Nhiều người, như tôi, khi bước vào tuổi “bên kia con dốc” lại tự hỏi, nếu được bắt đầu một lần nữa tuổi trẻ, nghề nghiệp, các cơ hội thay đổi cuộc sống… tôi có chọn Sài Gòn không? CẢM NHẬN NÉT SÀI GÒN ĐẾN TỪ NGƯỜI HÀ NỘI Kiểu sống “lạ” của Sài Gòn nhìn từ một người miền ngoài TS Nguyễn Thị Hậu. Nguồn ảnh: Internet. Câu tự vấn của TS. Nguyễn Thị Hậu – người mà nghề nghiệp đã gắn liền với tên “Hậu khảo cổ”, ẩn chứa nỗi niềm chung của nhiều người. Cũng như chị, hay nói đúng hơn là giống như những người thuộc thế hệ trước, họ đã bị cuốn theo sức hấp dẫn của Sài Gòn và chọn mảnh đất này làm nơi lập nghiệp. Dòng chảy nhập cư ấy đã diễn ra suốt thế kỷ 20 và biến Sài Gòn thành một bức tranh đa dạng, sinh động, khó nắm bắt như những lớp sóng của dòng Cửu Long cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về mùa nước lớn, để rồi lớp phù sa màu mỡ từ từ lắng đọng nuôi cánh đồng lúa vàng và vườn cây trái ngọt lành… Bây giờ đã có một lớp người Sài Gòn nói giọng Hà Nội, cũng như rất nhiều người Sài Gòn nói giọng Quảng Nam, giọng Huế… Nhiều người đã yêu Sài Gòn. Có thể đối với họ đây là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi họ đã rời xa quê nhà vào kiếm sống và được Sài Gòn rộng rãi sẻ chia. Có thể là nơi để lại mối tình đầu đau đáu nỗi chia ly, là nơi họ rời bỏ mà luôn mong một ngày quay lại… Nhưng cũng với nhiều người tình yêu Sài Gòn thật khó có thể bộc lộ thành lời, phải chăng vì Sài Gòn không như một cô gái đẹp dịu dàng, yểu điệu kiêu sa làm người ta dễ cảm mến để rồi thốt vội lời yêu? Sài Gòn mang dáng vẻ của cô gái hiện đại, năng động và bình dị, một vẻ đẹp mà người ta thường ngại ngùng khi muốn ngỏ lời yêu… Khi ta nhận ra rằng, nếu sống với Sài Gòn, sống hết mình cùng Sài Gòn ta sẽ nhận ra tấm lòng nặng tình đầy nghĩa bên trong vẻ bộc trực phóng khóang của người Sài Gòn, người Nam bộ. Vậy thì có cần chăng, một nơi khác để bắt đầu một cuộc đời khác? Trong buổi nói chuyện “Sài Gòn – nhìn từ một người ‘giao hòa Nam – Bắc’*”, TS Nguyễn Thị Hậu, người đã viết rất nhiều tản văn về Sài Gòn, sẽ cùng phân tích về bức tranh đa dạng, sinh động và khó nắm bắt đó của Sài Gòn. Buổi nói chuyện do Tia Sáng tổ chức trong khuôn khổ chuỗi hoạt động thường kỳ đưa khoa học và nghệ thuật đến công chúng. Thông tin chi tiết: Thời gian: 14h30, thứ bảy ngày 14/4/2018. Địa điểm: Café Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Vào cửa tự do. Đôi nét về TS. Nguyễn Thị Hậu, một người “giao hòa Nam – Bắc”: Quê nội An Giang, quê ngoại Đồng Tháp. Sinh tại Hà Nội, sống ở Sài Gòn từ 1975.Nguyễn Thị Hậu tốt nghiệp ngành Khảo cổ học tại trường Đại học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh 1980 (nay là trường ĐHKHXH&NV TP.HCM); sau đó lấy bằng Tiến sĩ Khảo cổ học tại Viện Khoa học xã hội TP.HCM 1997 (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). TS. Nguyễn Thị Hậu từng công tác tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM và là giảng viên trường Đại học KHXH&NV TPHCM. Sau khi nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục giảng dạy và là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV HCM, phụ trách nghiên cứu về khảo cổ học và bảo tồn bảo tàng. Bà cũng là Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Sử học TP HCM. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà bao gồm: (1) Thời kỳ tiền – sơ sử ở miền Nam Việt Nam bao gồm các văn hóa khảo cổ học Đồng Nai, Óc Eo – Phù Nam, Sa Huỳnh – Champa; (2) Văn hóa đô thị: cộng đồng dân cư và bảo tồn di sản đô thị. Hiện nay TS. Nguyễn Thị Hậu đang thực hiện các nghiên cứu về Khảo cổ học đô thị, khảo cổ học cộng đồng, bảo tồn di sản văn hóa Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh.Nguyễn Thị Hậu đã xuất bản 02 công trình sách chuyên khảo về khảo cổ học và 01 công trình về văn hóa ở TP. Hồ Chí Minh (Khảo cổ học bình dân vùng Nam bộ – Việt Nam, từ thực nghiệm đến lý thuyết, Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ TPHCM). Ngoài ra còn có hàng chục bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học: Khảo cổ học, Khoa học xã hội, Di sản văn hóa, Nghiên cứu phát triển… (Việt Nam), Sciences Humaines & Sociales (Pháp). Một số tản văn, truyện và ký đã xuất bản: Quay qua quay lại, Ngắn và rất ngắn, Đi và tìm trong đất, Vẫn Còn nhớ nhau, Sài Gòn bao giờ cũng thế… Theo tiasang