Ngoài việc đi tới siêu thị, nhiều người ở TP.HCM vẫn lựa chọn mua sắm online như thời gian giãn cách hoặc đến những khu chợ đã mở cửa để mua hàng. Chuyển về TP Thủ Đức đã 2 năm nay, Quỳnh Anh (28 tuổi, chủ quán cà phê) có thói quen đi siêu thị mỗi tuần để trữ đồ vào tủ lạnh. Dù giá cả nhỉnh hơn so với chợ truyền thống, chị vẫn chấp nhận vì sợ mua đồ không rõ nguồn gốc. Với Quỳnh Anh, đây là cách chị bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình. Cũng vì vậy, Quỳnh Anh cảm thấy hào hứng khi nhận tin các siêu thị trên địa bàn TP.HCM đã mở cửa đón khách sau ngày 1/10. Đi siêu thị, “chợ” online “Siêu thị trong khu vực tôi sống có lượng khách tương đối ổn định, ít khi quá tải. Thực phẩm mới được bày lên kệ thường xuyên nên siêu thị luôn là ưu tiên của tôi”, Quỳnh Anh chia sẻ. Ngay khi TP ban hành Chỉ thị 18, chị cùng chồng đến Top Market Thảo Điền mua đồ về làm bữa tối. Không tốn nhiều thời gian để gửi xe hay xếp hàng, chị được vào thẳng bên trong. Xe đẩy đầy thực phẩm của chị Quỳnh Anh trong ngày đầu tiên được đi siêu thị trở lại. Ảnh: NVCC. Như những gì Quỳnh Anh được thông báo từ trước, chị xuất trình thẻ xanh xác nhận hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine cũng như khai báo y tế. Theo quan sát, chị nhận thấy tất cả nhân viên tiếp xúc gần với mình đều được trang bị khẩu trang và kính chống giọt bắn. Tương tự, Hà Kiều Oanh (26 tuổi, quận 3) đến cửa hàng tiện lợi gần nhà để mua đồ dùng cá nhân. Tuy quy mô nhỏ, cửa hàng vẫn đầy đủ lựa chọn khiến chị rất hài lòng. “Tôi đến đây lúc 8h và thấy kha khá người xếp hàng ở ngoài. Đúng quy định, họ chỉ tiếp 5 người/lần. Cứ người này ra thì người khác vô, mất tầm 10 phút là đến lượt”, chị Oanh kể lại. Kiều Oanh mua 1 bó rau xà lách 300 gram và bịch khoai tây 700 gram chỉ hết 40.000 đồng. Ở tầm giá dễ chịu, cửa hàng tiện lợi này còn có một nhóm chat trên Zalo thường xuyên cập nhật nguồn hàng về mỗi ngày. Trong khi đông đảo người dân nườm nượp đi siêu thị trở lại, một số cá nhân duy trì thói quen đặt hàng online như đầu giai đoạn giãn cách. Anh Dũng Nguyễn (26 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết mình vẫn hạn chế ra đường tại thời điểm này. Hiếm hoi lắm, anh mới đến nhà hàng mua đồ mang về. Dũng Nguyễn mua đồ mang về. Ảnh: NVCC. “Lúc này, đường sá mở lại nên giao hàng dễ hơn. Mua hàng online, giá ship có cao nhưng bù lại hay có mã khuyến mãi. Ví dụ tôi mua 2 tô phở hết 120.000 đồng cộng 35.000 đồng phí ship, bên ứng dụng giao hàng sẽ giảm 70.000 đồng”, anh kể. Hậu giãn cách, các cửa hàng online còn chạy thêm nhiều chương trình miễn phí phí vận chuyển. Ủng hộ chợ truyền thống Tính đến 5/10, trên địa bàn TP.HCM đã có 21 chợ mở cửa hoạt động trở lại, trong đó có nhiều chợ ở nội thành như: Đa Kao, Bà Chiểu, Kim Biên, Bình Thới… Cả người dân và tiểu thương đều vui mừng trước thông tin này. Sáng 6/10, chị Nguyễn Huyên (28 tuổi, quận Bình Thạnh) ghé chợ Bà Chiểu mua một ít trái cây và hoa về cúng rằm. Đây là lần đầu tiên cô gái này tự mua sắm trở lại sau hơn 3 tháng đặt hàng online hoặc nhờ lực lượng “đi chợ hộ”. Tiểu thương và khách mua hàng đeo khẩu trang khi đến chợ Bà Chiểu. Ảnh: Duy Hiệu. Tuy có thể mua hàng online từ các siêu thị nhưng chị Huyên vẫn lựa chọn đi chợ vì muốn chọn thực phẩm tươi ngon ở nơi gần nhà. “Có con nhỏ nên tôi muốn vào chợ mua cho nhanh chứ đi siêu thị thì không tiện. Đặt hàng online thì vài ngày mới giao tới mà một số món tôi cần gấp nên phải ra chợ mua”, chị Huyên nói. Chị Huyên quan sát thấy chợ Bà Chiểu vẫn còn nhiều sạp đóng cửa, việc mua bán cũng thưa thớt chứ không tấp nập. Giá bán một số mặt hàng vẫn còn cao so với thời điểm trước dịch. Tiểu thương tại đây đều đeo khẩu trang, các cửa hàng để sẵn chai nước rửa tay để khách hàng có thể khử khuẩn tiền, hàng hóa mỗi lần giao dịch. Sở dĩ chị Huyên thích môi trường ở chợ vì nghĩ nơi đây thoáng đãng sẽ giảm được nguy cơ lây bệnh so với nơi có máy lạnh. Tuy vậy, chị Huyên vẫn thấy nhiều sạp hàng bày bán ở vỉa hè, lề đường ở dãy phố Vũ Tùng, Trịnh Hoài Đức (bên hông chợ Bà Chiểu) và lo ngại nguy cơ bùng phát dịch bệnh. “Bán ở vỉa hè mọi người không đảm bảo khoảng cách. Khi lực lượng chức năng tới kiểm tra thì mọi người lại nháo nhào dọn hàng vào bên trong”, chị Huyên kể. Chị Lê Ngọc (22 tuổi, quận 5) cũng mua thịt, cá, rau củ tại chợ An Đông vào ngày 6/10. Cô gái này biết tin chợ hoạt động lại nhờ vào tiểu thương mà cô hay mua hàng thông báo. Chợ Bến Thành mở cửa đón khách hậu bình thường mới. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. “Chợ mua bán nhanh, không mất thời gian xếp hàng chờ thanh toán. Tiểu thương cũng giảm giá cho khách quen nên tôi vẫn ưu tiên chọn đi chợ”, chị Ngọc cho hay. Lý do thứ 2 chị Ngọc lựa chọn đi chợ là vì muốn ủng hộ tiểu thương nơi đây sau nhiều tháng họ tạm ngừng công việc. Chợ mới mở lại nên rau, củ, quả sẽ đa dạng và tươi ngon hơn. Phần khác, cô tiết kiệm được tiền ship khi mua hàng online. Sở Công thương TP.HCM đã có văn bản đề nghị các quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch mở lại chợ trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. TP.HCM đã ban hành bộ tiêu chí đối với hoạt động của chợ nên số lượng chợ được mở lại trong thời gian tới dự kiến tăng nhanh. Theo Zing News