Bộ tứ tình báo huyền thoại của Việt Nam (Kỳ 1): Phạm Xuân Ẩn


Phạm Xuân Ẩn, cái tên như cuộc đời ông đầy bí ẩn với những bức màn chưa được vén lên sau hơn 40 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc.

Số phận 10 nhân vật quyền lực nhất Sài Gòn sau 1975

Những chuyện “thâm cung bí sử” gây tò mò tại dinh Độc Lập

Phạm Xuân Ẩn, sinh năm 1927 tại xã Bình Trước, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trong gia đình một viên chức cao cấp của chính quyền thuộc địa. Quê gốc của ông tại Hải Dương. Gia đình ông chuyển đến sống tại Huế khi cụ nội của ông là nghệ nhân kim hoàn được gọi vào Kinh đô để chế tác đồ vàng bạc cho triều đình. Ông nội của ông là hiệu trưởng một trường nữ sinh ở Huế, đã được Vua ban Kim khánh. Cha của ông là một kỹ sư công chánh cao cấp tại Sở Công chánh, làm công tác trắc địa trên khắp miền Nam.

Ngay từ khi còn đi học, Phạm Xuân Ẩn đã ý thức được vận mệnh đất nước đầy rối ren khi đó “nữa thực dân, nữa phong kiến”, có lẽ vì vậy mà từ khi niên thiếu ông đã luôn nung nấu lý tưởng đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Đến năm 1945, ông gia nhập Việt Minh khi còn khá trẻ ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công.

Phạm Xuân Ẩn, người được báo chí nước ngoài coi là "một trong những điệp viên của thế kỷ XX". Ảnh: TTVN.

Phạm Xuân Ẩn, người được báo chí nước ngoài coi là “một trong những điệp viên của thế kỷ XX”. Ảnh: TTVN.

Nhiệm vụ tình báo đầu tiên của Phạm Xuân Ẩn bắt đầu từ năm 1950, với một nhiệm vụ đơn giản đó là thăm dò tình hình vận chuyển hàng hóa, khí tài quân sự và quân đội từ Pháp sang Việt Nam. Ông cũng là một trong đội ngũ tình báo có tới 14.000 người được Chính quyền Cách mạng “cài cắm” ở Miền Nam Việt Nam trong thời gian này. Chính thức từ lúc này, Phạm Xuân Ẩn đang mang trên mình hai cuộc đời, mà cuộc đời nào cũng đều rất thật.

Nhiều tờ báo nước ngoài mô tả Phạm Xuân Ẩn là một kẻ “thức thời” và chính cái thức thời đó đã khiến ông trở thành một “trang tuấn kiệt” trong lịch sử tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngay từ những năm 1950, khi mà cả thế giới còn chưa rõ tương lai của Đông Dương sẽ như thế nào, thậm chí người Pháp khi đó vẫn còn nghĩ rằng mình sẽ rất “ấm chỗ” ở Đông Dương thì Phạm Xuân Ẩn đã dự tính được việc Mỹ sẽ hất cẳng Pháp, đặt chân vào Việt Nam.

Bằng chứng của dự đoán này đó là ông thay đổi tư duy rất nhanh, từ một chàng thanh niên sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Pháp thuộc, chịu sự giáo dục của người Pháp ngay từ khi còn nhỏ cho tới khi lớn lên nhưng Phạm Xuân Ẩn lại là một trong số những người đầu tiên làm việc cho Mỹ ở Sài Gòn sau khi Mỹ bắt đầu xây dựng các cơ sở dân sự đầu tiên ở miền Nam Việt Nam.

Phạm Xuân Ẩn bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: MTG.

Phạm Xuân Ẩn bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: MTG.

Bước ngoặt trong cuộc đời tình báo của Phạm Xuân Ẩn bắt đầu từ khi ông học xong ở Mỹ về vào năm 1959. Có hai nơi mà Phạm Xuân Ẩn tìm tới ngay sau khi ông về nước, một đó là móc nối lại liên lạc với các đồng chí của mình và hai là gặp Trần Kim Tuyến, giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị Văn hóa Xã hội Sài Gòn (thực chất là vỏ bọc của một cơ quan tình báo Sài Gòn), hành động này của ông là nhầm đánh lừa các mật vụ của Trần Kim Tuyến với cái cớ không thể tốt hơn là thất nghiệp nên muốn nhờ Tuyến xin việc dùm.

Với uy tín và sự quen biết của mình từ trước với Trần Kim Tuyến-trùm tình báo Sài Gòn thời bấy giờ, Phạm Xuân Ẩn nhanh chóng được giói thiệu vào làm việc ở Việt tấn xã, phụ trách những phóng viên quốc tế làm việc ở đây và thực hiện công việc của một ký giả.

Qua những tài liệu được công bố của CIA và cả của phía Việt Nam sau này, có thể nhận thấy ông Ẩn là một người có mối quan hệ cực kỳ rộng lớn tại Sài Gòn vào thời điểm ông làm ký giả cho các tờ báo lớn trên thế giới. Mối quan hệ của ông bao gồm hầu hết tất cả các nhân vật chủ chốt thuộc chính quyền dân sự lẫn quân sự Sài Gòn khi đó, và chính những mối quan hệ này đã giúp ích cho ông rất nhiều trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Nguồn tin của ông làm việc trong nhiều cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Sài Gòn, không khó hiểu khi ông có thể tiếp cận được với những tài liệu mật, thậm chí nhiều tướng lĩnh quân đội Sài Gòn còn đưa cho ông nhiều tài liệu cực kỳ quan trọng để “xin ý kiến” và “nhờ tác động”, tất nhiên là những tài liệu này đều được ông Ẩn ghi chép lại thậm chí là sao chép lại và chuyển về Chiến khu, kèm theo đó là những lời nhận xét với tư cách là một người trong cuộc, giúp Hà Nội có thể hiểu rõ được âm mưu, thủ đoạn của Sài Gòn qua đó tìm cách đối phó dễ dàng hơn.

Trong giai đoạn từ năm 1961 tới khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, những kế hoạch mang tính chiến lược của Mỹ đều được nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn góp công phá tan, trong đó có các bản kế hoạch cực kỳ quan trọng như chiến lược chiến tranh đặc biệt, ấp chiến lược hay thậm chí là… nguyên văn tài liệu Kế hoạch Staley-Taylor của Mỹ.

Phạm Xuân Ẩn chính là một trong những người có đóng góp rất lớn vào cuộc tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, khi những thông tin của ông góp phần giúp lên kế hoạch tấn công những địa điểm trọng yếu nhất của Mỹ ở Sài Gòn, với tư cách một người Sài Gòn đã sống ở Sài Gòn hàng chục năm, rõ ràng Phạm Xuân Ẩn hiểu Sài Gon hơn bất cứ tướng lĩnh nào của Quân giải phóng và ông đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình.

Trong những năm cuối của cuộc chiến, Phạm Xuân Ẩn còn khẳng định rằng Mỹ sẽ không bao giờ đưa quân quay trở lại miền Nam Việt Nam. Với uy tín của mình, điệp viên X6 bí danh hoạt động của ông đã củng cố thêm quyết tâm của Hà Nội trong việc tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1990, Đại tá Phạm Xuân Ẩn được thăng cấp Thiếu tướng, cuộc đời hai mặt của ông đã khép lại kể từ sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, tuy nhiên báo chí thế giới vẫn tốn không biết bao nhiêu giấy mực để kể về cuộc đời của một điệp viên hoàn hảo, khi ông vừa hoàn thành được nhiệm vụ được Đảng và Cách mạng giao phó, vừa hoàn thành xuất sắc vai trò là một phóng viên của những tờ báo lớn uy tín hàng đầu thế giới lúc bấy giờ.

Càng kính nể hơn khi biết Phạm Xuân Ẩn là một con người cực kỳ uy tín, uy tín trong cả việc làm báo cũng như trong cuộc đời điệp viên của mình. Tới tận lúc cuối đời, Phạm Xuân Ẩn vẫn không để lộ ra bất cứ nguồn tin nào của mình, những người làm việc cho ông, những người ở phía bên kia đã giúp đỡ ông bằng cách này hay cách khác, Phạm Xuân Ẩn không bao giờ quên nhưng cũng không bao giờ để lộ ra tên tuổi của họ, ông đảm bảo sự bí mật đó với họ cho tới tận lúc qua đời.

Ngay cả khi đã nghỉ hưu, Phạm Xuân Ẩn vẫn tiếp tục cống hiến. Ảnh: BTLSQD.

Ngay cả khi đã nghỉ hưu, Phạm Xuân Ẩn vẫn tiếp tục cống hiến. Ảnh: BTLSQD.

Sau khi về hưu vào năm 2002, ông còn đóng vai trò như một cố vấn cao cấp cho lực lượng tình báo Quân đội với nhiệm vụ bình luận, đánh giá và phân tích những tài liệu mà Tổng cục Tình báo thu thập được.

Nhưng cuộc đời luôn phải có những cuộc chia ly, lúc 11:20 sáng ngày 20.9.2006, Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn đã qua đời tại Quân y viện 175, TP. Hồ Chí Minh sau một thời gian lâm bệnh nặng, hưởng thọ 80 tuổi.

Cuộc đời của một nhà tình báo lỗi lạc, một con người mang trên mình cả hai cuộc đời và cuộc đời nào cũng rất thật đã chính thức kép lại tại đây. Nhưng những cống hiến của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vẫn còn sống mãi như mơ ước lớn nhất của Phạm Xuân Ẩn khi còn niên thiếu sống trong một quốc gia hoàn toàn độc lập.

Theo Kiến Thức


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: