Vẻ đẹp thầm lặng và giấc mơ từ những tầng cao


Nghĩ đến sự cống hiến thầm lặng của họ, có lúc tôi mơ được thấy một tượng đài về người thợ xây mọc lên hoành tráng giữa những toà cao ốc của thành phố mình đang sống, nhưng khi gặp cụ thể một người thợ thiếu may mắn đang lang thang trong vô vọng thì tôi lại ấp ủ một giấc mơ khác…

Mưu sinh bằng nghề nguy hiểm

Mục sở thị một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới

1.Chưa bao giờ trên khắp đất nước ta mọc nhiều công trình xây dựng như từ thập niên cuối thế kỷ XX về sau này. Từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ vùng cao đến hải đảo, ở đâu cũng xuất hiện nhiều công trình làm thay đổi nhanh chóng cảnh quan vốn điêu tàn vì chiến tranh tàn phá và xây dựng tạm bợ, chắp vá thời bao cấp khó khăn.

Đặc biệt, ở đô thị lớn hàng đầu là TP Hồ Chí Minh, sự đổi thay diễn ra từng ngày. Những người chỉ biết Sài Gòn trước đây, bao năm cách xa trở về luôn ngạc nhiên sửng sốt trước một thành phố hoàn toàn mới lạ.

Từ quê hương Phú Yên tôi vào TP Hồ Chí Minh học tập, làm việc và sinh sống đã gần tròn ba mươi năm. Thành phố này đã trở thành quê hương thứ hai của tôi với bao buồn vui trải nghiệm. Mỗi khi có chút thời gian rảnh rỗi, tôi hay đánh xe một mình chạy lòng vòng ngắm nhìn sự thay đổi của thành phố, từ những con đường đến những con hẻm, vòng xoay đều khác lạ.

Và mỗi lần đi vòng quanh trên những con đường quen thuộc hoặc mới mở, nhìn những toà nhà cao tầng xen lẫn thấp thoáng những ngôi nhà cổ, tôi hay nghĩ tới những người thợ xây âm thầm ở phía sau những công trình đó.

Các cao ốc không ngừng mọc lên ở TP Hồ Chí Minh.

Các cao ốc không ngừng mọc lên ở TP Hồ Chí Minh.

Người ta thường nói đến những đại gia như chú Hoả, bá hộ Xường hoặc những kiến trúc sư tài hoa như Ngô Viết Thụ đã có công quy hoạch, xây dựng nhiều công trình quan trọng, nhưng lại bỏ quên những người thợ thầm lặng đóng vai trò không nhỏ trong quá trình hình thành, phát triển Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh.

Họ là kỹ sư, thợ xây, phụ hồ và những người làm công việc liên quan tới công trường xây dựng, mà gần đây có sự hiện diện khá đông người từ Phú Yên. Với một lực lượng rất đông đảo như vậy, nhưng dường như họ ít được xã hội quan tâm, cả giới cầm bút cũng chẳng mấy khi có bài viết hoặc tác phẩm sáng tạo về nghề nghiệp và số phận của họ.

Cách đây hơn 150 năm, trên tờ Tin tức Sài Gòn số ra ngày 10-11-1865, có đăng số liệu về những người thợ và lao công xây cất công sở ở đô thị mới này khoảng 2.000 người. Theo niên giám 1865 của chính quyền đương thời, Sài Gòn – Chợ Lớn lúc ấy mới có chu vi dài 7km, rộng 3km, dân số khoảng 20.000 người. Số dân xuống thấp tới hơn một nửa so với trước đó, do quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định năm 1859, nhiều làng mạc ven sông Sài Gòn bị đốt phá, người dân tản cư sang các vùng do triều đình nhà Nguyễn còn kiểm soát.

Cũng ngay trong năm 1865, chính quyền thực dân Pháp đã chuẩn bị trang thiết bị, vật liệu để xây dựng 15.350m đường sá nội thành Sài Gòn, tập trung chủ yếu ở ngã ba sông Sài Gòn với vàm rạch Bến Nghé, đặt nền móng cho việc xây dựng công sở, nhà ở và kêu gọi các nhà tư bản phương Tây vào đầu tư. Nghĩa là bấy giờ, số thợ xây dựng lẫn lao công phụ hồ đã chiếm tới 1/10 dân số của cả đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn.

Theo khảo cứu của nhà văn hoá Sơn Nam trong tác phẩm “Bến Nghé xưa”, sau khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định rồi cả Nam Bộ, thì người châu Âu tràn vào Sài Gòn ngày càng đông và đầu tư xây cất nhà ngày càng nhiều. Cụ thể, năm 1862 họ xây 40 nhà, trong đó có 37 nhà cột cây, vách ván, lợp ngói; còn lại là nhà cột gạch, xây tường.

Tương tự, năm 1864 số nhà được xây là 108 và 63, năm 1865 là 200 và 107, năm 1866 là 427 và 226. Hai ngôi nhà lầu đầu tiên là trụ sở của Công ty Vận tải Eymond et Henry bắt đầu xây năm 1863; và trụ sở chi nhánh Công ty Vận tải của Messageries Impériales cất sau vài tháng, hoàn thành năm 1864, thường được gọi Sở Ông Năm hoặc Sở Nhà Rồng vì trên nóc gắn hai con rồng bằng sành; đó chính là Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh nằm trên bến Nhà Rồng ngày nay.

Chép lại những con số biết nói ấy để chúng ta hình dung rõ hơn về đô thị trẻ Sài Gòn thuở mới hình thành, với sự tham gia quan trọng ngay từ đầu của đội ngũ thợ xây dựng.

Nhiều công nhân làm việc trên cao rất nguy hiểm nhưng không hề có bảo hộ lao động.

Nhiều công nhân làm việc trên cao rất nguy hiểm nhưng không hề có bảo hộ lao động.

2.Hơn 150 năm đã trôi qua. Đất nước thống nhất sau hai cuộc chiến tranh vệ quốc cũng hơn 40 năm. Trải bao thăng trầm lịch sử, từ Sài Gòn – Chợ Lớn đến TP Hồ Chí Minh, thành phố này lớn mạnh hơn gấp bội phần. Đặc biệt kể từ ngày 30-4-1975, sau một thời gian ứng phó với chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm nghĩa vụ quốc tế, thoát khỏi tư duy bao cấp, bước vào công cuộc đổi mới, thành phố đã tập trung được mọi nguồn lực để phát triển nhanh chóng.

Cùng với sự phục hưng kinh tế, hàng loạt công trình mới đã mọc lên, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo thành phố. Và đây cũng là lúc lực lượng những người thợ xây dựng được bổ sung mạnh mẽ hơn bao giờ hết, với nguồn lao động chủ yếu từ các tỉnh thành khắp cả nước mà đông nhất là từ miền Trung. Nhiều người thợ có tay nghề cao. Đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng được đào tạo ngày càng nhiều chứ không phụ thuộc vào người nước ngoài như trước, đã phục vụ kịp thời công cuộc quy hoạch, chỉnh trang, xây dựng thành phố.

Cho đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể có bao nhiêu kỹ sư, thợ xây, phụ hồ,… đang làm việc trên những ngả đường và những công trình. Trong số gần 8 triệu dân có hộ khẩu chính thức và khoảng 2 triệu dân tạm trú ở thành phố, tôi nghĩ lực lượng thợ xây dựng hiện có thể chiếm tới khoảng nửa triệu, tức gần 1/20 dân số, bằng một nửa tỉ lệ mà cách đây 150 năm báo Tin tức Sài Gòn đưa ra về số lượng thợ xây Sài Gòn lúc đô thị này mới hình thành…

Vừa qua, trong chuyến về miền Trung, tôi gặp một chàng trai mới ngoài 20 tuổi, trông rất mạnh khoẻ, gương mặt khôi ngô nhưng hơi ngờ ngệch, lang thang ăn xin. Hỏi thăm người xung quanh tôi mới biết em ở xã Hoà Mỹ Đông, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên cách đây vài năm vào TP Hồ Chí Minh làm thợ hồ chẳng may bị rơi từ giàn giáo xuống đất bất tỉnh.

Chữa trị ra viện, đầu óc em không còn bình thường và cũng không còn khả năng lao động. Chủ thầu xây dựng chỉ cho em vài triệu đồng lo thuốc men và đủ tiền xe về quê, ngoài ra không có bảo hiểm hay khoản tiền nào khác. Nhà nghèo, tàn tật, em phải lê chân đi ăn xin sống qua ngày khi còn rất trẻ…

Trường hợp của người thợ bất hạnh từ Phú Yên không phải là hiếm. Báo chí vẫn thường đưa tin những vụ tai nạn thương tâm trong xây dựng gây chết người hoặc bại liệt suốt đời. Vì vậy, vấn đề không chỉ là những con số nêu trên, mà điều tôi nghĩ tới là xã hội, nhất là những cơ quan chức năng đã nghĩ gì, quan tâm thế nào đối với đội ngũ thợ xây dựng. Đồng lương của họ vẫn rất thấp. Đời sống tạm bợ khó khăn. Hiểm nguy luôn rình rập đe doạ mạng sống từ những tầng cao nhưng không được bảo hiểm. Trong khi đó, các công ty, chủ thầu xây dựng thường lách luật và lẩn tránh trách nhiệm lúc sự cố xảy ra đối với người thợ…

Nghĩ về sự cống hiến thầm lặng của những con người mang lại sức sống và vẻ đẹp cho lịch sử thành phố mình đang trú ngụ, có lúc tôi mơ được thấy một tượng đài về người thợ xây dựng mọc lên hoành tráng giữa những toà cao ốc. Nhưng khi gặp cụ thể một người thợ trẻ bất hạnh từng bị nạn ở Sài Gòn, đang lang thang kiếm sống qua ngày trong tật nguyền ở Phú Yên, thì tôi lại ấp ủ một giấc mơ khác. Ấy là quyền an toàn lao động, quyền được bảo hiểm tính mạng và được pháp luật bảo vệ chặt chẽ trong mọi hoàn cảnh. Tôi nghĩ, đó cũng là giấc mơ của mọi người thợ nghèo đang tận tuỵ, thầm lặng mang lại vẻ đẹp từ những tầng cao.

Theo cand


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: