Thời điểm trước năm 1975, phong trào văn hóa văn nghệ hoạt động rất mạnh mẽ. Người Sài Gòn ngày ấy rất yêu ca múa nhạc nên thường tìm đến các tụ điểm sân khấu hay phòng trà để được đắm mình trong cõi mộng, lắng nghe giai điệu lãng mạn qua tiếng hát da diết đầy bản năng từ cô ca sĩ có cặp mắt kẻ viền đen mơ hồ, phảng phất nét trầm buồn dưới ánh đèn mờ mờ ảo ảo. Không phải chỉ có thời nay, người ta mới “nhìn nhạc” mà thực chất từ những năm xa trước, người Sài Gòn đã đắm chìm trong dung nhan “hoa nhường nguyệt thẹn” của các mỹ nhân sân khấu – ca sĩ Sài Gòn xưa. Thanh Lan Ca sĩ Sài Gòn xưa – Thanh Lan Nổi tiếng từ những năm 18 tuổi, Thanh Lan được xem như một đóa hoa mới nở của vườn trời nghệ thuật phía Nam và là một kiều nữ tài sắc trong giới ca sĩ Sài Gòn xưa. Cô gái mảnh mái với mái tóc thề đen nhánh, đôi mắt đen lay láy hút hồn bao người, nụ cười rạng rỡ cùng giọng hát da diết ngọt ngào đã làm lay động không con tim của không biết bao nhiêu người. Đẹp xinh nhường đấy, nổi tiếng là vậy nhưng đường tình duyên của cô lại là những nôt trầm trong một khúc nhạc buồn. Lấy chồng sớm khi vẫn còn mơn man xuân sắc, cuộc hôn nhân này chẳng đắm chìm trong viên mãn như cô đào xinh đẹp hằng mong mà lại ngập trong những trận đòn roi từ người chồng cả ghen và vũ phu để rồi phải kết thúc trong sự chia ly. Khi đó, Thanh Lan vẫn chưa qua độ hai mươi xuân mộng. Có lẽ cũng vì đã sớm trải đời như thế nên Thanh Lan rất mau nước mắt mỗi khi trình diễn, như thể cô cất giọng ca cho chính cuộc đời gian truân của mình. Nhạc phẩm tiêu biểu: Mùa đông của anh Phương Dung Ca sĩ Sài Gòn xưa – Phương Dung Trong giới ca sĩ Sài Gòn xưa , Phương Dung được mệnh danh là “Con nhạn trắng Gò Công”, nữ danh ca Phương Dung với chất giỏng cao trong lảnh lót, bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình rất sớm, từ cuối thập niên 50, khi cô còn là thiếu nhi 14, 15 tuổi. Phương Dung chuyên hát dòng nhạc quê hương, trữ tình da diết với những bài hát có nội dung ngợi ca nét đẹp của quê hương hay tình yêu thời chiến mộc mạc. Trái với nhiều gia đình thường có thành kiến khi con cái mình theo nghiệp cầm ca, Phương Dung lại nhận được một sự hậu thuẫn rất lớn từ gia đình. Phải chăng vì lẽ đó mà âm nhạc của cô mới luôn toát nên một vẻ gì đó rất tự tại và thoải mái? Khi sự nghiệp vẫn đang ở thời kì đỉnh cao vào độ 22 – 23 tuổi, Phương Dung quyết định tạm ngưng theo đuổi con đường hát hò để tập trung lo cho gia đình nhỏ và bắt đầu việc kinh doanh cùng anh Võ Doãn Ngọc, người đã cùng Phương Dung sống hạnh phúc cho đến hiện nay và có với nhau 6 mặt con. Sau biến cố 1975, Phương Dung theo chồng và các con sang Úc định cư, dù đã được nước Mỹ vô cùng chào đón. Nhạc phẩm tiêu biểu: Nỗi buồn gác trọ Thanh Tuyền Ca sĩ Sài Gòn xưa – Thanh Tuyền Thanh Tuyền tên thật là Phạm Như Mai sở hữu một chất giọng trong như nước suối. Mãi đến nay dù đã ở lớn tuổi, nhưng giọng hát ấy vẫn trẻ trung