Chợ Bình Tây có một nét độc đáo mà không khu chợ nào khác có được, là sự tồn tại của đài thờ Quách Đàm bằng đá hoành tráng ngay giữa trung tâm chợ. Chợ Lớn bây giờ ở đâu? Những ngôi chùa hơn 200 năm tuổi ở Sài Gòn Chợ Chợ Bình Tây (quận 6, TP HCM) là một ngôi chợ cổ nổi tiếng với lịch sử lâu đời và kiến trúc phong cách Trung Hoa đặc sắc. Nơi này còn có một nét độc đáo mà không khu chợ nào khác có được, là sự tồn tại của một đài thờ bằng đá hoành tráng ngay giữa trung tâm chợ. Đài thờ này nằm giữa khoảng sân trời được bao quanh bởi 4 dãy nhà của chợ là, nơi thờ ông Quách Đàm, người sáng lập và cũng được coi là vị thần tài của chợ. Ngược dòng lịch sử, vào đầu thế kỷ 20, vùng Chợ Lớn ngày càng phát triển sung túc, nhiều người dân từ nơi khác tập trung đến làm ăn mua bán khiến khu chợ cũ (khu vực Bưu điện Chợ Lớn ngày nay) trở nên chật hẹp không thể phát triển thêm. Chính quyền tỉnh Chợ Lớn thời đó cũng dự định xây dựng chợ mới nhưng chưa tìm được đất. Hay tin, thương nhân người Hoa là ông Quách Đàm (1863 – 1927) bỏ tiền ra mua mảnh đất sình lầy rộng trên 25.000m2 ở thôn Bình Tây và cho san lấp bằng phẳng, xây dựng chợ mới bằng bê tông cốt thép tặng nhà cầm quyền. Đổi lại, ông xin xây dựng mấy dãy phố lầu xung quanh chợ và dựng đài thờ cùng tượng mình ở chính giữa chợ sau khi ông qua đời. Ông Quách Đàm đã qua đời lúc chợ chưa xây xong. Khi chợ Bình Tây khánh thành năm 1928, khu đài thờ của ông đã được hoàn tất theo ý nguyện. Đài thờ Quách Đàm được làm hoàn toàn bằng đá cẩm thạch, có bố cục hình bát giác theo quan niệm phong thủy Trung Hoa. Giữa đài thờ là trụ đá đặt tượng đồng toàn thân của ông Quách Đàm, được làm theo lối tả thực với tỉ lệ 1/1. Trụ đá được chạm khắc rất tinh xảo, mặt trước khắc những hàng chữ ghi công đức của ông Quách Đàm bằng tiếng Hoa và tiếng Pháp. Quanh trụ đá là dãy lan can 8 mặt được định vị bằng 8 cột đá trên một nền cao, có bậc tam cấp dẫn lên. Phía dưới là một nền thấp hình bát giác, cũng được làm bằng đá. Mặt trước đài thờ có một lư hương đồng với hai bức tượng kỳ lân lớn ở hai bên. Mặt sau và hai mặt đài thờ bên có ba hồ nước hình vuông với thành bằng đá. Mặt sau cũng có tượng cặp kỳ lân giống mặt trước. Hai hồ nước ở hai bên đài thờ có một cặp giao long chầu trên thành, đầu hướng về trụ đá. Các bức tượng được tạo hình rất sinh động. Do những biến động thời cuộc, tượng đồng của ông Quách Đàm trên trụ đá đã được di dời cách đây nhiều thập niên, hiện lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Trụ đá ngày này được sử dụng làm cột treo quốc kỳ nước CHXHCN Việt Nam. Theo Quốc Lê (Kiến Thức)