Căn bệnh muộn giờ, trễ hẹn, giờ cao su của người Việt: Bạn định là người đến sau đến bao giờ?


“Có nhiều biện pháp trừng phạt dành cho những kẻ đi muộn, và điều nghịch lý ở đây là họ vẫn cứ muộn dù những thứ hình phạt đó có tồn tại.” – Nhà tâm lý học xã hội tại ĐH Kinh doanh New York Justin Kruger.

Facebook không giúp giải trí như bạn tưởng, khoa học chứng minh những người càng “sống ảo” càng ít hạnh phúc

7 bài học thấm thía về cuộc sống khiến bạn chỉ ước giá mà mình biết sớm hơn

Căn bệnh muộn giờ, trễ hẹn, giờ cao su của người Việt: Bạn định là người đến sau đến bao giờ?

1

Nhóm bạn cô người yêu tôi sau 4 năm chơi với nhau cuối cùng cũng quyết định được dịp để đi chơi xa với nhau. 5 người họ biết đến nhau sau một khóa học tiếng Anh, từ ấy mà chơi thân, đi ăn uống hay xem phim đều í ới nhau. Ngày đi chơi, mấy người đó hẹn nhau muộn nhất 7h phải có mặt ở sân bay không thì lỡ chuyến mất. Ấy vậy mà, vì “bà chúa” muộn giờ của nhóm 6h55 mới hớt hải gọi điện lại: “Chị xin lỗi, bây giờ taxi đang đến đón chị rồi”. Đứa nào đứa nấy cũng ngớ người, đành phải đợi bà chị kia và mua vé chuyến khác chứ biết làm sao bây giờ.

Cô người yêu tôi cũng đã kể về nhân vật này nhiều lần. Như một thói quen thường ngày, chị ấy luôn là người chậm trễ nhất trong nhóm: hẹn nhau đi ăn 7h thì phải 1 giờ đồng hồ sau chị ấy mới có mặt, biết gần nhà chị ấy có một rạp chiếu phim nên chúng tôi thường chọn xem ở đấy nhưng chị ấy cũng toàn sau 30 phút mới đi bộ sang… Muộn 5, 10 phút là đã cả một vấn đề lớn rồi, còn chị ấy thì lúc nào cũng đủng đỉnh chiếm trọn nửa giờ đồng hồ của người khác một cách vô tâm.

2

Lại nhớ có một lần, tôi nhận lời mời tham dự một hội thảo ngành. Giấy mời ghi 14h. Tôi đến sớm ít nhất là 5 phút trước khi chương trình diễn ra. Vậy mà, khi tôi đến, chỉ có lác đác vài người đến ‘check in’ chương trình; đội hậu cần cũng đang trong công tác chuẩn bị nốt những khâu cuối cùng. Nếu tôi nhớ không nhầm thì phải đến 45 phút sau, chương trình mới diễn ra và chẳng có ai nói lời xin lỗi nào với khách mời hay phóng viên về chuyện muộn giờ kia cả.

Nhưng có vẻ là do tôi ít có cơ hội tham gia các hội thảo nên không biết thực trạng này, chứ theo như cô bạn đồng nghiệp cũ của tôi thì chắc phải một nửa số chương trình cô ấy tham gia đều không diễn ra đúng giờ trên giấy mời. Cô ấy bảo cứ uống hết chai nước mang theo, xem hết tin tức bạn bè trên Facebook, thì MC sẽ lên tiếng.

3

Nhưng phổ biến nhất chắc chắn là tình trạng đi làm muộn. Ở cơ quan nào, ở phòng ban nào chắc chắn cũng có ít nhất là 1 người đồng hồ sai lệch với mọi người, trừ khi có biện pháp phạt về tài chính thật mạnh tay. Mà tôi quan sát thấy những người đi làm muộn thường chậm chạp hơn so với những người khác trong bất kể trường hợp nào. Thành thử ra, nhiều khi gặp khách hàng để bàn chuyện lớn, vẫn giữ thói quen cũ nên nhiều khi hỏng việc “lanh tanh bành”, đã thế lại bị sếp khiển trách, nhẹ nhất là trừ lương, còn không thì mất việc như chơi.

Tôi đọc được một đoạn thế này: “Nếu ở công ty bạn có những người thường xuyên đi muộn về sớm, thường xuyên tận dụng thời gian để làm việc riêng thì chỉ có thể có 2 lý do. Thứ nhất là những người này không có việc làm, họ đang rất rảnh rỗi. Nếu có thì lỗi này thuộc về người quản lý. Thứ hai là trong nhóm ấy đã có ai đó lười và không chịu làm việc. Lỗi này thuộc về bản thân người lao động”.

Căn bệnh muộn giờ, trễ hẹn, giờ cao su của người Việt: Bạn định là người đến sau đến bao giờ? - Ảnh 1.

4

Nói về chuyện muộn giờ, tôi lại nhớ đến câu chuyện lần đầu tiên đi xin việc làm của mình. Vốn dĩ khi ấy là sinh viên mới ra trường, lại mượn được bạn một chiếc xe máy để đi xin việc cho xứng với ngoại hình chỉn chu bên ngoài. Bình thường, tôi di chuyển bằng xe bus, giá vừa rẻ mà tôi cũng thích đi bộ. Trước khi đi phỏng vấn, tôi đã hỏi kĩ bạn tôi là đến địa điểm ấy thì phải đi qua những đoạn đường nào, tôi cũng đã ghi nhớ tên từng đường, ấy vậy mà tôi vẫn lạc đường. Tôi đến nơi phỏng vấn muộn 6 phút.

Tôi vội vàng bước vào phòng, miệng không ngớt nói lời xin lỗi. Một người trong ban giám khảo nhẹ nhàng bảo tôi ngồi xuống ghế và nói: “Dù làm việc gì, em cũng nên nhớ đừng bao giờ muộn giờ. Có thể 1 phút đối với em chẳng là gì nhưng với người khác đó là vàng là bạc. Các em bây giờ còn trẻ nên chưa biết quý trọng thời gian. 

Hơn nữa, khi đi phỏng vấn cũng là lần đầu tiên gặp mặt giữa em và người quản lý, em phải gây ấn tượng tốt với họ chứ không phải khiến họ cau mày. Hôm nay, em đã gây ấn tượng xấu với chúng tôi nên em đã bị loại. Cám ơn em.”

Nếu bạn hỏi tôi ngày hôm ấy có buồn không, tôi trả lời chắc chắn có rồi vì đó là công ty đầu tiên tôi nộp hồ sơ, tôi đã trăn trở mất 2 tuần để viết CV làm sao cho ấn tượng, khi tìm hiểu thông tin tôi chỉ muốn được nhận việc ngay tức khắc. Nhưng tôi còn buồn hơn vì bản thân mình vì kĩ năng sống còn quá yếu kém. Từ lần ấy trở đi, bất cứ khi hẹn gặp ai, dù là bạn bè hay khách hàng, tôi đều đến sớm ít nhất là 5 phút trước giờ hẹn.

5

Điều đáng nói ở đây là khi tôi làm việc với các đối tác nước ngoài, không chỉ châu Âu hay châu Mỹ mà thậm chí là các nước bạn như Thái Lan, Singapore, Philippines, dù chỉ muộn 5 phút nhưng họ đã gọi điện xin lỗi rối rít. Hơn nữa, chuyện đi muộn so với giờ đã hẹn của họ rất hiếm khi xảy ra, mà nếu có xảy ra thì đều là những chuyện đột xuất, không thể tính toán trước. Khi họ đến nơi hẹn gặp rồi, họ vẫn liên tục nói xin lỗi dù trước đó đã nói xin lỗi không biết bao nhiêu lần và xin lùi lịch hẹn rồi.

Tiếp xúc với họ nhiều mà tôi vẫn cứ thắc mắc tại sao có thể người nào cũng ý thức cao như vậy. Hóa ra là họ được giáo dục từ bé, phải đúng giờ, giữ lời hứa, dù là việc nhỏ nhặt nhất hàng ngày. Họ được dạy rằng: Muốn người khác tôn trọng mình thì trước hết mình phải tôn trọng họ, không tôn trọng người khác chính là không tôn trọng bản thân. Họ dám chịu trách nhiệm với những gì mình nói, mình làm.

Căn bệnh muộn giờ, trễ hẹn, giờ cao su của người Việt: Bạn định là người đến sau đến bao giờ? - Ảnh 2.

 

Một nghiên cứu đã đưa ra kết quả rằng người đi muộn thường xuyên là những người không đánh giá được thời gian mà nhiệm vụ sẽ sẽ diễn ra, hay nói nôm na là thất bại trong việc lên kế hoạch và trung bình một con người “đánh giá thấp” thời gian hoàn thành một công việc tới 40%.

Vừa lướt thông tin trên mạng, tôi đọc được bài báo “Việc đi muộn đã và đang khiến cho nước Mỹ tiêu tốn khoảng 90 tỉ USD mỗi năm”. Bạn thấy đấy, 5 phút của bạn chẳng đáng là gì, muộn 5 phút thì Trái Đất này chẳng thể biến từ hình cầu sang hình vuông, nhưng với người khác, 5 phút ấy có thể chế tạo được loại thuốc cứu được hàng triệu người trên thế giới, có thể kiếm được hàng tỉ USD mang phúc lợi về cho xã hội, có thể giúp một người nào đó không bị trễ chuyến bay, có thể giúp một người nào đó được nhận việc…

Tất nhiên, không ai có thể thay đổi bản tính con người, nhưng có một lời nhắc thân thiện dành cho những cá nhân bị bệnh “giờ cao su” mãn tính: bạn cần phải nhận thức được rằng mình không thể phân thân ở hai nơi cùng một lúc được. Mắc bệnh gì cũng đều rất nguy hiểm, nếu không “chữa” nhanh thì nó sẽ ngấm sâu vào bạn, khi ấy muốn khỏi bệnh thì e là khó.

Theo cafebiz


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: