Thú chơi xe cổ Mobylette của dân Sài Thành


Mobylette là model xe máy độc đáo có hình dáng bên ngoài trông khá giống với một chiếc xe đạp. Du nhập vào Việt Nam từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, đến nay, loại xe này vẫn luôn được giới đam mê chơi xe cổ ở Việt Nam yêu thích và tìm cách phục chế để Mobylette trở nên bắt mắt hơn.

Mobylette do công ty Motobecane của Pháp sản xuất. Những chiếc xe Mobylette đầu tiên được tung ra thị trường vào năm 1949 gần như ngay lập tức đã tạo ra một làn sóng hâm mộ cho giới chơi xe không chỉ ở Pháp mà trên khắp thế giới.

Vốn có mối giao lưu văn hóa với người Pháp từ thời thuộc địa, Việt Nam nhanh chóng trở thành thị trường tiêu thụ loại xe đặc biệt này, nhất là ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Trong các ảnh tư liệu cũ về Sài thành trước 1975, chúng ta dễ dàng nhận thấy người dân thuộc nhiều giới sử dụng xe mang thương hiệu Mobylette trên đường phố. Nó như hình ảnh đại diện gắn với đời sống thành thị trong một thời lịch sử.

oto27 cacloaixe

Các loại xe Mobylette.

oto25

Đồng hồ đo tốc độ của xe Mobylette.

oto18

Logo trên bình xăng xe Mobylette.

oto22

Bàn đạp xe Mobylette.

oto20

Hệ thống máy xe Mobylette.

oto19

Hệ thống bình xăng, máy và bàn đạp xe Mobylette được thiết kế rất hài hòa và sang trọng.

oto15

Tay lái và đèn pha xe Mobylette.

Mobylette gắn bộ động cơ hai thì, vận hành chạy bằng xăng pha nhớt, muốn khởi động phải đạp bàn đạp cho máy nổ sau đó mới chạy được. Tốc độ của Mobylette có thể lên tới 48km/h. Nó cũng có thể chuyển sang đạp bằng đôi chân khi bất ngờ hết xăng dọc đường. Thập niên 1970 đánh dấu thời kỳ đỉnh cao trong quá trình lớn mạnh của Mobylette khi số lượng sản xuất vượt quá 14 triệu chiếc. Tính đến năm 1997, khi Mobylette ngừng sản xuất, trong suốt gần nửa thế kỷ tồn tại, mỗi năm hãng cho ra đời khoảng 750.000 chiếc. Việc không một chiếc Mobylette nào xuất xưởng nữa từ năm 1997 nên giá trị của nó ngày càng được nâng lên tỉ lệ thuận với niềm đam mê của giới yêu xe cổ.

Mobylette chia làm ba đời: Đời đầu chiếc xe có màu đen và màu hột gà. Sườn xe giống như sườn xe đạp, có ba đũa, mỏng manh và chưa có phuộc nhún, bình xăng nằm phía dưới yên xe. Sang đến đời thứ hai, xe có màu xám, sườn xe được làm lại to hơn, chắc chắn hơn và có phuộc nhún, bình xăng nằm dưới yên xe. Đời thứ ba, xe chuyển sang màu xanh, bình xăng được chuyển lên nằm ở kế cổ xe.

Hiện Việt Nam có nhiều hội, nhóm Mobylette, nơi tập trung những người có chung niềm đam mê, kỷ niệm với chiếc xe động cơ nhỏ nhắn này. Nhiều người chơi đã dốc tâm huyết sưu tầm từng chi tiết nhỏ để phục chế chiếc xe của mình đảm bảo được tính nguyên bản và độc đáo. Họ sưu tầm những chiếc xe cổ, rồi mang về tự phục chế hoặc thường là đưa ra tiệm uy tín làm mới với niềm tin tạo ra cho mình một chiếc xe gần gũi, “cổ điển” nhất. Nhiều chi tiết phục chế lại bằng cách đánh bóng, săn lùng phụ tùng từ nước ngoài, từ những người sưu tập xe cổ mua đi bán lại.

oto13

Anh Đặng Thanh Trí bên những chiếc xe Mobylette do chính mình làm lại.

oto2

Anh Đặng Thanh Trí đang phục chế, tân trang lại xe Mobylette.

anh_42

Anh Đặng Thanh Trí làm lại hệ thống điện xe Mobylette.

oto4

Một người thợ ở tiệm xe Năm Trí đang phục chế, tân trang lại xe Mobylette.

oto10

Cẩn thận lau chùi từng chi tiết của chiếc xe.

oto14

Các phụ tùng của xe Mobylette tại tiệm Năm Trí.

Tiệm Năm Trí nằm trên đường Trường Chinh, phường Tân Hưng Thuận, quận 12, Tp. Hồ Chí Minh từ lâu đã nổi tiếng trong việc phục chế, tân trang lại xe Mobylette. Anh Đặng Thanh Trí, 47 tuổi, là người đã gắn với niềm đam mê dòng xe hai thì này từ năm 13 tuổi. Sẵn vốn hiểu biết của mình, anh Trí đã làm nghề sửa chữa, phục chế Mobylette hơn 20 năm nay. Tùy theo yêu cầu của người chơi xe, nhiều chiếc Mobylette tưởng chừng chỉ để bán phế liệu, nhưng qua bàn tay anh Trí và đội ngũ thợ lành nghề của anh, đều trở thành những chiếc xe độc đáo, bắt mắt. Từ kiểu dáng đến các món “đồ chơi” như vè (chắn bùn), ốc, công tắc đèn, pedal (bàn đạp)… đều trở nên bền đẹp, giữ được nét đẹp đặc trưng của chiếc Mobylette nguyên bản.

Theo Nguyễn Vũ Thành Đạt – Lê Minh/Báo Ảnh Việt Nam


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: