Người thả những cánh diều cho món ăn quê nhà


Những ngày đầu xuân, đến 7-Eleven, không khỏi ngạc nhiên khi thấy những món ăn quê nhà được bày bán như một quán ăn nhỏ truyền thống, nhưng được khoác lên mình chiếc áo mới, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và… sang chảnh!

Ẩm thực Sài Gòn qua góc nhìn người trẻ

Hành trình ẩm thực Sài Gòn

Không chỉ giới trẻ, mà hầu hết nhân viên văn phòng, người lớn tuổi đều ưa chuộng những món ăn đường phố như hột vịt lộn sốt me, bò bía, gỏi cuốn, xôi lá cẩm, phở trộn… và có cả…bánh tráng trộn! Ít ai biết, 50% sản phẩm thức ăn tươi của 7-Eleven đều của Saigon Food. Với tham vọng 2000 tỷ cho năm 2018, thị trường thức ăn tươi đang mở ra một hướng đi đầy tiềm năng cho những món ăn quê nhà.

Lê Thị Thanh Lâm, người đàn bà đầy bản lĩnh của Saigon Food, bằng tất cả thiên tính nữ và những trải nghiệm đặc biệt của một tuổi thơ dữ dội, đã thổi hồn vào bữa ăn tươi cho người Việt ở mọi phân khúc với những món ăn bình dị nhất như bữa cơm mẹ nấu. Xinh đẹp, nhiệt huyết, hết lòng vì giới trẻ khởi nghiệp, cuốn sách vừa ra đời của “Người bán xôi cho 7-Eleven” mang tên Người thả diều là những gửi gắm chân thành để nuôi dưỡng ước mơ.

Kinh doanh… ký ức!

“Tôi đã áp dụng cách thức chế biến những món ngon gia truyền từ mẹ nấu để đưa vào sản xuất công nghiệp, xem đó như vốn quý mình đã thừa hưởng, mà không trường lớp nào đào tạo được. Nhưng không phải trường hợp nào cũng thành công. Đó là một trong những kinh nghiệm xương máu đối với Saigon Food và với bản thân tôi”. Chị Thanh Lâm chia sẻ.

Ngay từ khi thành lập, chiến lược song song vừa nội địa vừa xuất khẩu đã tạo một thế kiềng hai chân vững chãi và mang tính tiên phong cho Saigon Food, để tạo doanh thu đột phá cho lĩnh vực thủy hải sản. Hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật với hơn 30 năm lặn lội trong lĩnh vực thủy hải sản, con người kinh doanh và trái tim người phụ nữ đã hòa quyện làm một trong chị, để biến Saigon Food trở thành trợ thủ đắc lực cho những người phụ nữ khi trở về nhà với bữa cơm gia đình.

Sản phẩm tiên phong tạo nên thương hiệu Saigon Food có lẽ là dòng sản phẩm lẩu hải sản đông lạnh, lẩu Thái, lẩu mắm… có gói nước dùng. Đưa hương vị miền Tây vào một món ăn rất đặc trưng cho vùng sông nước, bí quyết để hình thành loại nước lẩu đậm đà ấy của đội ngũ R&D chính là dùng những phụ phẩm giá trị như nước luộc hải sản, xương cá, da cá hồi… có vị ngon hợp với người Việt.

Phó Tổng giám đốc Saigon Food Lê Thị Thanh Lâm.

Phó Tổng giám đốc Saigon Food Lê Thị Thanh Lâm.

Tôi còn nhớ cứ mỗi lần Tết đến, món quà mà chị Thanh Lâm dành tặng bạn bè thân thiết chính là cái thùng xốp chứa món lẩu hải sản này. Nó trở thành một “tín hiệu”, một cách nhận biết về thương hiệu với hướng đi thật gần gũi. Biết bao thử nghiệm, tìm ra công thức chuẩn và cách bảo quản, tìm kiếm nguồn nguyên liệu tươi ngon nhất… “người đàn bà của chợ” ấy đã dồn hết tình yêu thương và những kinh nghiệm riêng có vào những món ăn đồng quê cho Saigon Food.

