Ravioli In Carta Di Riso “Nem ran Luglio” – Ravioli bánh tráng “nem rán tháng bảy” là món ăn đầu tiên trong Quốc yến diễn ra tại Phủ Tổng thống Ý ở thủ đô Rome vào tối 26.7 (theo giờ địa phương), do Tổng thống Ý Sergio Mattarella và con gái chủ trì. Điều đặc biệt, món ăn này được thực hiện bởi một nữ đầu bếp Việt Nam, là chị Đinh Thị Huế (28 tuổi, quê Hà Nội) – Á quân chương trình Vua đầu bếp Ý (Masterchef Italia 2023). Câu chuyện đằng sau món “nem rán tháng bảy” đầy thú vị và bất ngờ. Từ lời ngỏ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ý Trong cuộc trò chuyện với phóng viên những ngày đang sống và làm việc ở TP.Milan, chị Huế vẫn còn đó cảm xúc của 2 tháng ròng “mất ăn mất ngủ” để hoàn thành trọn vai trò đầu bếp của mình trong buổi Quốc yến trọng đại vừa qua. Chị Đinh Thị Huế làm việc cùng các đầu bếp ở Phủ Tổng thống Ý, chuẩn bị cho Quốc yến hôm 26.7. Nhớ lại, những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, sau khi được nhiều người Việt Nam và Ý biết đến, với danh hiệu Á quân của chương trình Vua đầu bếp Ý 2023, chị Huế có một cuộc gặp gỡ thân mật với đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Ý, ở TP.Rome. “Phía đại sứ quán có nói rằng có thể vào khoảng tháng 9, Phủ Tổng thống Ý sẽ đón tiếp đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm, khi năm nay là năm kỷ niệm 50 năm mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ý. Đại sứ quán ngỏ lời mình có thể nấu một món ăn thể hiện mối quan hệ hữu hảo giữa 2 nước trong Quốc yến ở Phủ Tổng thống Ý. Lúc đó, mình thực sự vinh dự vô cùng khi có thể có một vài trò nào đó trong sự kiện trọng đại như vậy và đã lập tức đồng ý”, nữ đầu bếp nhớ lại. “Nem rán tháng 7” xuất hiện trong thực đơn của Quốc yến. Tháng 6, chị bất ngờ nhận được thông tin cuộc gặp gỡ sẽ sớm hơn dự kiến, sẽ diễn ra vào ngày 26.7. Lúc này, chị biết mình không còn nhiều thời gian để chuẩn bị cho món ăn. Bởi, với chị, một món ăn góp mặt trong sự kiện đặc biệt trọng đại này, không thể được chuẩn bị trong ngày một, ngày hai được. Làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ý, cũng như với nhà bếp ở Phủ Tổng thống Ý, chị Huế nảy ra ý tưởng làm một món ăn hoàn toàn mới, mà khi ăn vào, người ta sẽ cảm nhận ngay được sự giao thoa giữa ẩm thực Ý – Việt Nam. Từ đây, ý tưởng về món nem rán được làm bằng vỏ bánh tráng mang đậm đặc trưng của ẩm thực Việt Nam bên ngoài, bên trong là phần nhân của món Ravioli – một loại pasta mang đậm tinh hoa ẩm thực Ý “nhảy số” trong đầu nữ đầu bếp Việt có ngoại hình nhỏ nhắn. Món ăn từ ý tưởng của chị Huế, mang sự giao thoa giữa ẩm thực Việt Nam – Ý. Phần nhân có vẻ không phải là vấn đề quá lớn, khi các nguyên liệu đặc trưng có thể tìm mua tại Ý. Vấn đề là phần vỏ bánh, chị Huế đi các siêu thị gần nhà ở Ý nhưng tìm mãi vẫn không có loại ưng ý. “Bắt đầu từ tháng 6, mình bắt đầu thử nghiệm nấu món ăn này tại nhà. Vỏ bánh tráng duy nhất mình cảm thấy ưng ý chính là loại mình mang từ Việt Nam sang, không có bán ở siêu thị tại Ý”, chị nói. Lúc này, chị Huế nhờ phía đại sứ quán tìm mua nguyên liệu ở Việt Nam và gửi sang. Vì sao là “nem rán tháng bảy”? Sau nhiều lần nghiên cứu món ăn này tại nhà, cũng như 2 lần đi từ Milan tới Rome, làm việc với các đầu bếp ở Phủ Tổng thống Ý, chị Huế cũng đã chốt được ý tưởng, hoàn thành công thức nấu món bánh đặc biệt này. Nữ đầu bếp mô tả Ravioli In Carta Di Riso “Nem ran Luglio” – Ravioli bánh tráng “nem rán tháng bảy” được chính chị đặt tên, khi được đơn vị làm menu trong Phủ Tổng thống Ý đề cập. Sở dĩ là “nem rán tháng bảy”, vì món ăn này đã trở thành điều mình suy nghĩ và trăn trở trong suốt những ngày tháng 7 này, khi nó được góp mặt trong một dịp vô cùng trọng đại. Người thưởng thức món ăn cũng sẽ cảm nhận được hương vị “rất mùa hè” của tháng 7, nên mình quyết định đặt. Đầu bếp Đinh Thị Huế Chị Huế nhận được sự hỗ trợ của 8 đầu bếp khác trong Phủ Tổng thống Ý khi làm món ăn đặc biệt này. “Nem rán tháng bảy”, theo mô tả của chị Huế có lớp vỏ bánh tráng bên ngoài, bao lấy phần nhân bên trong với sự phối hợp của ricotta, pecorino romano (phô mai), lá origano, lá húng thơm basilico, cà rốt, giá đỗ… được chiên lên. Khi ăn kèm với các loại rau sống, sẽ cảm nhận được sự giòn rụm bên ngoài của vỏ bánh và phần nhân mọng nước bên trong. Điều đặc biệt, với chị Huế, chính là món ăn có sự góp mặt đầy đủ màu sắc của quốc kỳ 2 quốc gia Việt Nam – Ý, như một dụng ý của người làm, điểm tô cho mối quan hệ hữu hảo, bền chặt giữa 2 quốc gia, dân tộc. Chị Huế cho biết mình làm việc với 12 đầu bếp tại Phủ Tổng thống Ý. Để thiết đãi 150 khách vào ngày 26.7, từ ngày 25.7, chị đã có mặt để chuẩn bị, cùng sự hỗ trợ của 8 đầu bếp làm 400 phần “nem rán tháng bảy”. Đặt chân vào gian bếp của Phủ Tổng thống, với những đồng nghiệp tài ba, với chị Huế là một vinh dự. Ngày chính thức diễn ra Quốc yến, món ăn được phục vụ đầu tiên. Cả khu vực nhà bếp ở Phủ Tổng thống đều hồi hộp, chị Huế hy vọng “đầu xuôi, đuôi lọt” và món ăn nhận được sự phản hồi tốt. Đại sứ Việt Nam tại Ý, Dương Hải Hưng bên lề Quốc yến, chia sẻ rằng sự hiện diện của “nem rán tháng bảy” trong thực đơn Quốc yến lần này là sự đề cao của các đầu bếp của Phủ Tổng thống Ý đối với ẩm thực Việt Nam. Chị mô tả trong Quốc yến hôm đó, bếp được bố trí lưu động ở gần khu vực dùng tiệc để tiện phục vụ. “Dù vậy, mình vẫn tập trung hoàn thành tốt công việc của mình, không để bất cứ một sự cố nào xảy ra dù là nhỏ nhất”, chị Huế chia sẻ. Sau buổi Quốc yến, cuối cùng nữ đầu bếp cũng “thở phào”. Với chị, hành trình mang món “nem rán tháng bảy” đến Phủ Tổng thống Ý, có lẽ là một hành trình đặc biệt mà chị không bao giờ quên trong cuộc đời của mình. Hành trình đặc biệt ở Phủ Tổng thống Ý, là một kỷ niệm khó quên với nữ đầu bếp Việt Nam. Ở đó, chị không chỉ được tham quan, học hỏi, biết được cách vận hành của gian bếp ở Phủ Tổng thống, nơi không phải ai cũng có thể vào được. Nhưng hơn cả, chị hạnh phúc và đầy tự hào khi được góp một chút công sức của mình giữa 2 quốc gia Việt Nam – Ý… Theo: Thanh Niên