Bài dự thi “Xuân tình người” – Chiếc bánh chưng đêm giao thừa


Cuộc đời có những sự việc xuất hiện một cách tình cờ nhưng có thể làm thay đổi cả một con người, một số phận. Và có những người không quen biết ta nhưng ân tình họ dành cho ta làm ta phải cảm động, phải biết ơn suốt cuộc đời. Bà Sáu là một người như vậy trong đời tôi.

Bài dự thi “Xuân tình người” – Ăn Tết, đừng quên nghĩ đến người nghèo

Bài dự thi “Xuân tình người” – Mẹ! Con đã về

Hồi còn đi học, tôi là đứa mê game. Ngày nào cũng vậy, tôi đều mọc rễ ở tiệm game từ sáng đến tối. Mê đến nỗi đem giao thừa tôi nói dối ba mẹ đi chơi với lớp, nhưng thực ra tôi đi chơi game. Gần đến giao thừa, tiệm game đóng cửa, tôi lang thang ngoài đường. Nhà thì không dám về, cũng chẳng có nơi nào để đi, tôi lê những bước chân vô định. Mệt mỏi, đói và lạnh, tôi ngồi bệt xuống vỉa hè. Bất chợt một giọng nói ngọt lịm vang lên:

– Con ăn đi, bánh chưng bà vừa chiên đấy.

– Cháu không có tiền

– Bà mừng tuổi, con ăn đi.

Bà cụ lấy kéo cắt vào cạnh chiếc bánh chưng, đổ xì dầu vào rồi đưa cho tôi. Tôi đón lấy ăn ngấu nghiến. Ôi chao, bánh chay mà sao ngon thế! Vị dẻo thơm của nếp, vị bùi của đậu xanh và vị đậm đà của xì dầu cùng hòa quện vào nhau như muốn tan chảy trong miệng và cái bụng đói cồn cào của tôi. Tôi vừa ăn xong một chiếc, bà đã đưa chiếc khác.

– Bà làm bánh, thấy con ăn ngon như vậy bà vui lắm. Cháu bà đi bán lộc xuân chắc cũng sắp về rồi, nó trạc tuổi con đấy.

Bà cụ bán bánh chưng-ảnh minh họa

 

Tôi lặng người, nước mắt chảy ra từ lúc nào. Miếng bánh chay dẻo thơm trong cổ họng như nghẹn lại. Sống mũi tôi cay xè, ruột như thắt lại vì xấu hổ.

Có những người tầm tuổi mình phải lao động cả đêm giao thừa để kiếm sống, mà mình lại ham chơi thế này. Nước mắt hòa cùng vị dẻo bùi của bánh càng khiến người tôi nóng ran trong tủi nhục.

Tôi bắt đầu lao vào học để đuổi kịp bạn bè. Lúc nào tôi cũng tự nhủ rằng khi đỗ đại học thì sẽ quay trở lại khoe với bà bán bánh chưng. Thế nhưng tôi đã trượt. Dù cố gắng tôi vẫn không thể san lấp khoảng cách quá lớn do thiếu căn bản.

Tết đến, tôi quay lại phố cũ để tìm bà. Bà vẫn ở đó, vẫn cái giọng miền Nam ngọt lịm mời chào khách.

Tôi chỉ dám đứng nhìn bà từ xa, trong lòng đầy xấu hổ “bà ơi, cháu đã không giữ được lời hứa với bà rồi”. Bất giác tôi lại thèm một chiếc bánh chưng của bà. Tôi vò tung đầu, nghĩ bụng bà sẽ không nhận ra mình đâu vì giờ mình gầy hơn trước nhiều.

Tôi bước đến gần bà, cố nói bằng giọng mũi:

– Bà cho cháu một chiếc bánh chưng, rưới luôn xì dầu nhé

– Trung đấy hả con, lâu quá không gặp con.

Tôi bật khóc, quay đầu chạy.

Dòng xe đông đúc đã buộc tôi phải dừng lại. Trong tiếng xe cộ ồn ào, tôi vẫn nghe thấy tiếng bà gọi với theo.

– Đời còn dài lắm con ơi. Quan trọng không phải thành hay bại mà ở sự quyết tâm vượt qua chính mình. Bà tin con sẽ làm được!

Giữa đường mà tôi khóc to như đứa trẻ lên ba. Tôi cầm chiếc bánh đưa lên miệng cắn một miếng. Cái cảm giác dẻo bùi, nghèn nghẹn đêm giao thừa năm ngoái lại đến.

tải xuống

Một năm sau…

Đêm giao thừa. Đường đông nghịt. Tiệm game cũ vẫn còn đó, nhưng bên cạnh không có hàng bánh chưng của bà.

Tôi thẫn thờ tìm kiếm nhưng vẫn không thấy bà đâu. Tai tôi ù đi. Pháo hoa đã nổ nhưng tôi không nghe thấy gì cả. “Bà ơi, bà đâu rồi, chẳng lẽ bà đã…” Bỗng:

– Trung phải không?Bạn là…?Mình là cháu bà Sáu bán bánh chưng nè.

– Bà…bà sao rồi?

– Bà vẫn khỏe. Giờ bà nghỉ bán rồi, vì mình đã có công việc ổn định. Bà dặn mình đợi bạn ở đây. Bà lo cho bạn lắm, nhưng chắc giờ yên tâm rồi.

– Bạn giúp mình nhắn với bà là mình đã đỗ đại học. Cảm ơn bạn nhiều.

– Bạn không gặp bà sao?

– Mình rất muốn. Nhưng mình không muốn khóc lần nữả.

– Vậy thì mình sẽ quay mặt đi chỗ khác. Mà bạn đang khóc rồi còn gì.

Tôi chạy theo cô gái để đến với bà – người bà không quen biết nhưng đã dành cho tôi sự tin tưởng lớn lao.

Gặp bà, tôi cố nén những giọt nước mắt để thông báo thành quả của mình, nhưng không hiểu sao tôi cứ nghẹn ngào chẳng nói được nên lời.

Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày đó, mỗi khi mệt mỏi, tôi lại nghĩ về hình ảnh của bà Sáu, nghĩ về lòng tin bà dành cho tôi để cố gắng hơn trong công việc và cuộc sống.

Mỗi khi ăn bánh chưng của bà, tôi lại rơi nước mắt, không phải nước mắt của hối hận, của sự tự ti, xấu hổ về quá khứ đã qua, mà là nước mắt của niềm xúc động, của hạnh phúc với cuộc sống hiện tại và quyết tâm sống tốt trong tương lai.

Bà ơi, giao thừa này nhất định con sẽ lại đến với bà…

 Trung Thành

Thụy Khuê – Tây Hồ – Hà Nội


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: