( 2SaiGon) – Trong muôn vàn nỗi nhớ rong rêu xưa cũ về Sài Gòn, có một miền nhớ thiết tha tôi dành cho những con đường Sài Gòn rợp bóng me xanh. Những con đường gắn liền với tuổi học trò, những con đường me mà với nhiều người Sài Gòn nếu không có nó Sài Gòn sẽ không còn là Sài Gòn nữa vậy. Những bức ảnh chụp Sài Gòn xưa rợp bóng cây xanh Những cung đường bị lãng quên: Sài Gòn thuở phải “cõng” xe lửa trên sông Sài Gòn cũng có một mùa hoa như thế! Đường Duy Tân năm 1960 “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát” năm 1972 Ngoài con đường Duy Tân ( Phạm Ngọc Thạch ) “cây dài, bóng mát” đã được “thần thánh hóa” bởi ông nhạc sĩ Phạm Duy thì con đường Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ) cũng là con đường đẹp nhất nhì trong ký ức của các cô cậu học trò thời đó. Có lẽ vì nó cõng trên lưng mình một cụm bốn ngôi trường liền kề nhau: Trung học Trương Vĩnh Ký (trường chuyên Lê Hồng Phong), Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Sài Gòn), Đại học Sư Phạm Sài Gòn, Trung học Bác Ái (Cao đẳng Sư Phạm, bây giờ là Đại học Sài Gòn). Con đường này thuở đó rộng và vắng, quanh năm phủ bóng những hàng me tây gốc to, tán rộng. Bên cạnh những hàng me tây chạy dọc phía trước, ngay cổng trường Trương Vĩnh Ký ngày đó còn có hai cây phượng, mỗi bận hè sang hoa nở đỏ rực cả một góc trời. Đường Nguyễn Văn Cừ – xưa là đường Cộng Hòa – đoạn trước cửa Trường Lê Hồng Phong – xưa là Trường Petrus Ký Gốc cây cổ thụ sát vách trường Đại học Sài Gòn. Trường Đại học Khoa học tự nhiên – xưa là Đại học Khoa học Sài Gòn – nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ xưa là đường Cộng Hỏa Cũng từng được đi vào thơ ca là con đường Bà Huyện Thanh Quan, một trong bốn con đường bao bọc xung quanh ngôi trường Gia Long (Nguyễn Thị Minh Khai). Đường Bà Huyện Thanh Quan khúc gần Trần Quý Cáp, Phan Đình Phùng được trồng rất nhiều me, những gốc me to sù sì, tán cây xòe rộng chụm vào nhau xõa bóng che kín mặt đường. Đây là nơi các cô cậu học trò thường hay đến ngồi dưới gốc cây học bài hay đơn giản chỉ để ngồi nhìn lá me bay trong một buổi chiều đầy gió bởi cái vắng vẻ yên tĩnh của khung trời đầy thơ mộng này. Đường Bà Huyện Thanh Quan hai hàng me xanh lá Riêng tôi, con đường Bà Huyện Thanh Quan còn mang đến cho tôi nỗi nhớ về những buổi trưa vắng, ngồi nhìn bóng nắng lọt qua kẻ lá in xuống mặt đường những hình thù ngộ nghĩnh, thả hồn theo tiếng dương cầm réo rắt bay ra từ khung cửa ngôi biệt thự của nhạc sĩ VĐC nằm ở một góc cuối con đường. Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm cạnh bên Trường nữ trung học Trưng Vương và Trường nam trung học Võ Trường Toản cũng là một con đường học trò đầy bóng lá me, mà mỗi buổi trưa tan trường, từng có biết bao nhiêu anh chàng “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm Trưng Vương xưa “nắng vẫn vương nhẹ gót chân” “Trưng Vương hôm nay mây vẫn giăng đầy trời”. Sài Gòn trong ký ức tôi còn có rất nhiều con đường lá me đầy ấp kỷ niệm học trò như Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu), Sương Nguyệt Anh, Trần Quý Cáp ( Võ Văn Tần ), Hồng thập Tự (Nguyễn thị Minh Khai), đường Nguyễn Du… Hàng me trên đường Nguyễn Du Đường Hồng Thập Tự – giờ là Nguyễn Thị Minh Khai Đường Nguyễn Đình Chiểu – xưa là Phan Đình Phùng Sau bao nhiêu năm, những con đường học trò rời rợi bóng me của Sài Gòn xưa đã có nhiều thay đổi. Nhưng với nhiều người từng sống ở Sài Gòn, từng in dấu chân mình trên những cung đường kỷ niệm ấy mãi mãi vẫn còn mơ những giấc mơ xanh ngời bóng lá. Ngô Thị Thu Vân