Những người chạy xe xích lô ở Sài Gòn: Xích lô trước vòng xoáy dịch vụ vận tải công nghệ cao


“Người chạy xe ôm công nghệ thì có khách của họ, người đạp xích lô như tôi thì có khách của tôi. Bây giờ, xích lô “tàn” rồi, còn gì nữa mà giành”, đó là những lời chia sẻ cay đắng của những người đạp xích lô cuối cùng còn sót lại ở mảnh đất Sài Gòn.

Những người chạy xe xích lô ở Sài Gòn: Đắp đổi qua ngày với “ngôi nhà” di động

Ký ức Sài Gòn: thao thức tiếng xích lô máy

Đâu còn gì nữa để mà giành

Trước sự nở rộ của các dịch vụ vận tải công nghệ, giờ đây, người ta chỉ cần sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động để đặt xe, rất tiện lợi và giá cả hợp lý. Điều này khiến không chỉ xem ôm truyền thống mất khách mà cả người chạy xích lô cũng phải chịu ế ẩm.

Ông Lâm Tài Kim (67 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) có thâm niên hơn 40 năm trong nghề cho biết, khách đi xe và chở hàng dần ít đi, thu nhập cũng trở nên bấp bênh. Một năm trở lại đây, có ngày ông đi làm không chở được cuốc khách nào.

“Những năm trước, xe máy không nhiều, người đạp xích lô đón khách, chở hàng liên tục nên cũng có tiền. Bây giờ, xích lô ế quá, người ta đi xe ôm, taxi hết rồi”, ông Kim nói.

Ông Lâm Tài Kim (67 tuổi, ngụ tại đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM) đã thăng trầm qua hơn 40 năm nghề xích lô tại Sài Gòn

Ông Lâm Tài Kim (67 tuổi, ngụ tại đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM) đã thăng trầm qua hơn 40 năm nghề xích lô tại Sài Gòn

Mặc dù hiện nay sống với nghề khá chật vật nhưng những người đạp xích lô vẫn gắng bám trụ nó. Với họ, đó là công việc mưu sinh đã nhiều năm, nuôi sống bản thân và người thân.

Ông Nguyễn Văn Hưng (51 tuổi, quê An Giang) có hơn 20 năm trong nghề than thở: “Trước kiếm cơm cũng được, ngày 200.00 đồng là bình thường. Giờ kiếm 100.000 đồng không nổi. Để có thêm thu nhập, tôi chịu khó chở thêm vài chuyến hàng đến tận 1 – 2h sáng rồi mới nghỉ. Nghề này không sung sướng đâu, vất vả lắm, kiếm đồng tiền đâu có sung sướng gì. Bữa gặp trời mưa, tôi vừa chạy, vừa đậy hàng, ráng đạp nhanh đến chỗ để cho xong chuyến hàng”.

Đối với ông Lê Văn Ngà (sinh năm 1952, ngụ huyện Hóc Môn) – người có thâm niên hơn 40 theo nghề. Khi không có khách, ông Ngà thường ngồi đọc báo và quan tâm nhất là mấy vụ liên quan đến xem ôm công nghệ. Theo ông, nó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến công việc chạy xích lô.

Chạy xích lô ở khu quận 1, ông Ngà cũng lận lưng chút ít tiếng Anh để chào mời khách Tây. Giờ khách Tây cũng ít đi xích lô vì có Grab, Uber. Chỉ cần móc điện thoại, quẹt một cái, xe tới tận nhà chở đi. Còn xích lô làm gì có mạng (Internet) để khách gọi đi.

Cuối ngày, ngồi nhìn đường phố đông đúc qua lại, ông Ngà chỉ tay ra xa nói: “Giờ nhìn đâu cũng thấy Grab và Uber”.

Duy trì chén cơm nhờ… “mối ruột”

Ông Nguyễn Văn Ngọc (56 tuổi, ngụ tại quận 6) – người có 25 năm thâm niên chạy xích lô mướn chở hàng hóa tại khu chợ Lớn cho biết, khi làm nghề này, nói buồn thì không có, ông còn sức khỏe kiếm được đồng tiền là vui lắm rồi.

Vài năm gần đây, xe ôm công nghệ phát triển khắp nơi khiến không chỉ xe ôm truyền thống mà xích lô cũng chật vật theo

Vài năm gần đây, xe ôm công nghệ phát triển khắp nơi khiến không chỉ xe ôm truyền thống mà xích lô cũng chật vật theo

Ông phân trần: “Xích lô giờ ế lắm, đâu ai đi xích lô đâu. Hàng hóa nhiều, người ta toàn kêu mấy chú xe ba gác, xe bán tải… chứ đâu chịu chở bằng xích lô nữa. Khi nào hàng hóa, trái cây ít, vận chuyển trong chợ thì khách mới kêu tôi chở”. Để kiếm thêm thu nhập, ông Ngọc nhờ mấy mối quen kêu chạy chở hàng đồ vải ở khu chợ vải Soái Kình Lâm. Nhờ vậy cũng có thêm chút đỉnh đồng ra, đồng vô.

Cuốc xe đầu tiên trong ngày của ông Ngọc là chở chị Đoàn Thị Lệ Phượng (quê Tiền Giang). Chị Phượng cho biết: “Tôi bán trái cây ở chợ Lớn mấy chục năm rồi và trở thành “mối ruột” của chú Ngọc cách đây 5 năm. Mỗi chuyến cả đi lẫn về, từ bến xe miền Tây đến chợ Lớn, chú lấy 50.000 đồng. Bữa nào chở ít, chú chỉ lấy 30.000 đồng thôi. Thay vì đi xe máy nhanh hơn, tôi chọn chú Ngọc vì chú rất kỹ tính. Trái cây loại nào dễ dập chú cẩn thận dỡ hàng lên xuống giúp tôi”.

Xã hội phát triển và các dịch vụ vận tải bằng công nghệ là lẽ tất nhiên. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc “chén cơm” của các bác xích lô dần vơi đầy, chịu ế ẩm. Đối mặt với nhiều khó khăn, nhọc nhằn, cơ cực, niềm vui bình dị của các bác xích lô chỉ là những lúc “mối ruột” gọi điện thoại, kêu chở hàng liên tục. Và hằng ngày, công việc của họ cứ quần quật, miệt mài đạp những vòng xe lăn bánh trên những con phố Sài Gòn.

 

Năm 1992, đa phần người đạp xích lô trên địa bàn TP HCM có thâm niên trên dưới 20 năm đã thống nhất quy tụ lại thành lập Nghiệp đoàn xích lô quận 1. Trong nghiệp đoàn sẽ cử ra một người đại diện chuyên liên hệ với những công ty du lịch trong thành phố, nhận khách qua điện thoại với giá niêm yết trung bình 50 – 70 ngàn đồng/giờ.

Chú Nghĩa – Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô quận 1, TP.HCM, chia sẻ: “Mỗi tháng, nghiệp đoàn sẽ nhận hợp đồng từ các công ty du lịch và cung cấp khoảng 20 – 30 xe phục vụ khách hàng. Thời điểm đông khách nhất thường là mùa hè và các tháng cuối năm”.

Được biết, sau năm 1975, xích lô là phương tiện giao thông phổ biến ở Sài Gòn. Lúc đó có hàng chục nghìn xe xích lô. Tuy nhiên, đến thập niên 90 xe xích lô bị cấm lưu thông trong khu trung tâm và năm 2008 thì cấm trên các tuyến đường chính.

Theo thegioitiepthi


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: