Nghe đờn ca tài tử giữa lòng Sài Gòn


Một nhà hàng trong hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ (quận 3, TP.HCM) tổ chức biểu diễn đờn ca tài tử cho thực khách trong và ngoài nước.

Dàn sao cải lương hội tụ ở Khai mạc Festival Đờn ca tài tử

Cuối tuần “bỏ trốn” Sài thành về miền tây nghe đờn ca tài tử

Hoạt động giao lưu đờn ca tài tử với thực khách diễn ra vào mỗi tối thứ ba, thứ năm và thử bảy hàng tuần. Các nghệ nhân biểu diễn tại đây đều là những tên tuổi hoạt động chuyên nghiệp dưới sự dẫn dắt của nhạc sĩ Đình Long.

Mới triển khai vào tối 22-3 vừa qua nhưng theo anh Dương Hồng Thọ, quản lý nhà hàng, hoạt động trên nhận được sự đón chờ và phản ứng rất tích cực từ các thực khách trong và ngoài nước.

Ngoài câu chuyện kinh doanh, thông qua hoạt động này, nhà hàng muốn giới thiệu đến thực khách quốc tế nét đẹp văn hóa đáng tự hào của dân tộc. Ngay cả các thực khách Việt đến đây cũng có cơ hội thật sự hòa mình vào dòng chảy văn nghệ từ xa xưa của cha ông.

Hồng Thọ cho rằng: “Đờn ca tài tử là điều đáng tự hào và đáng được thế hệ trẻ như chúng ta giữ gìn, phát triển”.

Đoàn nghệ nhân biểu diễn đờn ca tài tử - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đoàn nghệ nhân biểu diễn đờn ca tài tử – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chọn đờn ca tài tử mà không phải loại hình văn hóa phi vật thể nào khác, Thọ cho biết, đây là loại hình rất dân dã và đặc trưng cho văn hóa Nam Bộ. Hơn nữa, đờn ca tài tử có giai điệu rất gần gũi và dễ đi vào lòng người, rất thích hợp để giới thiệu văn hóa của người dân Nam kì lục tỉnh nói riêng và văn hóa chung của Việt Nam đối với những thực khách đến từ nhiều nền văn hóa khác.

Xuất thân từ gia đình có truyền thống về đờn ca tài tử, Thảo Vy, 29 tuổi, giọng ca chính của đoàn, rất vui khi được biểu diễn mở màn cho chuỗi hoạt động trên. Phần vì “khát khao được hát đã ngấm trong máu”, phần vì muốn góp sức nhỏ cho việc bảo tồn và truyền bá loại hình nghệ thuật trên, Thảo Vy nhận lời biểu diễn tại đây.

Dù loại hình nghệ thuật này đã lan truyền rất nhiều trong nhân dân khắp cả nước, nhưng theo Thảo Vy, hiếm có một không gian nào để những người mến mộ giao lưu và tiếp xúc trực tiếp như thế.

Theo nghệ nhân, ở đờn ca tài tử, sự kết hợp giữa nhạc dân tộc với nguồn gốc từ nhã nhạc cung đình Huế và nhịp phách của dòng nhạc nhẹ đã tạo nên vẻ đặc sắc khiến chị mê mẫn suốt bao năm. Cũng chính nhịp phách từ các nhạc cụ đã thu hút sự quan tâm, yêu thích của các du khách nước ngoài đối với loại hình này.

Du khách thích thú ghi hình các phần trình diễn - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Du khách thích thú ghi hình các phần trình diễn – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đờn ca tài tử có sức hấp dẫn rất lạ. Thảo Vy kể lại, những lúc dưới quê có tổ chức buổi giao lưu, dù đường xa đến đâu, những người yêu làn điệu Dạ cổ hoài lang vẫn lặn lội đến dự. Người có bánh đem bánh, người có trà đem trà, điều này tạo nên vẻ gần gũi không lẫn vào đâu.

Nghệ nhân trẻ cho rằng: “Chính cái dễ đi vào lòng người của đờn ca tài tử đã tạo nên vẻ đẹp cho nó và cũng tạo nên vẻ đẹp cho văn nghệ dân gian nước mình. Đến giờ đờn ca tài tử vẫn sống, có ý nghĩa không thể thiếu trong tinh thần mỗi người con đất Việt. Người trẻ chúng ta phải giữ cho bằng được”.

Theo TTO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: