Từ 1-1-2024, TP.HCM chính thức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè với mục tiêu giúp công tác quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè quy củ, nề nếp hơn, đồng thời có được nguồn thu để duy tu, bảo trì hạ tầng… Các tiểu thương hàng rong vẫn chưa biết được phép bán ở khu vực nào sau khi có vạch kẻ vàng trên đường Phan Chu Trinh, quận 1, TP.HCM – Ảnh: T.T.D. Khâu chuẩn bị đến nay như thế nào và thủ tục để thuê vỉa hè ra sao? Rục rịch chuẩn bị Những ngày này, nhiều người đi lại qua khu trung tâm TP.HCM đã không khỏi bất ngờ khi thấy nhiều vạch kẻ sơn màu vàng xuất hiện trên một số vỉa hè, xe máy được sắp xếp ngăn nắp trên những tuyến đường có kẻ vạch này. Các lề đường vẫn chừa lối rộng cho người đi bộ. Ngày 18-12, đi một vòng khu vực quận 1, Tuổi Trẻ ghi nhận một số tuyến đường như Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… đã được sơn vạch kẻ màu vàng với bề rộng tầm 2m, tính từ điểm giáp lòng đường trở vào. Phần lề đường được kẻ vạch này được sắp xếp hàng dài xe máy rất trật tự. Phía bên trong vạch kẻ vẫn còn lối đi rộng cho người đi bộ thoải mái. Không chỉ kẻ vạch, UBND quận 1 cũng đẩy nhanh sửa chữa vỉa hè, đường sá để đáp ứng nhu cầu đi lại, sử dụng của người dân và chỉnh trang hạ tầng đô thị. Việc này được đông đảo người dân quận 1 và TP.HCM rất ủng hộ. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Thanh Bình – phó Phòng quản lý đô thị quận 1 – cho biết đây cũng là bước chuẩn bị cho công tác thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè sắp tới. Khi người dân có nhu cầu về không gian buôn bán phía trước nhà (vỉa hè) thì có thể đăng ký và nộp phí để sử dụng. Hiện nay, quận 1 có khoảng 54 tuyến đường mà vỉa hè đủ điều kiện tổ chức dùng tạm một phần cho việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán. Các vị trí cụ thể ở đâu sẽ được các phường lập danh sách theo từng đoạn đường trong những ngày tới. “Cơ quan chức năng phải đảm bảo các vị trí mà người dân muốn kinh doanh, buôn bán có đủ diện tích cho người đi bộ an toàn” – ông Bình chia sẻ thêm. Tại những khu vực vỉa hè đủ điều kiện buôn bán, kinh doanh, cơ quan chức năng sẽ kẻ vạch theo nhu cầu, diện tích mà người dân cần, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm sang nhà khác hay lấn ra chỗ dành cho người đi bộ. “Ngoài ra, quận 1 xác định có một số điểm trên 16 tuyến đường, dàn trải trên 10 phường có đủ điều kiện tổ chức để xe có thu phí. Chúng tôi sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức để xe ở cạnh các công viên, công trình nhà nước… có diện tích rộng, không chắn trước nhà dân”, ông Bình nói thêm. Ngoài ra, quận 1 cũng khảo sát 82/85 đường có vỉa hè đủ điều kiện tổ chức để xe miễn phí và sẽ kẻ vạch trong thời gian tới. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số quận, huyện khác cũng chia sẻ đang rà soát, lập danh mục những khu vực đủ điều kiện để lên kế hoạch sử dụng cụ thể, đảm bảo phù hợp và thống nhất với các đơn vị tại TP.HCM. Thủ tục cấp phép ra sao? Khi thấy những vạch kẻ để chỉnh trang lại vỉa hè, nhiều người dân cho hay họ đồng tình ủng hộ, mong muốn việc sử dụng, quản lý lòng đường vỉa hè sao cho nề nếp và quy củ hơn. Chị Thảo Như (ngụ phường Bến Thành, quận 1) cho biết trước nay nhiều tuyến đường, vỉa hè ở quận 1 bị lấn chiếm khiến người đi bộ bức xúc vì không có chỗ đi. Với hy vọng việc quy hoạch mới này giúp đô thị dần ngăn nắp nên người dân không có gì phải phàn nàn và mong sớm đồng bộ trên các vỉa hè, đường đủ điều kiện. “Nhà tôi cũng như nhiều hộ khác sẵn sàng đề xuất đóng phí để có thể dùng phần vỉa hè trước nhà để kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần xem xét mức phí phù hợp và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh trật tự trên tất cả tuyến đường, tránh việc lấn chiếm, làm ăn không sòng phẳng…” – chị Như nêu ý kiến. Vậy người dân có nhu cầu sẽ phải chuẩn bị những thủ tục gì để được cấp phép? Ông Dương Thanh Bình cho hay đơn vị, hộ dân có nhu cầu cần lập một bộ hồ sơ gồm đơn đề nghị cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường hoặc hè phố (theo quyết định số 32), bản vẽ vị trí mặt bằng đề nghị cấp phép (có đầy đủ thông tin vị trí sử dụng, diện tích cần, phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông) và gửi đến UBND quận 1. Đối với trường hợp dùng chỗ làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ xây dựng công trình, hồ sơ phải kèm theo giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu). Các văn bản pháp lý khác được chấp thuận về chủ trương (nếu có) liên quan đến nhu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép dùng. Sau đó nộp hồ sơ và nhận kết quả (trực tiếp hoặc qua bưu chính) tại văn phòng UBND quận. Các tuyến đường, vỉa hè mà người dân đề xuất dùng kinh doanh phải đáp ứng đủ quy định và ưu tiên chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ. Đảm bảo độ bền, chịu lực của vỉa hè, hạ tầng kỹ thuật và mỹ quan đô thị. Khi được đơn vị cấp phép, người dân phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định, pháp luật hiện hành. “Đội quản lý trật tự đô thị của 10 phường ở quận 1 sẽ theo dõi sát sao, thường xuyên đi kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tạm thời hè phố. Đồng thời thống nhất diện tích phục vụ kinh doanh dịch vụ, các hoạt động trông, giữ xe có thu phí và để xe máy miễn phí cùng hướng dẫn việc sắp xếp kinh doanh phù hợp với từng tuyến đường. Người dân, đơn vị nào làm sai quy định hoặc bị nhắc nhở phạt hành chính trên hai lần sẽ bị thu hồi giấy phép sử dụng vỉa hè” – ông Bình khẳng định. Vỉa hè một số đường ở quận 1, TP.HCM đã được kẻ vạch sơn để xe máy riêng biệt với phần dành cho người đi bộ – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN Giải quyết hài hòa quyền lợi người dân Đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết hiện các quận, huyện đang rà soát, chuẩn bị việc cho thuê tạm vỉa hè, lòng đường. Ngoài mục tiêu hoàn chỉnh các quy định trong công tác quản lý nhà nước, góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại thì việc thu phí này còn bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Bà Nguyễn Thị Minh Sáu – cán bộ Mặt trận một phường ở quận Bình Thạnh – cho rằng tới đây việc thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè chính thức triển khai sẽ giúp giải quyết hài hòa lợi ích của người dân. Bởi khi đó, những tuyến đường nào, khu vực nào được bày hàng quán buôn bán sẽ được công bố và có mức phí cụ thể. Những nơi nào cần trả lại đường sá cho người dân đi lại phải trả chứ không để lôi thôi, nhếch nhác. Địa phương có trách nhiệm giám sát, quản lý, xử lý nghiêm trường hợp lấn chiếm, vi phạm, cản trở giao thông. Thậm chí cử lực lượng để dọn dẹp lòng lề đường, sử dụng lòng đường, vỉa hè hợp lý, bài bản làm đẹp đô thị. Có biện pháp xử lý người lấn chiếm PGS.TS Vũ Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Trường đại học Việt Đức, cho rằng TP.HCM muốn quản lý trật tự lòng lề đường thật sự nề nếp, thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè thật hiệu quả thì chú trọng thay đổi thói quen người dân. Trước hết, các đơn vị tập trung chỉnh trang lại đường sá, vỉa hè rồi mới kẻ vạch, phân rõ các khu vực nào dùng để làm gì… Có phương án quản lý người thuê, kiểm tra và xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm để ngăn lấn chiếm, tái phạm. Ở các nước họ thu phí để quản lý rất hiệu quả, nguồn kinh phí thu được dùng để đầu tư hạ tầng, sửa chữa, nâng cấp vỉa hè… Cùng với đó, trường hợp những người buôn gánh, bán bưng thì nghiên cứu thêm biện pháp tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ để họ sử dụng lòng đường, vỉa hè đúng quy định. Theo Tuổi Trẻ Online