Đã hơn 15 năm nay, bà Trần Thị Kim Anh (52 tuổi, ngụ quận 11) vẫn đều đặn đi bắt gián đất đêm. Nhờ nghề, bà sửa được căn nhà sập sệ để có chỗ ra vào cho chồng và mấy người con. Ở Sài Gòn, bà Kim Anh là người được nhiều giới “cần thủ” biết đến vì chuyên đi bắt gián bán làm mồi câu suốt nhiều năm qua. Cứ khoảng 10 giờ đêm, bà lại mang xô, chậu và chiếc đèn pin nhỏ, dạo khắp các ngõ ngách Sài Gòn trên chiếc xe đạp cũ để tìm gián. Để bắt được nhiều gián, bà Kim Anh phải đi nhặt vỏ sầu riêng để làm mồi nhử gián do mùi sầu riêng rất thu hút gián. Dù ngày nắng hay mưa, nếu khách câu cá gọi điện đặt hàng thì bà lại phải đi “gom” gián về giao cho khách. “Nhiều hôm trời mưa to, tôi phải mặc áo mưa đi tìm gián để kịp sáng mai giao cho khách”. Bà Kim Anh chia sẻ Nửa đêm về sáng, là lúc để nhiều người nghỉ ngơi sau ngày làm việc mệt nhọc, bà Anh lại lụi cụi với công việc của mình. Công việc của bà luôn gắn liền với những nắp công, rãnh nước bẩn…Nơi có nhiều gián nhất. Nhiều khi bà phải chui xuống sàn của các sạp thịt lúc nhúc chuột bọ và gián. Các khu chợ cũng là nơi bà thường tìm đến, vì nơi đây có nhiều thức ăn thừa nên gián tập trung đông Cứ tưởng việc bắt gián là nghề đơn giản, nhưng nó chứa đựng nhiều hiểm nguy vì rất dễ bị các vật sắc nhọn cắt tay khi thò vào các nắp cổng, rãnh nước. Mới lúc đầu làm nghề chưa quen, bà thường bỏ cơm vì mùi gián và mùi nước thải. Mới đầu, nhiều người thấy bà hay chui rúc ở bóng đêm cứ tưởng bà là người xấu nên thường gọi công an đến để kiểm tra. Lâu dần, người ta biết bà đang mưu sinh nên cũng ít khi hỏi thăm, có người còn chỉ cho bà chỗ bắt được nhiều gián. Nhiều người thấy gián là sợ hãi, nhưng với bà Anh, nó là một con vật gắn bó và giúp bà nuôi gia đình trong nhiều năm qua. Công việc của bà cứ tiếp diễn khi mọi người đã say giấc, và chỉ kết thúc khi đã sang ngày mới. Ngoài công việc bắt gián ban đêm. Ban ngày, bà Anh còn tranh thủ đi bán vé số để kiếm thêm thu nhập. Mỗi con gián được khách mua với giá 100 đồng. Mỗi đêm đi làm, bà cũng kiếm được hơn 100.000 đồng. Nhờ nghề bắt gián, bà đã sửa được căn nhà sập sệ để có chỗ ra vào cho chồng và mấy người con. Bà luôn tâm niệm, đã có duyên với nghề thì mình gắn bó đến khi không thể làm được nữa thì thôi. Theo Nguyễn Quang – zing.vn