Hồi tôi còn bé, cứ mỗi bận 22, 23 tháng Chạp, gần nhà tôi lại xuất hiện cái xe bán đĩa hát. Chú bán đĩa có nguyên một bộ sưu tập nhạc Khánh Ly. Suốt ngày chú toàn mở đĩa hát Khánh Ly vang cả xóm. Bài dự thi “Xuân tình người” – TẾT TRONG QUÂN NGŨ Người ta biết Tết đến khi mấy nơi nhận đặt bánh chưng bắt đầu treo bảng nhận đặt hàng hoặc khi nhà mình bắt đầu ngâm củ kiệu. Còn tôi hồi ấy, khi giọng ca Khánh Ly vang lên khắp xóm trên nền nhạc rè rè như cái radio cũ phát ra từ chiếc xe đẩy dưới gốc cây trứng cá là y như rằng sắp Tết. Chú bán đĩa trạc ba mươi tuổi, trên mặt có vết sẹo dài, cụt một tay, mỗi lần đám con nít tụi tôi vây quanh chú đều được cho kẹo. Tụi trẻ xóm tôi thương chú lắm, xem chú là ông Bụt, vì chú cười nhìn hiền ơi là hiền. Chú hay ngồi dưới tán cây trứng cá, mở đĩa hát từ sáng tới chiều, hết đĩa này lại thay đĩa khác. Hồi ấy tôi nghĩ cái xe đĩa hát của chú không dùng để bán, mà chỉ để nghe, để người già nghe mà nhớ một thời quá vãng, người trẻ (như tụi tôi) dù không hiểu gì, nhưng vẫn biết quý trọng quá khứ, và để chính chú nghe. Mẹ tôi kể, ngày trước chú làm nghề thợ hồ, tai nạn nghề nghiệp làm chú mất đi một cánh tay. Chú còn có đứa con bệnh nặng không có tiền chạy chữa và người vợ bên chú từ thuở cơ hàn. Tết năm nào chú cũng đi lang thang bán đĩa. Tuổi thơ tôi với hình ảnh chú bán đĩa vò võ một mình… Xóm tôi có một anh Ngơ. Anh Ngơ bố mẹ mất sớm, trận sốt nặng năm đó khiến anh trở nên ngô nghê, mười bảy tuổi mà tâm hồn như trẻ nhỏ, lúc nào cũng lang thang khắp xóm chỉ trỏ rồi cười hềnh hệch. Chú bán đĩa rất thương anh Ngơ, bánh kẹo cho anh lúc nào cũng nhiều hơn tụi tôi, anh Ngơ cũng rất thích chú. Gần Tết, sáng nào có tiếng hát Khánh Ly từ xa xa vọng lại là y như rằng anh Ngơ sẽ tất tả chạy ra cây trứng cá đứng chờ, ngồi cạnh chú đến hết ngày mới lững thững về nhà. Anh Ngơ có tật nhớ nhớ quên quên, nhưng chuyện mỗi mùa tết xóm tôi thường xuất hiện chú bán đĩa hát thì anh không quên bao giờ. Năm đó, gần tới Tết không thấy anh Ngơ đứng chờ chú như năm nào. Mẹ tôi nói anh Ngơ bị bệnh nặng lắm, nhà dì anh không cách nào kiếm đủ tiền thuốc men để chữa cho anh. Anh Ngơ ra vào bệnh viện như cơm bữa, căn bệnh khiến mặt anh tái mét, anh chẳng còn cười hềnh hệch với tụi tôi được nữa. Hai hai tháng Chạp mà cả xóm buồn hiu hắt. Tiếng nhạc Khánh Ly nghe lại càng buồn hơn. Chú bán đĩa tới thăm anh Ngơ suốt, lúc thì cho anh mấy cái xe đồ chơi nhonhỏ, lúc thì mấy vỉ bánh, kẹo mà anh Ngơ thích. Bệnh của anh Ngơ không chữa được, thế mà mỗi lần nhìn chú bán đĩa là anh lại ngô nghê cười. Ngày hai chín Tết năm đó, chú bán đĩa không đẩy xe bán đĩa nữa. Chú cỡi xe đạp chở anh Ngơ đi khắp xóm, cái gì anh thích chú cũng mua cho anh. Đó là ngày hai chín Tết duy nhất trong vòng gần mười năm xóm tôi không vang tiếng hát Khánh Ly. Chú bán đĩa nói, anh Ngơ mỗi lần cười nhìn dễ chịu, y chang con chú ngày xưa. Tôi nghĩ, anh Ngơ và chú bán đĩa có một sợi dây kết nối vô hình, cứ như anh Ngơ là tất cả những yêu thương còn sót lại mà chú tìm được sau khi mất đi quá nhiều thứ. Tết với tụi tôi là áo mới, quần đẹp, Tết với chú là cô đơn, lẻ loi. Anh Ngơ cùng cái nụ cười hềnh hệch đó đã mang lại cho chú nhiều hơn một nụ cười suốt mười năm ròng. Hai ba tháng Chạp năm sau nữa, chú vẫn xuất hiện, lần này không có anh Ngơ ngồi kế bên, không có cảnh chú xoa xoa đầu anh Ngơ khen anh ngoan rồi cho anh kẹo. Chú bán đĩa ngồi hút thuốc, nhìn xa xăm. Vài năm sau chú bán đĩa đi đâu mất, xóm tôi người đi, kẻ đến, nhà tôi cũng chuyển đi không lâu sau đó. Cảnh không còn, người cũng mất. Chỉ còn tiếng hát Khánh Ly. Tiếng hát ma mị theo tôi suốt thời thơ ấu, cùng câu chuyện về chú bán đĩa… Rất tiếc ngày đó tôi không chụp được một tấm hình nào của chú. Tất cả chỉ còn lại trong ký ức. Ngọc Mai