời gian từ 20 tháng Chạp đến mùng 3 Tết. Về phần mình, hãng Hoàng Long cho biết đã mở bán 300 ngàn vé xe Tết trực tuyến trên các website đối tác. Giá vé Sài Gòn – Hà Nội thời điểm giáp Tết của hãng này dao động từ 1 triệu đến 1,8 triệu, được phân loại theo mức độ cao điểm.

Có vẻ như ô tô vẫn là lựa chọn dễ dàng cho người dân, nhất là người có thu nhập trung bình đến thu nhập thấp. Tuy nhiên, đó cũng là một lựa chọn mang nhiều rủi ro hơn phương tiện tàu và vé máy bay.

Như vậy, thời điểm này, “cuộc đua” săn vé về quê ăn Tết đã nóng dần lên. Để có một chuyến về quê đón xuân không dễ dàng gì, và một trong những vấn đề nan giải nhất là phương tiện di chuyển. Để rồi, người dân cũng chỉ biết thầm mong sang năm tàu, xe, máy bay sẽ tăng chuyến, giá vừa tiền, hoặc tự nhủ mình sang năm phải nhanh tay hơn…

Theo PLO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: