Chừng một năm trở lại đây, Sài Gòn mọc lên những quán cà phê gợi lại ký ức của những năm 1980-1990. Từ bảng hiệu, đồ trang trí đến thức uống được quán chăm chút đến nỗi khách đến lần đầu phải thốt lên: Sao mà… Sài Gòn quá! Cà phê Sài Gòn Út Lành gợi không gian Sài Gòn xưa -YẾN TRINH 16g, nắng bắt đầu nhạt, nhóm bạn của Thủy Phương rẽ vào con hẻm nhỏ trên đường Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM). Chỉ chục bước chân, một không gian hoàn toàn trái ngược với vẻ rộn rã của khu phố Tây hiện ra. Quán gợi sự thích thú ngay từ bảng hiệu “Cà-phê Saigon Út Lành” treo trên khung cửa ngôi nhà có tuổi thọ hơn một thế kỷ. Phông chữ tấm bảng hệt như những bảng hiệu của tiệm giải khát mà bây giờ chỉ còn thấy trong những tấm ảnh màu đời đầu. Về miền ký ức Ngay khi mới nhìn thấy quán, Phương đã gật gù: “Không ngờ giữa thành phố nhộn nhịp lại có một không gian như thế này. Nó giúp mình biết được nhiều điều về một Sài Gòn thanh lịch xưa cũ”. Sau khi gọi thức uống được in trên tờ thực đơn với những món “đen đá/nóng, sữa đậu nành, dừa dâu – khóm, ya-ua bịch…”, các bạn trẻ ghé vào quầy chọn mua những bịch ô mai, xí muội… Một bạn tên Lan xuýt xoa: “Quán tạo cảm giác dễ chịu, lại không quá đông. Mình rất thích những vật dụng như chiếc máy cassette, tivi đen trắng, cả chiếc bình cắm hoa cũng từ lon đồ hộp ngày xưa. Những thứ này hiện giờ nhà ngoại mình vẫn còn giữ…”. Quán bài trí như một ngôi nhà ở Sài Gòn cách đây 3-4 thập kỷ. Góc trái quán đặt bộ phản gõ sờn phai theo thời gian, cạnh đó kê mấy bộ bàn ghế gỗ dọc theo tường. Sau chiếc tủ ly cũ là một bộ bàn ghế kiểu bàn ăn, rồi đến không gian bếp được sắp đặt hài hòa. Anh Chí Công (30 tuổi, chủ quán) cho biết anh cùng với vợ mình đã bài trí quán với mong muốn khách đến nơi này sẽ có cảm giác thân thuộc như về nhà. “Trên lầu chúng tôi kê một chiếc giường và vài chiếc bàn nhỏ. Những món đồ có cái tìm mua ở những chợ đồ cũ, có cái xin hoặc mượn lại của người quen, bàn ghế đa số là tự làm” – anh Công nói. Với không gian rộng hơn, khách đến cửa hàng cà phê 81 (đường Nguyễn Văn Nguyễn, Q.1) dễ bị “choáng” bởi số lượng đồ cũ và vẻ hoài cổ. Những món đồ được chủ quán – anh Nguyễn Hoàng (35 tuổi) – bài trí hợp lý và có “gu”. Cửa hàng cà phê 81 mang đến cho khách cảm giác được về nhà -YẾN TRINH Trước quán dựng chiếc Vespa cổ, bên trong là nền gạch trắng đen, những mặt bàn thô mộc, chiếc máy may, khung tranh treo apphich quảng cáo nhạc xưa, những tờ họa báo… Anh Hoàng cho biết: “Tôi thấy mọi người luôn phải làm việc mệt mỏi, nên chỉ đơn giản là muốn quán giống như ngôi nhà cho mọi người thả trôi những mỏi mệt đó đi”. Chị Nguyễn Thị Sương (28 tuổi) đã đến quán vài lần, chia sẻ: “Lần nào tôi cũng chọn chỗ ngồi là bộ bàn ghế kê phía sau quán, vừa uống nước vừa ngắm những loại hoa lá trồng trong chiếc gáo dừa, thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn”. Còn quán cà phê Năm Mười Mười Lăm (đường Ngô Thời Nhiệm, Q.3) gợi tò mò ngay từ cái tên. Anh Nguyễn Tuấn Kiệt (25 tuổi, chủ quán) giải thích: “Tên quán được đặt theo trò chơi trốn tìm, người chơi sẽ đếm năm mười mười lăm… đến một trăm thì đi tìm những người đã trốn. Tôi mong quán sẽ giúp mọi người có cảm giác thư giãn, gợi lại những ký ức tốt đẹp”. Chính vì tiêu chí của quán là trở về tuổi thơ nên đâu đó trên những chiếc bàn, chủ quán đặt mớ đá để khách có thể chơi trò ô ăn quan, thảy đá… Không riêng gì những bạn trẻ, mà cả người lớn tuổi hay cả gia đình lớn nhỏ… cũng tìm đến đây. Anh Thái Văn Minh vừa bày cho cô con gái chơi ô ăn quan vừa chia sẻ: “Cháu nó học nhiều rất mệt nên cuối tuần tôi luôn tìm những nơi thoáng đãng cho cháu thư giãn. Ở đây không khí mát mẻ nên cháu thích lắm”. Hai mẹ con chơi trò ô ăn quan ở quán Năm Mười Mười Lăm -YẾN TRINH Có thể tìm thêm một vài quán mang đậm dấu ấn Sài Gòn xưa cũ, như quán Sài Gòn Retro nép mình trong một chung cư trên đường Trần Quốc Toản (Q.3). Chiếc cassette dìu dặt những bài nhạc “sến già nam nữ”, ghế gỗ kê ngoài bancông nhìn ra khoảng không gian xa vắng, quán mới mở hơn hai tháng nhưng cũng có một lượng khách đáng kể. Quán nước Hồi Xưa (Q.1) cũng mang dáng dấp xa xưa đúng như tên gọi, với tông màu đỏ chủ đạo. Quán Lão Hạc bên bờ kênh đường Hoàng Sa (Q.1) cũng tạo cho khách cảm giác “phiêu” bởi cách bài trí không đụng hàng và rất… Sài Gòn. Không gian quán Út Lành bài trí như một ngôi nhà ở Sài Gòn những năm 1980 -YẾN TRINH Những người chủ trẻ mê Sài Gòn Một điều thú vị đến… ngược đời là hầu hết chủ nhân của những quán cà phê này có mong muốn quán đừng quá đông để người đến quán có thể cảm nhận trọn vẹn không khí thân thuộc, đầm ấm như ở đâu đó trở về mái nhà xưa. Rời quê nhà Ninh Bình vào Sài Gòn theo nghiệp thiết kế, trải qua nhiều nghề, cuối cùng anh Nguyễn Hoàng – chủ quán 81 – chọn kinh doanh quán cà phê là nghề gắn bó lâu dài. Để có được một “ngôi nhà” giữa thành phố hiện đại, anh đã tìm hiểu nhiều thông tin, hình ảnh về Sài Gòn xưa. Những món đồ trong quán là công sức gom góp của anh nhiều năm nay. Mỗi khi đi đó đi đây, anh đều chú ý mua về khi thì cái máy may, khi là ấm trà, bình nước, bật lửa thời chiến tranh… Những thức uống đơn giản như sắn dây, chanh mật ong, cà phê… do anh trực tiếp mua nguyên liệu về pha chế theo nhu cầu từng khách. Anh Hoàng chia sẻ: “Tôi luôn dặn nhân viên đối xử với khách như bạn. Vì vậy, dù quán chỉ mới mở sau Tết âm lịch này nhưng đã có một lượng khách quen, nhiều người trở thành bạn bè thân thiết”. Vì nhân viên của quán ít nên quán ít khi phục vụ cơm trưa, nhưng nếu có khách quen yêu cầu, chủ quán và nhân viên sẵn sàng xắn tay áo vào bếp nấu. Một đôi ngày, anh chủ lãng đãng này lại sắp xếp lại bàn ghế, vật dụng và nghĩ ra điều gì đó mới mẻ, như việc bỏ cây sả vào bình nước tạo chút hương thư giãn, thắp những chiếc đèn dầu cho câu chuyện của khách thêm nồng ấm. Anh Nguyễn Tuấn Kiệt, chủ quán Năm Mười Mười Lăm, sắp xếp chén đĩa mang từ quê lên -YẾN TRINH Có lẽ ai nghe câu chuyện mở quán của anh Tuấn Kiệt (chủ quán Năm Mười Mười Lăm) cũng sẽ bật cười thú vị bởi anh đã từ quê nhà Tiền Giang lên Đà Lạt học khoa kiến trúc của Đại học Yersin, sau đó xuống Sài Gòn mở quán cà phê. Đa số vật dụng của quán đều do anh mang từ nhà nội ngoại dưới quê lên hoặc… đi xin hàng xóm. Đó là những chiếc dĩa sành sứ hiện giờ khó tìm thấy, là chiếc tủ gạc-măng-rê, tổ chim sâu, cái võng… Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Hiệp (52 tuổi), mỗi tuần đều lên thăm quán và chiên bánh nhúng – một loại quà quê làm từ bột gạo và trứng gà, làm bánh tằm, bánh chuối… cho khách. Món thịt kho nước dừa trong thực đơn buổi trưa của quán cũng do bà dậy sớm kho rồi gửi xe đò lên cho con trai mỗi ngày. Còn cha của anh Kiệt tự tay trồng những chậu lúa, vườn rau mồng tơi trên lầu 2 của quán. Với cà phê Sài Gòn Út Lành, chủ quán cũng là người mê Sài Gòn và cố công tìm cho kỳ được những món đồ của Sài Gòn những năm 1980 để bài trí cho quán. Chấp nhận bày biện ít bàn ghế để quán trông như một ngôi nhà, chủ quán còn tự tay xên các loại mứt, trái cây để làm cocktail, làm yaourt, kem chuối… Trên trang Facebook của quán, chủ quán luôn chuyện trò với khách với cái tên Út Lành, lúc thì mời đến uống cà phê, lúc cảm ơn khách đã ghé… bằng ngôn ngữ ngày cũ khiến khách rất thích thú. Quán còn chủ động bớt cho khách 5.000 đồng nếu khách không xài điện thoại, và không mở WiFi để khách dồn tâm trí vào cuộc gặp gỡ ngoài đời thực. Còn Facebook của Sài Gòn Retro thường giới thiệu những hình ảnh Sài Gòn trước và sau ngày thống nhất, những bản nhạc tiền chiến… Chia sẻ về chuyện làm ăn, anh Nguyễn Hoàng cho biết mỗi quán có một nét riêng và sẽ mang đến cho khách những trải nghiệm khác nhau. Vì vậy, quán của anh tập trung giữ “gu” của mình, chăm chút từ những chi tiết nhỏ để đẹp lòng khách. Chị Nhi, nhân viên quán 81, cười tươi: “Làm ở quán vui lắm vì khách đa số rất dễ chịu, các nhân viên chia sẻ công việc với nhau, có khi người này bận thì gọi người kia lên làm thay, không phải ca của mình nhưng nếu rảnh cũng lên làm”. Còn anh Chí Công chia sẻ, nếu Sài Gòn có thêm những quán mang đậm nét xưa thì đó là điều thú vị. Với định hướng kinh doanh coi trọng chất lượng phục vụ, xuất phát từ lòng mến yêu mảnh đất Sài Gòn trong những nếp xưa nhà cũ, những quán cà phê như vậy là gợi ý hay cho những người cũng dành tình yêu cho thành phố này, hoặc đơn giản là tìm một nơi buông bỏ phiền muộn. ■ Vườn rau, lũy tre, tổ chim, cối xây bột… ở quán Năm Mười Mười Lăm – Ảnh: YẾN TRINH Đây là loại hình cà phê có ý tưởng độc đáo, mới lạ, thể hiện tâm huyết, công sức của chủ quán – những người đã tạo nên không gian cũ xưa nhưng nhẹ nhàng, lãng mạn dưới cái nhìn hiện đại. Người đến quán có thể cảm nhận một phần nào đó nét đẹp văn hóa Việt Nam những năm 1980-1990 (qua góc nhìn trang trí quán) để từ đó biết trân trọng vẻ đẹp truyền thống đan xen nét văn hóa hiện đại trong bối cảnh đô thị hóa. Không chỉ giới trẻ tìm đến những cái mới, mà người lớn tuổi – những người đã sống, chứng kiến sự đổi thay của Sài Gòn – cũng muốn tìm đến những quán cà phê như thế này để tìm lại ký ức. Trong tương lai, loại hình quán cà phê này sẽ phát triển và được đón nhận nhiều hơn từ các bạn trẻ. Và ngoài yếu tố mới lạ, quán muốn giữ cái “chất” thì phải chú ý phong cách phục vụ, chất lượng sản phẩm, giữ chữ “tâm”. Vũ Thái Hà (Thạc sĩ xã hội học) Theo YẾN TRINH/Tuổi trẻ online