Chỉ với vài ba dụng cụ hành nghề, trên một góc vỉa hè nhỏ, đây chính là nơi kiếm sống của không ít người gắn bó cả đời với nghề sửa giày. Theo dòng chảy thời gian, có những nghề mai một dần nhưng với nghề sửa giày vẫn tồn tại, duy trì đến ngày nay. Nghề đọc truyện và cho thuê sách ở Sài Gòn Duy trì và phát triển nghề truyền thống Gắn bó với nghiệp sửa giày hơn 40 năm Được xem là nghề thủ công lâu đời nhất tại Sài Gòn, nghề sửa giày xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 nhưng đến nay bị mai một dần. Ai từng đi qua con đường Lê Thánh Tôn (đoạn từ Pasteur đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa), phường Bến Nghé, quận 1 chắc hẳn sẽ bắt gặp hình ảnh của những người đàn ông cần mẫn bên những đôi giày đã rách hay sờn bạc. Đó có thể là hình ảnh những ông già đã ngoài sáu mươi đeo kính khâu từng đường kim mũi chỉ, hay là những cậu thanh niên cặm cụi bên máy mài đế giày. Dù tuổi tác có khác nhau nhưng dễ nhận thấy ở họ là sự yêu nghề, tận tụy từng chi tiết của những đôi giày bị hư. Chỉ vài dụng cụ sửa giày đơn giản: Dao gọt, kim, chỉ, đinh, máy mài cầm tay… nhưng đây là nơi hành nghề nuôi sống biết bao cuộc đời. Chính vì vậy người ta đặt tên cho nơi này là “Phố sửa giày”, có thể nhiều người không biết, nhưng nó đã tồn tại hơn 40 năm qua. Những người thợ phải khéo léo, tận tâm với nghề lắm thì mới có thể duy trì lâu dài đến ngày nay. Theo những thợ lão luyện trong nghề thì thợ sửa giày tại đây có thể sửa được hầu hết tất cả các loại giày dép có trên thị trường hiện nay. “Tôi gắn bó với nghề cũng được 37 năm rồi, ở đây có thằng nhóc mới vào nghề được 2 năm. Còn nói về cái duyên tới với nghề thì nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề được” – chú Nguyễn Bá Trương (53 tuổi) cho biết. Theo cha vào Nam để lập nghiệp, chú Nguyễn Hữu Văn bồi hồi nhớ lại: “Trước 1975, tiệm giày kia là của ông chủ Mỹ nổi tiếng nhất Sài Gòn, cha tôi xin vô đó làm, sau hòa bình, muốn giữ lại thương hiệu của thầy, nhưng không có tiền thuê mặt bằng, cha tôi chọn vỉa hè này làm nơi kế nghiệp”. Cha truyền con nối, chú Văn bén duyên từ năm 10 tuổi, tiếp tục nghề sửa giày cho đến hôm nay. Được xem là công việc có thu nhập không cao nhưng ổn định, cái nghề nó ngấm vào máu khó bỏ. Thế nhưng không phải ai cũng có thể làm được, nó đòi hỏi sự dẻo dai và sức mạnh bàn tay của những người đàn ông. Phải tận mắt chứng kiến các công đoạn họ làm mới thấy sự khéo léo, kỳ công của người thợ với công việc của mình. Chẳng cần biển quảng cáo phô trương, chỉ với vài chiếc ghế nhựa, dụng cụ đồ nghề… bên một góc nhỏ lề đường cũng hóa thành nơi sửa giày phục vụ cho đủ tất cả mọi người. Từ những nghệ sĩ nổi tiếng đến những anh xe ôm hay bất cứ ai đều có thể ghé phố sửa giày để sửa. Nơi sửa giày của chú Trương. Chỉ vài chiếc ghế ngồi và vật dụng cần thiết để sửa giày trên một góc vỉa hè trở thành “tiệm sửa giày”. Làm phúc giúp người Không chỉ làm nghề sửa giày đơn thuần mà ở đây mỗi góc nhỏ vỉa hè là những câu chuyện về lòng tốt giúp đỡ, cưu mang những đứa trẻ có số phận không được may mắn. Hai anh em Thuận, Hòa (ngụ quận Thủ Đức) được “cha” Văn nhận vào học nghề từ năm 14 tuổi. Ba mất vì bệnh tật, hai anh em chỉ biết theo mẹ đẩy xe bán hủ tiếu mưu sinh. Tình cờ trong một lần trú mưa, Thuận, Hòa thấy thích thú với cái nghề sửa giày lề đường này nên đã xin chú Văn nhận vào làm. Cũng như anh em Thuận, Hòa, Minh Long chia sẻ anh bắt đầu với công việc này từ năm 15 tuổi tại nơi sửa giày chú Trương: “Gia đình nghèo không đủ tiền ăn học, chú em chỉ em đến xin chú Trương cho làm. Nhờ chú mà em có công việc mưu sinh qua ngày. Chả bao giờ em có ý định bỏ nghề, sáng ra làm cầm mấy đôi giày thời gian nó trôi nhanh lắm”. Cũng có nhiều kỷ niệm vui buồn với nghề. “Làm nghề này nhiều năm rồi có nhiều kỷ niệm lắm, có những lúc người ta mến mình vì mình làm với cái tâm, sửa bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Cái nghề thủ công tạo cho người ta cái đẹp, nên mình được lòng khách, người này giới thiệu người kia cứ đến thôi” – chú Bá Trương cho hay. Với những người thợ sửa giày đầy “tâm huyết” với nghề, họ cố gắng sửa những đôi giày cũ nát tưởng như không sử dụng được thành những đôi giày lành lặn hơn, mới hơn. Chính vì lẽ đó, dù là ở xa nhưng vẫn nhiều khách lặn lội tới tận con đường Lê Thánh Tôn để sửa giày. “Cố gắng với cái nghề mà mình theo, đó không chỉ để mình kiếm sống mà còn gìn giữ nghề của ông cha truyền cho”. – Có lẽ suy nghĩ của chú Trương cũng là ý nghĩ của những thợ sửa giày còn lại nơi đây. “Tre già măng mọc” lớp trẻ thay thế để nghề sửa giày không bị mai một như những nghề xưa khác. Giữa trưa hè nắng gắt những cậu thanh niên vẫn miệt mài sửa giày để kịp trả khách. Chú Trương khéo léo tỉ mỉ khâu đôi giày da cho khách. Theo NTD