Nếu không có gì thay đổi thì khoảng năm 2020, người Sài Gòn được đi tàu điện ngầm. Xe điện ngày xưa khác với tàu điện ngày nay nhưng có thể nói sau gần 70 năm, xe điện lại có mặt ở Sài Gòn. Xe điện sẽ chở khách tham quan tuyến kênh đẹp nhất Sài Gòn Xe điện Sài Gòn Xưa Xe lửa Sài Gòn – Chợ Lớn trong ngày khai trương 27-12-1881 – Ảnh tư liệu Xin lưu ý, người Sài Gòn xưa phân định rất rõ hai chữ “tàu” và “xe”. Tàu là phương tiện chạy dưới nước và trên không. Còn xe thì có bánh chạy trên đất. Cái gì có bánh, chạy được trên đất đều là xe, kể cả chiếc xe cút kít còn gọi là xe đẩy chỉ để chở hàng trên một đoạn đường gần. Tuy nhiên, giờ đây cách gọi đã có thay đổi, dù được chạy trên đất nhưng người ta vẫn gọi phương tiện này là “tàu” điện ngầm (bởi có những đoạn chạy dưới lòng đất). Từ “đường xe lửa mé sông” đến “tuyến đường cao su” Xe điện ở Sài Gòn bắt đầu hoạt động vào đầu thập niên 1880. Do thuở ấy Sài Gòn chưa có hệ thống điện công cộng nên xe chạy bằng đầu máy hơi nước, lò đốt bằng than hoặc củi khi chạy vừa bốc khói vừa thỉnh thoảng phun hơi nước ra nên dân chúng gọi là “xe lửa”. Còn người Pháp gọi là “tramway”. Công ty đầu tiên đầu tư vào hệ thống xe lửa nội đô Sài Gòn – Chợ Lớn là Société générale des tramways de vapeur de Cochinchine (SGTVC) và chính thức hoạt động vào ngày 27-12-1881. Công ty này đã mở tuyến đường rầy xe lửa Sài Gòn – Chợ Lớn tại tuyến đường Trên, chạy từ đường Charner (Nguyễn Huệ) quãng trước chợ Sài Gòn (khu vực cao ốc Bitex) đi qua Hàm Nghi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi vô Chợ Lớn. Xe thường có một hoặc hai toa, tùy theo thời điểm đông hay ít khách. Mỗi toa có hai băng ghế dài sát vách toa xe, còn lại là khoảng trống hành khách có thể đứng, để đồ đạc… Hành khách của xe điện hầu hết là người bình dân, người buôn bán. Xe chạy rất chậm, có thể chạy theo nhảy lên, mỗi khi xe sắp ghé trạm hoặc rời ga thì có tiếng chuông leng keng. Mười năm sau, năm 1890, Công ty đường sắt Đông Dương (Compagnie Francaise de Tramways de l’Indochine viết tắt là CFTI) ra đời. Công ty này đầu tư đường xe điện ở đường Dưới (nay là đường Võ Văn Kiệt) mà dân chúng thường gọi là “đường xe lửa mé sông”, chạy từ đường Nguyễn Huệ dọc rạch Bến Nghé xuống Bình Tây. Sau đó, từ năm 1892 đến 1913, CFTI đã mở nhiều tuyến xe điện Sài Gòn – Hóc Môn đi qua Đa Kao, Tân Định, Bà Chiểu; Sài Gòn – Phú Nhuận và tuyến Gò Vấp – Búng (Lái Thiêu), sau đó kéo dài lên tận Thủ Dầu Một (Bình Dương) và một đoạn lên tận Lộc Ninh để phục vụ việc chuyên chở cao su, thường được gọi là “tuyến đường cao su”. Xe điện chạy trước Nhà hát Thành phố năm 1940 – Ảnh: LIFE Tuyến đường xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn Điều đáng chú ý là những thập niên cuối cùng của thế kỷ 19, Sài Gòn vẫn chưa có hệ thống điện công cộng mạnh để phục vụ cho xe điện nên các xe này chỉ chạy bằng đầu máy hơi nước. Để có điện, CFTI đã hùn với Công ty Điện lực Đông Dương (CEEI) xây dựng nhà máy điện nhằm thay đổi cách điều khiển xe và giảm chi phí. Năm 1896, nhà máy điện đầu tiên đã ra đời ở nơi mà nay là Công ty Điện lực Bến Thành, nằm phía sau Nhà hát Thành phố. Song nhà máy điện này cũng chưa đủ sức để điện khí hóa các xe điện. Gần 20 năm sau, khi xây dựng xong Nhà máy điện Chợ Quán (dân chúng gọi là nhà đèn Chợ Quán) thì việc điện khí hóa mới hoàn thành. Cũng trong thời điểm này, Công ty SGTVC bị phá sản do không thể cạnh tranh nổi với CFTI có vốn của nhà nước hỗ trợ, nên CFTI gần như độc quyền kinh doanh xe điện. Sau khi đường Galliéni (Trần Hưng Đạo) xây dựng xong nối liền hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn, CFTI được khuyến khích của chính quyền với một hợp đồng béo bở kéo dài 30 năm, độc quyền kinh doanh, đã bỏ tiền xây dựng tuyến đường xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn trên đường mới này. CFTI đã mua lại SGTVC và mở tuyến Sài Gòn – Chợ Lớn đi từ đầu đường Hàm Nghi đến chợ Bình Tây với bảy ga, bắt đầu hoạt động vào năm 1925. Khoảng năm 1953, hệ thống xe điện Sài Gòn coi như ngưng hoạt động vì sự tranh chấp giữa chính quyền và nhóm Bình Xuyên của Bảy Viễn. Và đến năm 1955 thì chính quyền Việt Nam cộng hòa chấm dứt các hợp đồng xe điện Sài Gòn với CFTI. Và cũng từ đó, hệ thống xe điện Sài Gòn nói chung hoàn toàn ngưng hoạt động, dù hệ thống đường rầy mãi đến sau này mới được tháo dỡ hoặc lấp bỏ khi phát triển đô thị. Thay vào đó là hệ thống xe buýt, nên có tin đồn rằng chính quyền Ngô Đình Diệm có “ăn chịu” với công ty xe buýt nên “giết” xe điện. Xem ra lời đồn này thiếu căn cứ và không có gì chứng minh. Ga Sài Gòn có hình con cò trắng Để bảo đảm việc kinh doanh, tránh đi lậu vé, CFTI đã in một loại vé xe điện riêng cho mỗi một ga. Vé bằng bìa cứng, dài 6cm, ngang 3cm, màu xanh đậm, mỗi ga có logo riêng in trên một bảng trắng bằng kim loại tráng men. Ga Sài Gòn có hình con cò trắng, ga An Bình có hình con khỉ, ga Cống Quỳnh (Arras) có hình cây cào cỏ, ga Chợ Lớn có hình xe cút kít, thường gọi là xe bồ ệch (brouyette). Tài xế lái xe điện không ngồi mà đứng suốt, phía sau ông có hàng chữ bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Hoa “xin đừng nói chuyện với người coi máy”. Bên hông xe thường có một số quảng cáo, thông dụng nhứt là quảng cáo “thuốc dưỡng thai Nhành Mai”, “dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín”… Theo tto