như thuở đôi mươi. Năng khiếu ca hát của cô được bộc lộ rất sớm từ thuở bé qua những buổi học nhạc ở trường và dưới sự hướng dẫn căn bản nhạc lý của một người cậu. Thanh Tuyền từng tham dự một cuộc thi hát của Đà Lạt và được mọi người ưu ái gọi là “thần đồng” khi chỉ vừa lên 10. Có thể nói Thanh Tuyền được sinh ra để làm nghệ thuật bởi cô gặp rất nhiều may mắn trên con đường này. Năm 17 tuổi, khi vừa chân ướt chân ráo từ Đà Lạt xuống thành phố được ba tháng, Thanh Tuyền được mời kí hợp đồng độc quyền với hãng đĩa Continental. Từ đó, nhờ giọng hát thiên phú của mình cùng bàn tay lăng xê của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mà suốt quãng thời gian từ mùa hè năm 1964 đến đầu năm 1965, khắp nơi từ thành thị đến làng quê, đâu đâu cũng nghe người ta nhắc đến tên cô như một hiện tượng. Khoảng thời gian năm 1967, 1968 sự xuất hiện của một trong “Tứ trụ” của làng nhạc Việt là ca sĩ Chế Linh bên cạnh Thanh Tuyền tạo nên đôi song ca Chế Linh-Thanh Tuyền trứ danh với những bài nhạc sống mãi cùng bao nhiêu thế hệ. Hiện nay, Thanh Tuyền đã định cư ở Mỹ và vẫn tiếp tục cộng tác nghệ thuật cùng các trung tâm băng đĩa nhạc hải ngoại như Thúy Nga, Asia. Nhạc phẩm tiêu biểu: Những đồi hoa sim Khánh Ly Ca sĩ Sài Gòn xưa – Khánh Ly Khánh Ly là một giọng ca vô cùng quen thuộc với những ai nghiện nhạc Trịnh. Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai. Sinh ra ở Hà Nội nhưng sự nghiệp của cô lại được thành tựu ở Sài Gòn và Đà Lạt. Trong thời gian hoạt động nghệ thuật ở Đà Lạt, Khánh Ly đã từng một lần từ chối lời mời về Sài Gòn để hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, định mệnh đã dẫn lối để cô gặp lại người nhạc sĩ tài hoa vào năm 1967 tại Sài Gòn. Từ đó, hai người hợp tác với nhau và nhanh chóng trở thành hiện tượng của tân nhạc Việt Nam. Cô cùng Trịnh Công Sơn đã từng có những buổi trình diễn ngoài trời miễn phí phục vụ sinh viên tại Quán Văn (một quán lá được dựng tạm bợ trên bãi đất rộng sau trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn và tiếp tục biểu diễn ở khắp miền Nam Việt Nam. Khánh Ly chính là ca sĩ Việt Nam đầu tiên tổ chức sô diễn của riêng mình. Khoảng thời gian từ năm 1967 đến 1975 là thời điểm Khánh Ly hợp tác với nhiều hãng địa ở Sài Gòn để phổ biến âm nhạc của mình đến rộng rãi với công chúng hơn. Năm 1968, cô mở Hội Quán Cây Tre ở Đakao (2bis đường Đinh Tiên Hoàng) và đây trở thành nơi thường xuyên lui tới của các văn nghệ sĩ và giới học sinh-sinh viên yêu văn nghệ, mến mộ tiếng hát của Khánh Ly. Đây cũn là nơi phát hành cuốn băng nổi tiếng Trịnh Công Sơn – Khánh Ly Hát Cho Quê Hương Việt Nam. Hiện nay, Khánh Ly đã sinh sống ở Mỹ và là cái tên bảo chứng cho số lượng vé của hãng băng đĩa Thúy Nga. Bà cũng đã từng tổ chức liveshow ở Việt Nam vào năm 2014 và phát hành một cuốn sách tự truyện năm 2015. Ca khúc tiêu biểu: Còn tuổi nào cho em Tổng hợp: Eleanor Ng | Hình ảnh: Sưu tầm