Thời thơ ấu, bà ngoại chị là một nghệ nhân ẩm thực, hay nói giản dị hơn là một thợ nấu tiệc nổi tiếng một vùng. Mỗi khi làng xóm có tiệc, bà đều được mời làm “bếp trưởng”. Dịp Tết đến, bà làm rất nhiều loại bánh như bánh in, bánh phồng, bánh tráng,bánh nhân dừa, bánh con đuông… sau khi ngoại mất, mẹ chị là người kế nghiệp. Ở đâu có đám mẹ cũng được mới đến nấu. Chị lũn cũn theo phụ mẹ, khi mẹ làm món mặn thì chị làm món ngọt. Theo mẹ riết chị dần có kinh nghiệm để xử lý từng món ăn. Đơn giản như món thịt luộc, khi làm nước chấm thì phải làm sao cho thật hấp dẫn. Đến khi làm thực phẩm, ký ức về những đám tiệc linh đình ở quê xưa lại ùa về. Dòng sản phẩm lẩu mắm đầu tiên của Saigon Food được ra đời từ ký ức đó. Nhiều năm sau đó, món lẩu được yêu thích, khi nhắc đến Saigon Food, người tiêu dùng vẫn gọi tên là “công ty Lẩu”.

Nhưng từ truyền thống ẩm thực gia đình đưa vào sản xuất công nghiệp cũng đầy thử thách. Tôm chua là món ăn truyền thống ngày Tết ở miền Tây. Mỗi năm tết đến, mẹ chị làm đủ loại bánh mứt, nhưng đậm vị Tết nhất là hũ tôm chua đỏ thắm, thơm lừng,chỉ nhìn thôi đã thấy thèm. Bí quyết làm nên những hũ tôm chua “danh bất hư truyền” của mẹ là tôm tép bắt ngay từ con sông trước nhà nên vẫn còn tươi rói. Thời gian dần trôi, mẹ càng già yếu, món ngon ngày Tết cũng thưa dần, nhưng món tôm chua thì năm nào cũng có.

Năm 2010, khi mẹ mất, chị nghĩ sao một món ăn truyền thống hấp dẫn như vậy lại không đưa vào sản xuất công nghiệp để phục vụ mọi người? Đặt hàng cho phòng R&D, nhưng chị không biết rằng nếu đưa ra thị trường, sản phẩm phải để lâu tối thiểu là sáu tháng. Mắm để lâu thì ngon nhưng tôm chua để lâu sẽ bị xuống màu. Mà thực phẩm xuống màu thì khó lòng bán được. “Năm đó, tôi đã không có tết. gần sáu tháng sau đội ngũ bán hàng của chúng tôi đã vất vả lắm mới bán hết số hàng tồn kho. Tôi cay đắng nhận ra rằng muốn cho ra đời sản phẩm mới không chỉ dựa vào kinh nghiệm, sự đầu tư, mà phải nghiên cứu kỹ từ thị trường đến công nghệ”.

Sản phẩm tạo doanh thu chủ lực hiện nay cho Saigon Food là cháo tươi, đòi hỏi một quy trình công nghệ tiên tiến và nghiêm ngặt, để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, nhất là các bé thơ. Làm sao để giữ nguyên hương vị tươi ngon cho món cháo lươn, cháo cá, cháo tổ yến…?

Chị Thanh Lâm chia sẻ: “chúng tôi quản trị bằng cảm xúc , bằng tình yêu thương, được cụ thể hóa bằng qui trình, công thức. Truyền thông cho người lao động hiểu và quan tâm sản phẩm như những đứa con. Ai trong chúng ta cũng đều là những đứa con, cảm nhận sâu sắc tình yêu của cha mẹ dành cho mình. Những người đã và đang làm cha làm mẹ thì càng thấm thía hơn. Cho nên khi đem tình cảm gia đình, tình thương đến những đứa con chắc không cần phải giải thích nhiều, hướng dẫn nhiều. Cần trân trọng, chăm chút con như ông bà mình đã có câu “chăm như chăm con”.

Sài Gòn Food là nơi lao động nữ chiếm đa số, với tình cảm và thiên chức làm mẹ, nhất là truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, tình cảm ấy không chỉ là những việc làm tỉ mỉ , mà còn bao la, là kết tinh của sự hy sinh quên mình nữa.

Gần một tháng nay không khí làm việc tại Sài Gòn Food sôi động như Tết, chưa bao giờ việc tung sản phẩm mới lại sôi động như vậy. Gần 50 sản phẩm bữa ăn tươi cung cấp cho cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ra thị trường. Thật vui khi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng và càng vui hơn khi sản lượng tiêu thu vượt xa dự báo.

Các chuyên gia Nhật Bản cũng ngỡ ngàng vì sản phẩm ngon và đẹp lung linh! Còn nhớ năm 2007, tôi có thời gian ở Singapore hai tháng, ngày nào cũng ăn sản phẩm này và ước mơ về một ngày công ty sản xuất ra những sản phẩm tương tự. Sau đó bốn năm, công ty đã đầu tư thiết bị nhập từ Đài Loan, nhưng làm trầy trật hoài mà sản phẩm vẫn khong đạt. Bí quá, chuyên gia Việt Nam ra tay cải tiến. Nhưng đúng là tiền nào của nấy, sản phẩm chỉ đạt mức trung bình. Và giờ đây với thiết bị và công nghệ mới của Nhật Bản, sản phẩm trong mơ đã thành hiện thực.

Suy nghĩ và ôn lại, dường như hầu hết dòng sản phẩm của Sài Gòn Food đều có một quá trình từ ý tưởng đến hiện thực và thành công khá lâu. Cháo tươi là 5 năm; Bữa ăn tươi là gần 10 năm, và thêm dòng sản phẩm mới này nữa, cũng là hành trình dài. Chỉ có dòng sản phẩm Lẩu ra đời đầu tiên mà tốc độ nhất! Từ ý tưởng đến lúc ra thị trường chỉ trong vòng … 5 tháng!

Từ khi Sài Gòn Food có dòng sản phẩm cháo tươi, một dòng sản phẩm phục vụ cho đối tượng khách hàng là trẻ em thì thông điệp truyền thông về tình yêu thương càng mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn. Đây là công thức “Cháo tươi Baby” của Sài Gòn Food: 20gr gạo nâng niu; 10gr thịt, tôm trìu mến; 05 gr bí ngô bình yên; 1 gr Vitamin tha thiết; 1 gr chất xơ chăm chút; 5 gr đường ngọt ngào; 10 gr dầu dinh dưỡng; Thêm 10 gr gia vị quan tâm… cùng hòa quyện nhau trong túi an toàn, nấu trong lửa yêu thương, tạo nên Cháo tươi tâm huyết mẹ dành cho con… Những gì từ trái tim sẽ cảm hóa được nhiều trái tim.

Suy nghĩ miên man về hành trình của sản phẩm mới cũng khiến tôi nhiều đêm mất ngủ. Thường thì mọi người hay mất ngủ mỗi khi lo buồn việc gì đó, nhưng tôi đâu có gì lo lắng buồn phiền. Vậy mà đêm qua cứ thao thức suy nghĩ miên man mãi .” Kiểm điểm “ từng việc mới giật mình với một ngày làm việc quá vất vả vì ….ăn. Ăn thử mẫu sản phẩm, ăn từ sáng sớm đến chiều. Sáng 5 món ăn chơi; Trưa 6 món ăn cơm; Chiều 3 món cải tiến… Khi tôi làm sản xuất và R&D, tôi yêu sản phẩm. Khi tôi làm kinh doanh tôi yêu khách hàng. Khi tôi làm nhân sự tôi yêu con người.Cám ơn đời đã cho tôi một trái tim đủ lớn, đủ nồng ấm để yêu tất cả, yêu chân thành những việc tôi đã và đang làm. Vậy là có thêm năng lượng mới, cho tình yêu con người thêm thăng hoa…”

Saigon Food hiện là nhà cung cấp thực phẩm tươi cho hầu hết các siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam như Coop Mart. Big C, Aeon, Lottermart, Cirlce K, Familymart… Để hiện thực hóa doanh thu 2000 tỷ năm 2018, Saigon Food đang tự làm mới mình, tái cấu trúc lại về cả quy mô lẫn sức mạnh nội tại. Tiếp sức cho giai đoạn chuyển mình này, việc ông Phan Quốc Công, nguyên CT HĐQT ICP về đã cùng với chị Thanh Lâm và bà Cao Thị Ngọc Dung bổ sung sức mạnh cho nhau, để tạo nên thế kiềng ba chân vững chãi, vượt qua sức ép cạnh tranh quyết liệt trong xu hướng trở lại với hương vị quê nhà của rất nhiều thương hiệu thực phẩm khác

Làm thế nào để chị có thể vượt qua những thách thức liên tục của kinh doanh, mà vẫn dành thời gian cho các startup? Thanh Lâm cười, nụ cười rạng rỡ quen thuộc của riêng chị: “Muốn thành công phải bền chí. Muốn bền chí phải trui rèn bản lĩnh. Bản lĩnh được hình thành từ những trải nghiệm đặc biệt trong cuộc đời mỗi người, không ai giống ai, để từ đó ta vụt lớn dậy, đầy rắn rỏi, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách ở phía trước.

Tôi bắt đầu cảm nhận những bất trắc của cuộc sống từ năm lớp 6. Hồi đó đi học phải tự chèo xuồng ba lá qua sông. Nỗi sợ hãi lớn nhất thủa thiếu thời với tôi là lúc đang chèo xuồng giữa dòng, khi đạn bắn biết núp vào đâu? Ngày nào đến trường cũng trong tâm trạng sợ hãi đó. Không biết bao nhiêu lần súng nổ, mình vắt hai vạt áo dài lên cổ, chèo cật lực qua sông…Bảy người con của cô tôi đã bị mooc chê bắn vào hầm khi đang ngủ, cả bảy người đều chết. Mẹ tôi đã lấy tên của đứa em đã chết là Nguyễn Thị Ánh Hồng làm giấy khai sinh cho tôi để được đi học, vì ba tôi đi kháng chiến nên má lần lữa nhiều lần không thể làm giấy khai sinh cho tôi. Những cái chết chất chồng của người thân khiến tôi từ nhỏ đã biết sống tự lập, sau này đối diện với khó khăn rất cứng cỏi, từ đó mà lớn lên.

Người ảnh hưởng lớn đối với tôi lúc nhỏ là bà ngoại và mẹ. Hai người thân yêu ấy đã cho tôi nhiều bài học ý nghĩa và gần như quyết định cách sống của tôi sau này. Với Ngoại, hễ trong nhà ai làm gì đó trễ nải hoặc không gắng sức, bà luôn nói: “ Coi chừng, lớn lên nghèo chết con ơi!”. Điệp khúc này của bà tôi thuộc nằm lòng. Câu nói đó ám ảnh tôi tới nỗi từ bé đã rất sợ nghèo. Trong suy nghĩ của tôi, cái nghèo còn sợ hơn cả chiến tranh, bom đạn. Dù ở nông thôn nhưng mỗi lần bước chân ra đường hay có khách đến nhà, quần áo của Ngoại lúc nào cũng chỉn chu, sạch sẽ, tươm tất. Mỗi lần chúng tôi trêu “ bà điệu”, bà thủng thẳng nói “ Tui diện là cho mấy người”.

Mẹ tôi là người chịu thương chịu khó, hình mẫu của phụ nữ truyền thống, tần tảo sớm hôm lo cho chín đứa trẻ gồm hai chị em tôi và những người con của cậu, dì tôi đi tham gia cách mạng gửi lại. Miếng ngon trong nhà mẹ chẳng bao giờ ăn, để dành hết cho con cháu. Mẹ làm nhiều, ngủ rất ít. Tôi học cách quán xuyến chu toàn mọi việc trong nhà và cách đối nhân xử thế của mẹ, không vì cái tôi mà bao giờ cũng nghĩ cho người khác, hãy cho trước rồi sẽ được nhận…

Do tầm ảnh hưởng của mình, trên thương trường rất nhiều người nghĩ tôi là chủ của Saigon Food, thực ra tôi chỉ sở hữu cổ phần nhỏ của công ty mà thôi… Dù trong vai trò làm thuê, tôi cũng làm việc hết mình như một người chủ. Tôi quyết trở thành người thả diều, chứ không chịu là lục bình trôi sông. Muốn là người thả diều, phải tạo ra giá trị bản thân, mang lại lợi ích cho người khác. Thương hiệu là lời hứa tình yêu, là cái hiệu được người ta thương, càng được nhiều người thương thì thương hiệu càng mạnh”.

Để nâng tầm những món quốc hồn quốc túy của Việt Nam, chị đã tìm tòi, moi ra trong ký ức mình, dùng khẩu vị quen thuộc để đưa vào hệ thống máy móc Nhật Bản. “Sản phẩm của Saigon Food là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ Nhật Bản và nguyên liệu Việt Nam. Món xôi sầu riêng, xôi lá cẩm xưa giờ nấu thủ công, do phòng A&D bận quá, mình mua nguyên liệu về tự làm ở nhà luôn, đổ khuôn kiểu mẹ làm ngày xưa, xôi bên ngoài nhân bên trong mang nét hiện đại như món xôi của Nhật Bản, nhưng mùi vị rất Việt Nam. Món xôi đã chinh phục ngay các chuyên gia Nhật Bản.

Hay món cá hấp ngoài chợ hay bán để trong cái rổ, chiên sơ dằm nước mắm hoặc kho măng, kho cà. Mùa cá bạc má, cá nục ào ạt về, hàng cá tươi dội chợ, người Việt từ sâu thẳm có cách đem hấp lên, hoặc luộc lên trong nồi nước với nồng độ muối rất mặn để bán được trong vài ngày. Saigon Food sử dụng công nghệ cao cấp hơn để ra cá hấp hạn sư dụng 2 tháng bán trong siêu thị.

Bữa ăn gia đình ở thời đại công nghệ cũng khác. Để phụ nữ đỡ vất vả, nhọc nhằn, thánh thơi hơn trong việc làm bếp là sứ mệnh của những người làm thực phẩm. Nói hơi văn chương là góp phần giải phóng phụ nữ ra khỏi gian bếp, mà vẫn duy trì không khí truyền thống. Hiện nay có trào lưu đi định cư nước ngoài. Khi hỏi tại sao có ý định đó? Nhiều người trả lời với tôi rằngở đây ăn dơ uống bẩn quá, người ta không dám ở. Khi bệnh hoạn rồi thì môi trường bệnh viện quá tệ. Giáo dục cũng tệ quá.Con người quan trọng nhất là ăn, học, sức khỏe, cả ba đều tệ không được thì làm sao ở lại? Đó là nỗi đau của người làm thực phẩm chân chính”.

Trong cuốn sách Người thả diều vừa xuất bản của chị, có rất nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh, xây dựng thương hiệu lần đầu tiên được tiết lộ. Cả những kinh nghiệm đầy ứng biến trong xử lý khủng hoảng truyền thông, biến nguy thành cơ một cách ngoạn mục với phương châm “Không điều “tồi” nào “tệ” hết, nếu chúng ta minh bạch mọi chuyện, ứng biến kịp thời để xử lý và chuyển hóa tình hình. Điều đó cũng nhờ xuất phát từ tinh thần mạnh mẽ trong nỗ lực bảo vệ sự thật, bằng mối quan hệ tốt với giới truyền thông”. Nhiều sinh viên tìm đọc và rất thích, nhiều giám đốc đọc xong mua tặng cho nhân viên… đến nay Saigonbooks đã tái bản lần hai.

“Nhiều bạn trẻ hỏi tôi làm việc, viết sách, chia sẻ với starup… vậy chị lấy thời gian đâu để ngủ?Tôi nghĩ chắc mình… làm việc cả trong lúc ngủ quá! Câu chuyện về chàng Lang Liêu với sự tích bánh chưng bánh dày có chi tiết đêm về được thần linh báo mộng, nhưng tôi có cách lý giải riêng. Thực ra do đêm ngày suy nghĩ, ấp ủ, đến lúc nào đó bật ra ý tưởng thôi. Nếu cứ lướt qua, không đầu tư thì làm sao ra được ý tưởng. Thực sự tôi cũng nhiều đêm mất ngủ. Cái chính là ham làm. Với môi trường khởi nghiệp, mình cũng học được nhiều, cũng trẻ ra. Đó là học tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhiều khi mình cũng mệt mỏi, lừ đừ, gặp các bạn cũng bị lây cái tích cực của họ, chia sẻ kinh nghiệm miệt mài hơn…tạo niềm vui.

Ngày xưa ông bà nói mọi sự thành công đều phải có Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa, nhưng mỗi người hiểu khác nhau. Tôi nghĩ thiên thời chính là cơ hội, là môi trường. Địa lợi là nội lực, bao gồm con người, lãnh đạo, đội ngũ, kiến thức bên trong doanh nghiệp… Nhân hòa là mối quan hệ bên trong và bên ngoài, đối tác, chính quyền, cộng đồng. Không ngừng phát huy nội lực, xây dựng văn hóa để có mối quan hệ nội bộ tốt, luôn coi chữ tín hàng đầu… Tổng hòa các mối quan hệ là vốn tự có của DN lớn lắm. Nếu không khó phát triển bền vững được”.

Theo khoahocphattrien    


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: