Cứ mỗi độ Trung thu về, các con hẻm dẫn vào xóm đạo Phú Bình (quận 11) lại nhộn nhịp hẳn lên, cảnh người mua kẻ bán tấp nập, đông vui như hội. Không chỉ riêng thị trường TPHCM, lồng đèn ở đây còn được bán đi khắp các tỉnh trong cả nước… Xóm lồng đèn hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn hối hả mùa Trung thu Xóm lồng đèn giấy kiếng hồi sinh giữa Sài Gòn Làng nghề hơn 50 năm Từ ngoài đầu đường, men theo những con hẻm đi sâu dần vào ở xóm đạo Phú Bình, chúng tôi cảm nhận được mùi tre nứa, mùi sơn, mùi giấy kiếng phảng phất như muốn níu chân người ở lại, khiến cho chúng ta như trở về tuổi thơ… Làng nghề làm lồng đèn nổi tiếng ở Sài Gòn nằm trong cư xá Phú Bình, quận 11, xuất phát từ làng nghề ở Bác Cổ, Nam Định. Những người thợ làm lồng đèn vào Nam truyền nghề của cha ông cho con cháu và được cư dân xóm đạo Phú Bình gìn giữ đến ngày nay. Những ngày này, xóm lồng đèn Phú Bình (quận 11, TPHCM) lại nhộn nhịp hẳn lên vì đang trong giai đoạn nước rút để chuẩn bị đón một mùa Trung thu nữa lại về. Mặc dù những hộ gia đình làm lồng đèn giấy kiếng truyền thống ở xóm này không còn nhiều như trước, nhưng đâu đó người ta vẫn thấy không khí tươi vui hơn mỗi lần bước chân vào đây. Hàng chục năm nay, xóm lồng đèn Phú Bình luôn là nơi cung cấp lồng đèn lớn nhất cho TPHCM, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung. Hơn 10 năm về trước, cứ đến tháng Bảy, xóm lồng đèn Phú Bình rực rỡ trong sắc đỏ của những chùm đèn treo lơ lửng. Nhà nào cũng ngập tràn lồng đèn vừa làm xong, chờ xe đến chở đi khắp mọi nơi, đem lại niềm vui cho trẻ em cả nước trong đêm hội trăng rằm. Nhà nào có tiếng, được “đặt hàng” trước thì bắt tay làm từ đầu tháng Giêng, ít thì đợi đến tháng Ba, tháng Tư. Phần lớn các khâu lên khuôn, dán giấy bóng kính phải hoàn thiện trước tháng Bảy để còn kịp tung ra thị trường dịp Rằm Trung thu. Đèn ông sao vẫn là mặt hàng phổ biến và được đặt làm nhiều nhất mỗi dịp Tết Trung thu Nếu như những năm trước, do ảnh hưởng thị trường, xóm lồng đèn chỉ còn thưa thớt thì nay tình cảnh đã khác. Đặc biệt mùa Trung thu năm nay, xóm lồng đèn lại được dịp nhộn nhịp chuẩn bị lồng đèn giấy kiếng. Chị Thoa, một người làm lồng đèn trong xóm cho biết: “Mọi người đang quay trở lại với lồng đèn truyền thống. Đây là dấu hiệu đáng mừng với xóm nghề của chúng tôi”. Ông Nguyễn Văn Khánh – một nghệ nhân với thâm niên hơn 30 năm trong nghề, cho biết dịp cận Tết Trung thu của khoảng ba năm trước, tình hình rất èo uột khi đơn hàng mỗi ngày không quá 100 chiếc. Tuy nhiên, năm nay tình hình đã khá hơn cả gia đình ông đều vào việc, mỗi người phụ trách một công đoạn để sản xuất cho kịp đơn hàng với số lượng lớn. Theo nghệ nhân Khánh, làm một chiếc đèn tốn nhiều công đoạn như nhập tre từ Bình Phước, phơi và chẻ tre, làm khung, dán giấy kiếng và trang trí sản phẩm. “Nhiều công như vậy nhưng một chiếc đèn thường có giá từ 12.000 đồng đến 60.000 đồng. Trung bình mỗi chiếc lồng đèn Phú Bình phân phối cho đầu mối tại Chợ Lớn có giá dao động khoảng 14.000 đồng. Lồng đèn ngôi sao kích thước lớn từ 0,8 – 1,5 mét giá hơn 120.000 đồng mỗi chiếc. Một nghệ nhân chuyên sản xuất mẫu lồng đèn hình thù động vật, cho biết chế tác mỗi sản phẩm hoàn chỉnh thường tốn rất nhiều thời gian. Tre làm khung phải sử dụng loại nhập về từ Bình Phước, vót thành từng nan mỏng để uốn dẻo và cố định hình dạng. Giữ nghề truyền thống Dù đã khá hơn so với 3 năm về trước, nhưng nhìn chung thời “hưng thịnh” của xóm lồng đèn không còn, ngoài những hộ chuyển hẳn sang bày bán, kinh doanh lồng đèn thì chỉ còn một số ít hộ gia đình như ông Khánh còn giữ được truyền thống sản xuất thủ công. Tuy đã hơn 60 tuổi nhưng trong từng động tác vót tre, dán giấy bóng kính, ông Uyển làm một cách thuần thục. Để làm được một chiếc lồng đèn phải qua các công đoạn như vót tre, tạo khung, dán giấy bóng, cọ vẽ, gắn đồ trang trí… Dưới bàn tay của người nghệ nhân già từng động tác được thực hiện một cách thanh thoát. Đằng sau những lồng đèn xinh xắn mang lại tiếng cười cho trẻ thơ là những người vẫn còn say mê với giá trị văn hóa truyền thống, là những người còn nặng lòng với nghề làm lồng đèn thủ công như ông Uyển. Mỗi chiếc lồng đèn như đèn ngôi sao, con voi, cá, thuyền… to bằng nửa thân người được ông Uyển bán ra có giá từ 250.000 đồng. Những loại đòi hỏi sự cầu kỳ như lồng đèn rồng, thiên nga có giá từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Mùa Trung thu năm nay, gia đình ông Uyển bán hết 1.500 chiếc lồng đèn các loại. “Tôi không làm lồng đèn cỡ nhỏ giống như nhiều hộ vì thị trường có rất nhiều. Phải tìm hướng đi khác mới làm phong phú và thu hút được nhiều loại khách hơn” – ông Uyển nói. Với kiểu sản xuất theo đơn đặt hàng nên càng cận ngày Tết Trung thu gia đình ông Uyển không còn bận rộn như các hộ khác mà đã ngưng làm. Ông cho biết, các hộ sản xuất lồng đèn cỡ nhỏ theo lối truyền thống ở xóm Phú Bình này vẫn miệt mài làm quanh năm suốt tháng. Riêng gia đình ông chỉ làm lồng đèn để bán vào hai dịp là Tết Trung thu và lễ Giáng sinh. “Trẻ con bây giờ rất thích các loại lồng đèn giấy in hình siêu nhân, công chúa hay đèn điện tử phát tiếng nhạc. Nhưng không vì thế mà lồng đèn truyền thống Phú Bình bị mai một. Bằng chứng là những năm gần đây số hộ quay lại làm nghề ngày một tăng. Hi vọng trong tương lai, lồng đèn truyền thống vẫn được trẻ con khắp nơi vui rước mỗi dịp Trung thu về, để làng nghề Phú Bình được lưu giữ” – ông Khánh hồ hởi. Theo giaoducthoidai