Dùng điện thoại trong lớp: CEO Innedu STEAM Tô Thụy Diễm Quyên nói gì?


 “Trong những ngày này xã hội đang dấy lên làn sóng cả ủng hộ lẫn phản đối về thông tư 32 quy định việc sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học. Đa số thầy cô giáo vừa muốn cho học sinh sử dụng để tăng tính tương tác nhưng lại lo lắng không quản lý được các em. Vậy quy định này đã phù hợp bối cảnh xã hội và nhu cầu giáo dục chưa?”- Chuyên gia giáo dục toàn cầu, Cố vấn học tập của Microsoft, CEO Innedu STEAM Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ.

Dùng điện thoại trong lớp học, nên hay không nên?

 Năm 2012 khi điện thoại thông minh bắt đầu phổ biến thì trong trường cấp hai của tôi có khoảng 50% giáo viên sử dụng. Cứ mỗi lần ôn tập tôi thường đi mượn điện thoại của đồng nghiệp mang vào lớp cho các em chơi Kahoot , Socrative và làm bài kiểm tra trắc nghiệm tự chấm trên Survey Monkey.
Khỏi phải nói! Mỗi lần được học bằng cách chơi với điện thoại thông minh thì các em dậy sóng và cực kỳ thích thú. Việc học và ôn tập nhờ đó trở nên dễ dàng hiệu quả gấp nhiều lần dò bài từng em.
Tôi cũng đã dùng Facebook để tạo lớp học trực tuyến. Nhiều người e ngại cho sự “bạo gan” của tôi vì họ xem Facebook là cái “ổ tội lỗi”.
Facebook là cái chợ. Anh bán ma túy hay bán sách là do anh. Facebook hiệu quả hay mất thời gian cũng là do cách anh xài. Người ta không thể cấm trẻ em dùng dao vì lý do sẽ gây nguy hiểm. Học sinh của tôi cứ mở Facebook là vào trang “Lớp Hóa cô Quyên” để xem những thí nghiệm mới hoặc những thách thức của cô. Các em say mê môn hóa đến độ nhiều đồng nghiệp đã nghi ngờ “Chắc cô Quyên có bùa ngải. Bọn nhóc toàn lôi môn hóa của cô ấy ra làm trong giờ mình”

Chuyên gia giáo dục toàn cầu, Cố vấn học tập của Microsoft, CEO Innedu STEAM Tô Thụy Diễm Quyên

Có lần tôi dạy đến bài Xà phòng. Bài tập cho các em không phải là tính % tỉ lệ xà phòng mà bài tập là làm xà bông Handmade để tập kinh doanh. Các em đã dùng điện thoại tìm thông tin cách làm, tìm chỗ bán nguyên vật liệu và dùng điện thoại để quay lại quá trình làm sản phẩm lẫn thuyết trình về sản phẩm của mình.
Đến ngày báo cáo dự án, sản phẩm của các em đã vượt xa sự kỳ vọng của tôi: Các em làm được những sản phẩm cực đẹp, đa dạng về màu sắc, độ trong suốt, mùi, tính năng và cách đóng gói lẫn đặt tên cho từng dòng sản phẩm. Và điều kỳ diệu là tôi không hề dạy các em làm những thứ ấy vì bản thân tôi cũng chưa biết cách làm! Tất cả mọi thứ các em đã tự học từ chiếc smartphone cũ của cha mẹ cho.
Vào thời điểm ấy điện thoại thông minh là thứ xa xỉ. Nó giúp cho đứa trẻ dễ dàng truy cứu thông tin và điện thoại thông minh cũng là một cám dỗ to lớn. Bạn đang lo ngại chúng quay cóp khi có điện thoại? Nếu vậy bạn hãy ra đề kiểm tra mở với tư duy bậc cao. Chỉ khi bạn ra đề tư duy bậc thấp tức chỉ ra những câu hỏi thuần lý thuyết mới sợ học sinh quay cóp.
Thời điểm ấy bài kiểm tra của chúng tôi đã cho phép học sinh tham khảo tài liệu. Viết đến đây tôi chợt muốn cám ơn ban giám hiệu tuyệt vời của mình đã cho tôi thử nghiệm việc ứng dụng CNTT một cách sáng tạo và cảm hứng đến độ ngày nay tôi đã trở thành “chuyên gia” về lĩnh vực này.
Tuy nhiên thách thức của thầy cô vẫn là cách chúng ta kiểm soát tích cực để khiến điện thoại thông minh phát huy tác dụng.
Sẽ có người mắng tôi :”Cô nói thì giỏi lắm, thử kiểm soát 50 chiếc điện thoại đi rồi biết”
Vâng. Học sinh hay người lớn đều bị cám dỗ bởi ti tỉ thứ trên chiếc điện thoại thông minh. Mỗi khi chuẩn bị họp hội đồng sư phạm thì hầu hết giáo viên đều lo sạc đầy pin điện thoại để đi họp. Họ ghi chép bằng điện thoại ư? Không! Họ chơi game, họ lướt facebook, họ chat và họ làm những thứ mà họ đang cấm học sinh của mình làm trong giờ học! 
Vì vậy, hãy tìm giải pháp để khai thác và kiểm soát thay vì cấm. Cấm chỉ là hành động chứng tỏ sự bất lực của việc kiểm soát. Việc cấm này lại sẽ là một cản trở để giáo dục thích nghi với thế giới số. Rất khoa học khi Bộ đề xuất chủ trương sử dụng điện thoại là cho bậc trung học.
Cuối cùng, những nhà giáo chúng tôi mong nhận được những hiến kế và đề xuất, những bí kíp quản lý lẫn sử dụng hiệu quả điện thoại hơn là yêu cầu cấm. Chúng ta cũng không nhất thiết phải so sánh Việt Nam với quốc gia nào trong việc đưa ra chủ trương này.Nếu chúng ta làm hiệu quả, các nước sẽ đi học cách chúng ta làm giống như thế giới đã quan tâm cách chúng ta phòng chống COVID-19 đó thôi! 
Xin hãy phản biện tích cực. Đừng chống đối báng bổ cá nhân hoặc tổ chức vì đó là hành động phản tích cực.Tìm giải pháp hiệu quả hơn cấm. Vì cấm, chưa bao giờ là giải pháp!
TÔ THỤY DIỄM QUYÊN, CEO Innedu STEAM
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có điểm mới là “học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép. Đồng thời, giáo viên không còn bị cấm sử dụng điện thoại di động khi đang dạy trên lớp”. Quy định sẽ có hiệu lực trong tháng 11/2020

Theo Tiền Phong


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: