Hằng ngày, bên những góc phố Sài Gòn, tiếng sáo của một người đàn ông mù say sưa thổi bằng mũi vang lên thánh thót. Cạnh bên một bà lão lập cập chào mời khách mua vé số. Một sáng chủ nhật, ở một góc ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Tự Trọng (quận 1, TP HCM), ánh mắt người dân đổ về hai con người, một già một trẻ, dõi theo tiếng sáo dặt dìu, lúc trầm lúc bổng. Đó là hai mẹ con quê ở Ninh Bình vào TP HCM mưu sinh kiếm sống đã hơn 10 năm nay. Bà lão tên Mến (68 tuổi), tóc đã bạc, chân tay đã yếu nhưng ngày ngày vẫn dìu đứa con trai đầu bước những bước nhọc nhằn xuống phố thổi sáo bán vé số mưu sinh. “Mẹ con lão đi bán vé dạo cũng được 25 đến 30 vé mỗi ngày. May có nhiều người thương, thường cho thêm chút ít nên hai mẹ con cũng giành dụm gửi về cho 2 đứa cháu nội ăn học. Ở quê làm nông khổ lắm, quần quật quanh năm mà bữa đói bữa no”, bà Mến nói. Bà sinh được 3 người con, một đứa theo bà vào Sài Gòn mưu sinh kiếm sống. Hai đứa còn lại ở nhà làm ruộng. Anh Lâm là con đầu lòng, tuy đã có vợ và hai con nhỏ, bị khiếm khuyết nên vẫn phải tha hương để kiếm tiền về nuôi gia đình. Cụ bà cười móm mém khoe, hai đứa cháu nội học giỏi, tuy bố đi biền biệt hàng năm trời nhưng rất ngoan ngoãn, không bao giờ trách anh Lâm. Bà lão 68 tuổi và người con trai thổi sáo bằng mũi mưu sinh ở góc phố Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Tự Trọng (quận 1, TP HCM). Ảnh: Tá Lâm. Anh Nguyễn Lâm (45 tuổi, con trai bà lão) bị mù một mắt, mắt còn lại lúc tỏ lúc mờ. Để có thể đi được xuống phố, anh nhờ mẹ dìu từng bước qua từng ngôi nhà, ngõ phố Sài Gòn để mưu sinh. Mặc cho tiếng ồn của những chiếc xe qua lại, nhưng anh Lâm vẫn say sưa với những bản nhạc du dương bên đường phố. Nhiều người đi đường động lòng thương cảm khi chứng kiến một người đàn ông mù thổi sáo bằng mũi và một bà lão dáng vẻ khắc khổ bán từng chiếc vé số mưu sinh nên đã giúp đỡ mua, dù có người chưa bao giờ chơi trò “may rủi”. Thậm chí, có người còn cho tiền nhưng không mua vé. “Giai điệu của ông ta thổi rất hay. Nó cứ man mác buồn, gợi cho người nghe nỗi nhớ quê da diết. Thổi bằng miệng đã khó, thổi bằng mũi càng đáng phục”, chị Hạnh (nhà ở quận 3, TP HCM) đi làm qua đã ghé lại bên bà cụ cho bà 10.000 đồng, chia sẻ. Muốn con cảm nhận rõ tình thương của những người đi đường giành cho mình, mỗi khi người khách mua một tờ vé số hay tặng 5.000-10.000 đồng, bà lão đều đánh động cho con biết. Những lúc như thế anh dừng tiếng sáo cúi đầu cảm ơn tình cảm của những người đi đường. Anh cho biết, đã tập luyện nghề “độc” này hơn hai mươi năm nay. Thủa nhỏ, anh cũng như bao chàng trai khác, cũng được đi học đùa nghịch, cũng ước mơ trở thành cử nhân như bạn bè. Nhưng do nhà nghèo anh phải bỏ học giữa chừng để mưu sinh kiếm sống. Và anh đã chọn tiếng sáo làm “cần câu cơm”. Tuy nhiên, anh nghĩ nếu chỉ thổi bằng miệng như những người bình thường thì không có khó. Nghĩ thế, anh đã ra sức tập luyện ngón nghề thổi sáo bằng mũi. Lúc đầu cũng khó khăn, nhưng kiên trì tập mãi cũng thành. Bây giờ thì anh có thể thổi cả ngày bằng mũi mà không thấy mệt. “Tiếng sáo như thôi miên tôi. Càng tập tôi càng thấy hăng say. Mỗi lúc nhớ vợ, nhớ con, thương lắm tôi lấy sáo ra thổi. Tiếng sáo làm tôi gần với con hơn, nghe rất rõ tiếng nói của chúng ở ngay bên cạnh. Không có tiếng sáo chắc tôi không chịu đựng nỗi nhớ nhà”, anh Lâm chia sẻ. Anh cho biết, gần 30 tuổi anh mới lập gia đình. Vì là một người tàn tật nên ai thương anh thì anh lấy. Năm đó, cô gái cùng quê thường hay sang nhà anh, nghe anh thổi sáo và phải lòng anh lúc nào không hay. Cô mong muốn được kết duyên se tơ với anh làm anh “ngượng chín mặt”, như không tin vào điều kỳ diệu đang ở rất gần. Thế rồi, họ cưới nhau và sinh được hai đứa con kháu khỉnh. Mỗi lúc nói về thời trai trẻ, khuôn mặt anh trở nên rạng rỡ. Tuy vào Sài Gòn mưu sinh kiếm sống vất vả nhưng ít nhất anh cũng có tiền để gửi về gia đình. Đang nói, bà lão lấy tay vỗ lên lưng anh để nhắc nhở một người đi đường vừa cho hai mẹ con họ tiền. Anh nhẹ nhàng cúi đầu cảm ơn khách. Không chỉ mưu sinh ở ngã các ngã tư đường phố Sài Gòn, hai mẹ còn anh còn đến các tụ điểm đông người để mưu sinh như chợ Bến Thành, đường Điện Biên Phủ, công viên 23/9… Tối đến, họ lại dắt nhau về ngủ đợ ở chợ đầu mối Bình Điền (quận 1, TP HCM). “Nhìn anh ta thổi sáo bằng mũi, tôi lại nhớ đến Kỷ lục gia Mai Đình Tới. Chỉ có điều khác biệt, một bên là một người nổi tiếng, còn anh ta chỉ là một người vô danh, một người nghèo khó mưu sinh giữa phố ở Sài Gòn”, anh Thương, một người dân chứng kiến anh Lân thổi sáo bằng mũi chia sẻ. Nguồn: Tá Lâm