Trong dinh Toàn quyền (nay là Dinh 2), nơi UBND tỉnh Lâm Đồng sử dụng làm nhà khách và nơi tổ chức hội nghị, hiện còn lưu lại một bức bình phong cổ có nhiều họa tiết, hoa văn mang phong cách hoàng triều làm du khách tham quan tò mò và thắc mắc.
Chuyện Đà Lạt không phải ai cũng biết
Chuyện Đà Lạt không phải ai cũng biết – Kỳ 2: Nhà đá… thứ phi
Trên bước đường thực hiện chính sách thực dân hóa xứ Đông Dương, Toàn quyền Decoux đã cho xây dựng một dinh thự mùa hè ở Đà Lạt, rộng 26ha để nghỉ mát và làm việc vào mùa hè.
Công trình kiến trúc dinh Toàn quyền do các kiến trúc sư A.T.Kruzé, D. Veyssere, A.Léonard thiết kế và P.Foinet trang trí nội thất, khởi công từ năm 1933, hoàn tất năm 1937.
Ai mang bình phong đến Đà Lạt?
Dinh Toàn quyền là một tòa lâu đài có đến 25 phòng bài trí sang trọng, bên ngoài là sân vườn rộng, thoáng mát, có thể quan sát thấy được đồi Cù, hồ Xuân Hương, đỉnh núi Lang Biang lừng lững chìm trong sương phủ.
Toàn quyền Decoux đã cho xây những đường hầm bí mật kiên cố nhằm đảm bảo an toàn cho ông và gia đình ông trong dinh.
Dinh Toàn quyền nay gọi là Dinh 2, được UBND tỉnh Lâm Đồng sử dụng làm nhà khách và nơi tổ chức hội nghị. Trong dinh hiện còn lưu lại một bức bình phong cổ có nhiều họa tiết, hoa văn mang phong cách hoàng triều đã làm cho du khách tham quan tò mò và thắc mắc.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bức bình phong này được vua Bảo Đại mang từ Đại nội Huế vào tặng cho Toàn quyền Decoux nhân dịp khánh thành dinh.
Nhưng theo một số người khác, chính ông Ngô Đình Nhu lúc làm cố vấn chính trị cho tổng thống Ngô Đình Diệm và lưu trú ở dinh Toàn quyền mới là người cho mang bức bình phong từ cố cung Huế vào Đà Lạt để trang trí dinh theo truyền thống văn hóa Đông phương.
Giảng viên Đại học Đà Lạt là ông Phạm Phú Thành (ngành Hán – Nôm) và tiến sĩ Nguyễn Huy Khuyến (ngành Đông phương học) cho rằng tấm bình phong cổ được chế tác từ nhiều loại danh mộc quý hiếm, ghép lại với nhau bởi 10 tấm ván, mỗi tấm rộng 45cm, chiều cao 3m, đây là loại bình phong theo dạng hình chữ nhật.
Loại này có chân, khi di chuyển có thể di chuyển từng phần hoặc tháo rời ra để tiện vận chuyển. Kiểu bình phong này hiện khá phổ biến tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trên bức bình phong được trang trí khá độc đáo ở cả hai mặt, một mặt được trang trí bằng các hình ảnh lầu, đài, vườn, tạ của chốn cung đình. Một mặt trang trí bằng các bài thơ được khắc theo lối hình chiếc quạt giấy rất độc đáo.
Xen lẫn các bài thơ đó là những bức tranh hoa, bình hoa, bàn ghế, cuốn thư, các loại diềm hoa…
Theo tiến sĩ Khuyến, bức bình phong được trang trí hoa văn, họa tiết cầu kỳ và tinh xảo ẩn chứa diện mạo nghệ thuật cung đình Việt Nam.