Phố Tây sôi động đã chính thức mang tên gọi mới: Phố đi bộ Bùi Viện. Đêm 20/8, Sài Gòn chính thức có phố đi bộ thứ 2 Từ “phố Tây” Bùi Viện suy ngẫm về “văn hóa nhậu” của giới trẻ Việt Vài giờ trước khi chính thức khai trương phố đi bộ Bùi Viện, công tác chuẩn bị được gấp rút hoàn thành. Quá trình nâng cấp vỉa hè đã hoàn chỉnh, công nhân vệ sinh tiến hành cọ rửa lần cuối trước khi đưa vào hoạt động. Riêng hai đầu đường Bùi Viện (đoạn từ đường Đề Thám đến đường Đỗ Quang Đẩu) được chuẩn bị cổng chào đèn led với biểu tượng nón lá bắt mắt. Song song đó, hệ thống lưới điện chằng chịt, viễn thông được ngầm hóa; trụ điện được thu hồi; hố ga cống thoát nước được cải tạo… nhằm mang đến hình ảnh mới mẻ, hiện đại trong mắt người dân thành phố và cả du khách nước ngoài. Thậm chí, để chào mừng sự kiện tuyến phố khoác một diện mạo mới, nhiều người dân quanh đây còn tích cực giúp lực lượng thi công dọn dẹp vỉa hè, lề đường để chuẩn bị cho buổi khai mạc. Đường phố khang trang thoáng đãng. Bảng hiệu được lắp đặt hai bên đường. Thùng rác được chú trọng thiết kế và đặt dọc theo suốt tuyến đường. Hàng nghìn người dân phấn khỏi chào đón phố đi bộ thứ 2 ở TP HCM Sau nhiều lần “lỡ hẹn”, thì đúng 19h ngày 20/8, phố đi bộ Bùi Viện chính thức đi vào hoạt động. Hàng loạt phương tiện bị cấm lưu thông để nhường vỉa hè và lòng đường cho hoạt động dạo mát, vui chơi của người đi bộ. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong đêm 20/8, có đến hàng nghìn lượt khách chọn Bùi Viện làm điểm vui chơi vào buổi tối cuối tuần. Thậm chí, lượng khách này còn tăng lên gấp đôi, gấp ba lần so với những ngày thường. Càng về đêm, không khí càng sôi động, người dân thoải mái xuống đường, trẻ em phấn khởi đạp xe dạo mát, nhiều bạn trẻ còn tranh thủ đến từ sớm để ghi lại những bức ảnh về diện mạo mới của tuyến phố nơi đây. Dòng người đông đúc đổ về phố đi bộ Bùi Viện. Cổng chào được trang trí rực rỡ. Tại đầu tuyến đường đã được chuẩn bị sân khấu biểu diễn nghệ thuật gồm các tiết mục ca nhạc, múa hát, ảo thuật và hài kịch phục vụ người dân. Bên cạnh những hoạt động ăn uống vui chơi giải trí như thường lệ thì chuỗi hoạt động này còn góp phần mang đến không gian vui tươi sôi động trong mắt khách tham quan. Dù đã thí điểm cấm xe vào một tháng nay nhưng đến ngày đầu Bùi Viện chính thức đi vào hoạt động thì cô Nguyễn Thị Kim Lũy (1962) mới háo hức cùng gia đình đến vui chơi: “Vì tuổi đã cao nên cũng ít khi đến nơi đây vì ồn ào, xe cộ chen chút, nhưng khi nghe đến thông tin nơi đây trở cấm xe vào cuối tuần, tôi cùng con cháu cũng nôn nao ra hưởng ứng. Phải công nhận, đường phố thoáng đãng, khang trang, rác thải ngập ngụa bên đường cũng không còn thấy. Riêng tôi thấy yên tâm hơn khi dắt cháu nhỏ ra đây chơi đùa, khỏi phải lo sợ xe cộ như ngày trước”. Không chỉ cô Lũy mà nhiều người dân yên tâm dẫn con cháu ra đây vui chơi vào dịp cuối tuần. Bùi Viện dài gần 700m, nhưng lại có đến khoảng 20 con hẻm thông qua các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu… với gần 1.000 nhân khẩu. Hoạt động cấm xe lưu thông vào cuối tuần phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân sinh sống trong khu vực. Chia sẻ về điều này, bạn Bảo Ngọc (2000) cho hay: “Mình gắn bó với nơi đây từ khi sinh ra, theo dõi sự đổi thay chuyển biến của nơi đây từng ngày, nhưng thú thật với đêm khai mạc này mình vẫn cảm thấy ngạc nhiên pha lẫn thích thú. Nếu trước đây nói đến phố Tây, có người biết đến, có người thì không. Nhưng từ khi nơi đây trở thành phố đi bộ, bạn bè mình cứ xúm xít hỏi mình: Bùi Viện giờ thay đổi ra sao? Có vui hơn, sôi động hơn không?”. Là sinh viên làm thêm cho một khách sạn trong con hẻm nhỏ tại đây, bạn Nguyễn Hữu Tiến – 1996, giờ đây muốn đến được chỗ làm phải chấp nhận tình cảnh dắt xe gần nửa cây số: “Nếu nói không phiền thì không đúng, vì mình đi đâu, làm gì cũng phải chú ý đến giờ cấm xe để về cho kịp, đỡ phải dắt bộ. Rồi không khí sôi động hơn, mọi người đến đông đúc hơn, giấc ngủ đêm tại chỗ làm vì thế mà cũng khó chợp mắt hơn. Tuy nhiên, mình cũng khá vui vì sự “lột xác” này, vì không khí trật tự an ninh hơn hẳn. Chỉ tính riêng việc bước ra đường đã có wifi miễn phí, mình đã rất thích thú rồi”. Người dân sinh sống tại đây được phát cho một miếng dán trước xe để kiểm soát khi ra vào. Xe di chuyển trong khung giờ cấm phải dắt bộ. 20/8, Bùi Viện chính thức trở thành tuyến phố đi bộ thứ 2 của TP HCM sau Nguyễn Huệ. Dù có chiều dài ngắn hơn, ít được đầu tư về không gian hơn so với Nguyễn Huệ, nhưng Bùi Viện vẫn tạo được sức hút lớn với cả khách du lịch và người dân thành phố. Trước đây, Bùi Viện còn được biết đến với tên gọi: Phố không ngủ, phố Tây… vì những hoạt động vui chơi sôi động về đêm. Thế nhưng, tình trạng buôn bán tràn lan, giao thông hỗn loạn, xe để tràn ra lòng đường,… trở thành nổi ám ảnh với nhiều người. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình này đã được cải thiện rõ rệt nhờ vào việc siết chặt an ninh và hoạt động cấm xe từ 19h đến 2h sáng mỗi cuối tuần. Một điểm cộng thú vị tại nơi đây là những dịch vụ mới được đưa vào hoạt động: Nhà vệ sinh; wifi; cung cấp thông tin, hỗ trợ du khách miễn phí và “nụ cười miễn phí”. Để có thể yên tâm, thoải mái vui chơi tại đây, du khách nên chọn những bãi giữ xe uy tín như: Công viên 23/9, trường THCS Chu Văn An (đoạn gần đường Cống Quỳnh), bãi giữ xe cạnh tại trung tâm thương mại dưới lòng đất cạnh sân khấu Sen Hồng… Ngoài ra, vào những ngày này, một số bãi giữ xe tư nhân nhỏ lẻ cũng mọc lên, tuy nhiên mức giá được “thét” cao gấp 2, 3 lần so với bình thường. Theo saostar.