Theo dòng chảy thời gian, có những nghề xưa cũ dần mai một, nhưng nghề sửa giày vẫn kiên trì tồn tại, thậm chí khá phát triển. Nếu ai đã từng đi qua con đường Lê Thánh Tôn, chắc hẳn sẽ thấy nhiều người đàn ông cặm cuội xỏ chỉ khâu cho những đôi giày đã sờn màu, bạc thết. Đó có thể là những cậu thanh niên trai tráng hay những ông già đã ngoài sáu mươi. Nhưng điểm chung nhất nhận thấy ở họ là sự yêu nghề, tận tụy khâu từng đường kim mũi chỉ để tái tạo hàng trăm đôi giày đứt quai, mòn đế. Nghề sửa giày bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, cho đến nay đã trở thành một trong những nghề thủ công lâu đời nhất tại Sài Gòn. Sửa giày được xem là một nghề khá nhàn nhã, thu nhập không cao nhưng ổn định, bất cứ khi nào cũng có việc để làm. Ngày nay, nghề sửa giày ít nhiều đã bị mai một, nhưng vẫn có thể bắt gặp những người thợ già lẫn trẻ đang miệt mài đóng giày trên hè phố, nhất là ở đường Lê Thánh Tôn (quận 1). Trong số họ, có nhiều người đã gắn bó với nghề “lề đường” này đã hơn 30 năm. Đó không chỉ là nghề nuôi sống gia đình mà họ xem đó như một phần máu thịt nơi góc nhỏ Sài Gòn. Vì công việc đòi hỏi sức mạnh và sự dẻo dai của đôi tay nên những người theo nghề này đa số là đàn ông. Để sửa một đôi giày đã mất đế, tụt quai phải qua từng công đoạn nên mất khá nhiều công sức và thời gian. Phải tận mắt quan sát công việc họ làm, mới thấy hết sự kỳ công của một người thợ. Tùy theo độ khó của thao tác và chất lượng loại mút phải thay cho đôi giày mà người thợ lấy những giá khác nhau. “Tôi làm nghề này đã ba năm rồi nhưng chỉ lấy công làm lời. Sửa bao nhiêu thì lấy bây nhiêu, không bao giờ nói thách khách hàng nên tôi được lòng họ lắm. Có nhiều khách nước ngoài đến sửa một lần, thấy tôi làm chất lượng quá nên giới thiệu cho những người bạn đến đây luôn”, anh Quy (quê Bình Định) chia sẻ. Ngày qua ngày, những người thợ vẫn tâm huyết “hô biến” cho những đôi giày tưởng như không sử dụng được trở nên lành lặn, tươi mới. Họ lại lấy giá cả phải chăng nên khách hàng tìm đến họ ngày một nhiều. “Tôi hy vọng nghề này không phải mai một như bao nghề xưa cũ khác. Tôi cùng những đồng nghiệp sẽ cố gắng làm hết khả năng của mình để gìn giữ nghề của ông cha để lại”, anh Chính, một thợ sửa giày lâu năm khẳng định. Chỉ với vài chiếc ghế để ngồi, vài vật dụng cần thiết để sửa một đôi giày và chọn một góc vỉa hè là có thể hình thành một tiệm sửa giày “lề đường”. Anh Chính dùng hết sức để khâu chỉ một chiếc giày da vừa được khách đem đến. Chiếc búa và đồ kê giày luôn đồng hành cùng những người thợ. Những trợ thủ đắc lực này giúp người thợ dễ dàng phục chế những đôi giày khó sửa. Mặc cho cái nóng như muốn thiêu đốt da thịt, hai người thợ sửa giày vẫn chăm chỉ tháo, ráp, đóng đế cho từng chiếc giày để khách kịp lấy vào buổi chiều. Chăm chú khâu chỉ và dán keo cho đôi giày. “Tôi làm ở đây hơn 3 năm rồi. Ban đầu từ Bình Định vào theo ông anh đi đánh giày nhưng nghề đó khổ lại bấp bênh quá. Rồi tôi biết được và tới xin học nghề của một tiệm sửa giày cũng trên đường này luôn. Ban đầu tôi làm công ở đó, nhưng khi thấy tay nghề cứng cáp rồi nên tôi xin ra làm riêng. Mới đầu ít khách lắm nhưng cố gắng làm nên khách họ giới thiệu cho. Có mấy ca sĩ, diễn viên cũng hay tới đây nhờ tôi sửa giày lắm”, anh Bảo (29 tuổi) tươi cười chia sẻ. Đôi giày cao gót vừa được thợ sửa đóng đế, khâu chỉ viền như khoác lên màu áo mới. Mồ hôi ướt đẫm chiếc áo nhưng người thợ vẫn tranh thủ sửa cho xong để kịp giao hàng cho khách. Qua đôi bàn tay của những người thợ tài hoa, những đôi giày tưởng chừng không sử dụng được sẽ trở nên tinh tươm, tươi mới. Nguồn: Khánh Phương/ phunuonline.com.vn