Trong năm, ga Sài Gòn đi muôn ngả Bắc – Nam nhưng chỉ có duy chuyến tàu Tết là đặc biệt nhất. Vì chuyến này không phải chuyến đi mà là chuyến trở về trên bến quê hương! Sài Gòn hôm 30 Tết là những khung hình chầm chậm, giản dị và thân thương! TP.HCM: Vé tàu Tết Nguyên đán 2018 khó mua, giá vé xe khách tăng 60% Người ta thường nói: Tết đến sớm nhất là ở bến xe, ga tàu. Thật vậy. Bắt đầu từ 20 tháng Chạp cho đến đêm 28 chuyến cuối cùng rời bến, ga Sài Gòn lúc nào cũng tấp nập. Những ngày cuối năm trong cái nắng hanh hanh Sài Gòn, mọi người đã gói ghém lại câu chuyện cũ và háo hức đợi chờ giây phút được trở về. Chưa bao giờ niềm vui trên mỗi chuyến tàu lớn đến như vậy. Vì chuyến Bắc – Nam hôm nay là đặc biệt: Chuyên chở mọi người về với bến quê hương. Vì chuyến tàu Bắc-Nam hôm nay là chuyến đặc biệt: Chuyên chở mọi người về với bến quê hương. “Đâu có cái Tết nào bằng cái Tết quê hương…” Đặt chân đến sân ga Sài Gòn vào ngày cuối năm, mới cảm thấy rõ không khí Tết gần kề. Từ sự nhộn nhịp khẩn trương của đội ngũ nhân viên, tiếng còi tàu, tiếng leng keng chuông báo động phát lên không ngừng. Đến dòng người hối hả, cười đùa nói chuyện lẫn vào vẻ mặt mệt mỏi đợi chờ của những vị khách tha phương. “Xin kính mời hành khách đi trên chuyến tàu SE4 khởi hành lúc 1h05 giữ yên vị trí, tàu sắp vào ga…” – loa phát thanh nhắc đi nhắc lại những thông báo. Ngồi bó giò trên chiếc chiếu, chú Lương Văn Bưởu (58 tuổi) vui vẻ gọi điện về gia đình khoe sắp lên tàu. Tàu về Bắc đi ngang Thanh Hóa quê chú khởi hành lúc 13h05. Thế mà từ 11h trưa chú đã có mặt ở sân ga. “Ở nhà nôn nao quá, lần đầu đi, sợ trễ nên sáng sớm dậy là bắt thằng cháu chở ra bến. Kệ, ngồi nắng xíu nhưng lâu lâu có người lại ngồi ké kể chuyện quê nhà cũng ưng bụng lắm”. Vào Sài Gòn hơn 20 năm, chú Bưởu làm phụ hồ công trình. Ở vùng chiêm trũng Thanh Hóa quanh năm chỉ trông chờ vào hai mảnh ruộng, chú không đủ sức nuôi gia đình. Nhắc đến quê, chú chợt nhớ về cái Tết năm trước khi công chuyện làm ăn thất bát, chú chấp nhận ở lại Sài Gòn. “Đêm 30 ngồi nghe tivi thấy chiếu cảnh pháo hoa mà khóc. Đi ra đi vào dãy nhà trọ chẳng còn ai, nhớ vợ con, nhớ cháu vô cùng…”. Năm nay, chú Bưởu nhất quyết về quê. Được số tiền thưởng cỏn con, chú mua vài món quà như gói kẹo dừa Bến Tre, mớ mứt rim, café Đắk Lắk… xem như gói ghém cái nắng miền Nam đem tận ra xứ lạnh cánh Bắc. Chú khoe: Từ đầu tháng Chạp cháu trai đã léo réo đòi Ngoại về. Nó dặn mãi là sẽ không đòi thêm xíu tiền lì xì nào nữa. Bởi lẽ năm trước, Ngoại nó vì thiếu tiền mà ở lại Sài Gòn, cả gia đình mất Tết. “Chú không ở lại Sài Gòn lần nào nữa. Có nghèo tí nhưng Tết nào bằng Tết quê hương đâu cháu” – chú Bưởu tủm tỉm cười, mắt đầy niềm vui giản dị. Chốc chốc, một vị khách ghé qua ngồi tạm, chú lại vui vẻ hỏi chuyện. Có anh tên Minh (38 tuổi) làm nghề lái tàu thủy nên năm nào cũng đón Tết trên cảng Vũng Tàu. Chú Bưởu dặn: Còn trẻ thì lo vợ con mà về sớm. Tết ai cũng mong gia đình. Vậy mà, anh bùi ngùi lắm. Cạnh đó, chú Vinh (54 tuổi) đang ngồi quây quần cùng vợ con. Năm nay là lần đầu tiên chú đưa hai đứa con về quê nội chơi Tết. “Năm nào ông bà cũng gọi vào trách không dẫn cháu về. Mình cũng buồn vì con ở thành phố chỉ biết lướt iPad, xem tivi… suốt ngày, nên mới quyết về một chuyến để giúp con hiểu hơn hương vị Tết quê hương. Giờ sắp lên tàu hồi hộp lắm, vì nó không giống như thường ngày. Chuyến này không phải để đi mà là để trở về…” – chú Vinh tâm sự. Tàu Bắc – Nam chuyến 13h05 chuẩn bị lăn bánh, mọi người hối hả. Những anh chị tiếp viên tận tình nắm tay dắt từng đứa trẻ. Qua ô cửa kiếng tụi nó nhìn ra ngoài góc sân đã sẵn chậu mai vàng ngay ngắn, nhoen miệng cười tươi. Người lớn, trẻ con trong giây phút ấy đều bồi hồi, háo hức bước lên tàu. Và chỉ một chút nữa thôi họ sẽ lại được trở về với quê hương. Chú Bưởu chào tạm biệt, không quên dặn tôi: Năm mới về sớm bên gia đình hạnh phúc hơn nghen cháu. Nghe xong, thấy thương. Chuyến tàu Quãng Ngãi lại tiếp tục vào bến, hai cô gái Thùy Linh và Thúy Nga đang tất bật chuẩn bị đồ đạc. Linh và Nga là sinh viên năm cuối trường ĐH Kinh tế TP. HCM. Học tập ở Sài Gòn, Tết năm nào cả hai cũng trở về nhà. Tay cầm theo hộp bánh, Linh bảo: “Ba gọi vào dặn hoài, hổng cần quà cáp nhưng phải về. Nhưng hôm bữa, thấy người ta đăng tuyển nhiều việc lương cao quá em cũng ráng ở lại làm kiếm thêm, được vài trăm mua hộp bánh về cho nhà có không khí”. “Em chờ đợi dữ lắm. Từ tối qua đã háo hức không ngủ được rồi. Giờ lên ga, chỉ vài tiếng nữa là về tới quê rồi” – Nga mỉm cười. Vậy đấy mà chuyến tàu cuối năm luôn chở dăm câu chuyện giản dị của những người con xa xứ về trăm miền đất nước. Cũng như cô tiếp viên nhắn nhủ khách: “Zề quơ ăn Tết vui nghen” – rặc ri xứ Quảng lại thấy đầy Tết trên toa tàu. “Ra Bắc đón Tết Bắc, vô Nam đón Tết Nam, ở Trung thì đón Tết Trung… Bao năm đón Tết trên tàu rồi thành quen” Bên cạnh chuyến trở về của người con xa xứ, bến tàu còn chứng kiến câu chuyện buồn của những người chưa bao giờ có Tết đoàn viên. Đó là bác bảo vệ nhà ga, cô tiếp viên, hay chú lái tàu… hơn nửa đời người làm nhiệm vụ chuyên chở bà con về quê nhà cũng là ngần ấy năm tháng họ không được đón Tết. Với họ, Tết là trên những chiếc tàu bon bon chạy Bắc – Nam, “riết rồi thành quen…”. 20 năm làm tiếp viên tàu Hà Nội, chú Đỗ Tuấn (50 tuổi) phải chấp nhận xa nhà. Mỗi lần nhắc nhớ, chú lại buồn kể: Quanh năm không sao, chứ đêm 30 nào cũng phải quệt nước mắt. Vì có hôm đưa bà con về tới ga Hà Nội cũng chính là nhà mình đấy, nhưng chỉ vừa đặt chân đã phải quay ngược lại Sài Gòn. Ra Bắc thì đón Tết Bắc, vô Nam thì đón Tết Nam, ở Trung thì đón Tết Trung… bao năm chú Tuấn đón Tết trên tàu rồi thành quen. “Để bớt buồn anh em cũng bày đủ trò. Có năm đi từng toa đón Tết cùng những vị khách cuối cùng của năm, có năm thì tặng quà, không cũng chén trà, miếng mứt ăn chung đêm giao thừa”. Còn chú Lâm Hồng Tuấn (49 tuổi), quê ở Đồng Tháp. Cạnh Sài Gòn đấy thôi, nhưng hơn 20 làm bảo vệ ga tàu cũng lần ngần ấy năm chú đếm từng giờ được về quê đón Tết. Sau chuyến cuối cùng 23h đêm 28 tháng Chạp, chú lại gói ghém trở về. “Nghỉ Tết của người đường sắt thì phải tính tiếng, đâu dám tính ngày nên quý giá lắm.” – chú cười hì hì. “Nhưng mà làm riết quen, mùng 3 lại phải quay lại Sài Gòn để kịp đón chuyến tàu đầu năm, thế là hết Tết”. Còn anh Đại (40 tuổi, làm nghề lái tàu) thì kể: 10 năm theo nghề, anh chỉ cảm nhận Tết mỗi mồng một. Có năm nghỉ ít quá chỉ kịp ở lại với anh em. Nhưng nói về Tết quê hương thì anh Đại vẫn vui vẻ, “đâu cần phải ở quê, trên tàu nhìn khách háo hức chờ trở về anh cũng đủ vui lây”. Những người con tha phương như chú Bưởu, chú Vinh,… háo hức trở về nhà. Hay chú Tuấn, anh Đại,… lại chọn Tết đặc biệt trên chuyến tàu Bắc – Nam. Mỗi người, ai ai cũng đều đón Tết trọn vẹn theo những cách khác nhau. Như câu ca mà nhiều ngày qua người ta vẫn mãi hát: “Không chuyến nào bằng được chuyến đi về nhà cùng gia đình/ Lòng rộn ràng biết bao đi để trở về…”. Tết đâu xa xôi, đâu gì to tát. Vì đã thấy Tết là những chuyến tàu về bến quê hương rồi đó thôi! Theo saostar