Nếu ở Sài Gòn lâu năm, chắc hẳn nhiều người sẽ quen thuộc với tiếng rao “Bánh giò nóng đây” vào mỗi đêm khuya thanh vắng… Những chiếc bánh giò nóng hổi được ủ trong thùng xốp theo chân người bán dạo rong ruổi khắp các ngõ hẻm, xóm trọ Sài Gòn hẳn đã trở thành một hình ảnh đầy thân thương trong kí ức nhiều người. Nếu bánh giò ở Hà Nội được bày bán ở tiệm, có bàn ghế cho khách đến ngồi ăn hẳn hoi, thì ở Sài Gòn (dù bây giờ một vài nơi đã được bán trong những chiếc tủ kính nhỏ) khách vẫn thích mua về nhà, tỉ mỉ lột bỏ lớp lá chuối rồi thưởng thức chiếc bánh còn nóng hổi, thơm phức bên trong. Phải tỉ mỉ và cẩn thận thì mới gói được những chiếc bánh đều đẹp và chắc chắn Bánh giò dân dã lắm, bởi thế các nguyên liệu làm nên chiếc bánh cũng quen thuộc và gần gũi biết mấy. Vỏ bánh được làm từ gạo tẻ ngon xay nhuyễn, nhân bánh chỉ đơn giản với thịt nạc vai băm nát trộn cùng ít mộc nhĩ (nấm mèo) và thêm chút gia vị. Đôi khi người bán cho thêm một quả trứng cút luộc để phần nhân trông đủ đầy hơn. Nhưng bánh có ngon, có thơm hay không thì không thể nào thiếu lớp lá chuối xanh tươi dùng để gói. Thế nên, dù có lột bỏ lá gói bên ngoài thì khi nhâm nhi chiếc bánh, người ăn vẫn còn nghe thoảng mùi thơm nhẹ nhàng của lá chuối thấm qua lớp vỏ bánh mịn màng. Làm bánh giò không khó, nhưng để có được lớp vỏ mịn thì phải để ý đến khâu nấu bột. Gạo tẻ sau khi được xay nhuyễn thường được pha thêm tí muối cho đậm đà, sau đó được bắc lên bếp khuấy đều tay để bột khỏi vón cục. Đến khi bột nửa sống, nửa chín thì đem ra gói ngay, có như thế thì khi hấp lên, bánh mới mềm mịn và thơm tho được. Phần nhân bánh thông thường được chuẩn bị trước. Chỉ cần đun ít mỡ hay dầu ăn trong chảo cho nóng, phi thơm hành rồi cho thịt nạc cùng mộc nhĩ vào đảo đều, nêm nếm chút muối tiêu là được. Lá chuối để gói bánh nhất định phải còn tươi thì bánh mới thơm. Sau khi rửa sạch và lau khô, người làm bánh gấp lá thành hình phễu rồi cho một lớp bột vào, múc một muỗng nhân lên trên, sau đó cho thêm một lớp bột lên phần nhân rồi gói lại. Phải tỉ mỉ và cẩn thận thì mới gói được những chiếc bánh đều đẹp và chắc chắn. Bánh sau khi gói được xếp đều vào xửng, hấp chừng 20 đến 25 phút, đến khi bánh tỏa ra mùi thơm và lớp lá chuối ngả màu xanh sẫm là chín. Gần chục năm trước, thời còn là sinh viên, tôi sống cùng hai đứa bạn thân trong khu nhà trọ gần chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh). Cứ vào mỗi mùa thi, khi phải thức khuya ôn bài là cả đám lại mong chờ tiếng rao của cô bán bánh. Chẳng cần phải rủ rê, mỗi khi nghe tiếng rao khàn khàn quen thuộc là cả bọn chạy ào ra cửa, í ới gọi cô dừng lại để mua những chiếc bánh nóng hổi, tự thưởng cho những cái bụng đang sôi lên vì đói. Cả bọn vừa trò chuyện, vừa nhâm nhi chiếc bánh giò với lớp vỏ bột gạo mịn màng, phần nhân béo ngậy thơm nức mà thấy ấm lòng. Những chiếc bánh giò mộc mạc mà thơm ngon đó cứ thế đi theo chúng tôi qua bao mùa thi của quãng đời sinh viên đáng nhớ. Đã bao năm rồi tôi không về thăm lại Sài Gòn, mong lắm một lần được thức khuya tám chuyện cùng mấy đứa bạn thân, được nghe tiếng rao khàn đặc nhưng lại đủ để xé tan màn đêm tĩnh mịch và xoa dịu đi trong tôi cái nỗi nhớ khôn cùng về Sài Gòn của những ngày cuối năm se lạnh… Làm bánh giò không khó, nhưng để có được lớp vỏ mịn thì phải để ý đến khâu nấu bột Lá chuối để gói bánh nhất định phải còn tươi thì bánh mới thơm Nếu bánh giò ở Hà Nội được bày bán ở tiệm, có bàn ghế cho khách đến ngồi ăn hẳn hoi, thì ở Sài Gòn khách vẫn thích mua về nhà, tỉ mỉ lột bỏ lớp lá chuối rồi thưởng thức chiếc bánh còn nóng hổi, thơm phức bên trong. Bánh sau khi gói được xếp đều vào xửng, hấp chừng 20 đến 25 phút, đến khi bánh tỏa ra mùi thơm và lớp lá chuối ngả màu xanh sẫm là chín Theo Hương Đặng/Sài Gòn ẩm thực