Cuối năm là dịp làm ăn của nhiều người và là thời điểm làm đẹp phố xá để chuẩn bị đón tết, nhưng nhiều nơi tại Sài Gòn, đường, hẻm và vỉa hè bị xới tung khiến hàng quán ế ẩm, người dân đi lại khó khăn… Hố sâu choán hết mặt tiền một số hộ kinh doanh trên đường Nguyễn Văn Quá (Q.12, TP.HCM) dịp cuối năm – Ảnh: Q.Khải “Tết đến rồi, anh coi làm sao chứ để xe cộ, rào chắn chình ình trước cửa nhà như vầy chúng tôi làm ăn gì được. Tôi thấy biển báo công trình chỉ để thời gian thi công đến ngày 31-12-2015 nhưng nay tháng 1-2016 rồi, công trình vẫn còn ngổn ngang thế này sao được?” – ông Dũng, chủ một sạp bánh kẹo trên đường Nguyễn Văn Quá, Q.12, phàn nàn với đơn vị tư vấn giám sát dự án xây dựng hệ thống thoát nước trên tuyến đường này, qua điện thoại. “Trong năm nay, Sở GTVT TP sẽ đưa ra tiêu chuẩn đánh giá các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát thi công công trình gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại, mất vệ sinh môi trường… Nếu vi phạm 3 lần bị phạt, sở sẽ đề nghị UBND TP không cho các nhà thầu này thi công các công trình của TP” Ông Trần Quang Lâm (phó giám đốc Sở GTVT TP) “Núi đá”, hố sâu trước cửa tiệm Theo ông Dũng, công trình này thi công từ tháng 9-2015 nhưng đến nay đoạn trước cửa nhà ông vẫn còn ngổn ngang. Trong khi đó, mặt bằng trên ông thuê hơn 5 triệu đồng/tháng để buôn bán. Trước đây, khi chưa có công trình, mỗi ngày ông bán bánh kẹo được 2-2,3 triệu đồng, nay bán chưa tới 100.000 đồng/ngày. Cách đó không xa, hố sâu khoảng 2m, dài khoảng 20m chiếm hết nửa con hẻm và choán hết mặt tiền cửa hàng Huy Hoàng Mobi. Cạnh hố sâu là hai “núi đá” to trước cửa hiệu bánh mì và cửa hàng thực phẩm 762-764 Nguyễn Văn Quá. Anh Nguyễn Văn Đông, chủ cửa hàng, than: “Chúng tôi đi ra vô nhà đã khó khăn rồi, ai mà vào mua, chưa kể bụi tung mịt mù và mùi hôi nước cống từ hố sâu bốc lên khiến nhiều người qua đây muốn chạy nhanh. Trước đây “bèo” lắm mỗi ngày tôi bán khoảng 8 triệu đồng, giờ chỉ bán được 3 triệu đồng/ngày. May mà phường có giảm thuế nên chúng tôi vẫn còn cầm cự giữ khách quen, nếu không chắc phá sản”. Một người dân trong hẻm cho biết do hố nước sâu chắn trước đầu hẻm nên người dân trong hẻm phải đi vòng qua hẻm khác, việc thu gom rác tại con hẻm cũng bị ảnh hưởng vì xe gom rác không vào được. Chưa kể công trình này còn làm bít cống thoát nước của nhiều hộ dân ở hẻm 778 khiến nước cống hôi tràn lên gây ngập hẻm nhiều ngày qua. Nhiều người ở mặt tiền đường Trường Chinh và các con hẻm đoạn gần chợ Võ Thành Trang (P.14, Q.Tân Bình) cũng bức xúc không kém khi một công trình đào lắp đường ống nước trên vỉa hè triển khai từ trước ngày 24-12-2015 nhưng đến nay vẫn chưa được tái lập, gây nguy hiểm cho người chạy xe máy. Nhiều con hẻm trên đường Lê Văn Phan, đường Phú Thọ Hòa (P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú) cũng bị đào xới để di dời đồng hồ nước từ trong nhà ra ngoài. Trước cửa nhà của nhiều hộ dân trên đường Nguyễn Văn Quá (P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM) bị đống đá chắn ngang, xe ra vào rất khó khăn – Ảnh: Hữu Khoa Mong dân thông cảm (?!) Theo ông Trần Hữu Năm – giám đốc Công ty TNHH một thành viên cấp nước Tân Hòa, việc triển khai di dời đồng hồ nước ra ngoài nhà các hộ dân là thực hiện theo chủ trương của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên. Theo kế hoạch, trong năm 2015 công ty phải di dời đến 7.000 đồng hồ nước ra phía trước nhà khách hàng tại Q.Tân Phú, Q.Tân Bình nhưng đến nay công ty mới di dời được 4.000 đồng hồ nước. “Do việc di dời kết hợp với công tác thay lại ống nhánh nên phải đào đường gắn ống nhánh từ ống cái vào vị trí đồng hồ mới. Kế hoạch di dời đồng hồ nước đã có từ lâu, các dự án đều phải xin ý kiến các đơn vị liên quan chứ không phải để dồn làm vào dịp cuối năm” – ông Năm nói. Về trường hợp đào vỉa hè lắp đặt ống nước trên đường Trường Chinh mà chưa tái lập nguyên trạng, gây khó khăn cho người dân buôn bán dịp tết, ông Năm cho biết sẽ kiểm tra và khắc phục. Về việc người dân cho rằng tiến độ thi công lắp đặt hệ thống thoát nước trên đường Nguyễn Văn Quá (Q.12) chậm chạp, ông Lê Thanh Liêm – giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM – cho biết do phải di dời đường ống cấp nước và cáp thông tin, đồng thời do vướng giải tỏa nên chưa thi công hai đường cống thoát nước ra tuyến kênh Tham Lương. Hiện các đơn vị đang phối hợp để thi công hạng mục trên. Ngoài ra, ban quản lý dự án đang đề xuất Bộ Xây dựng cho lát vỉa hè phía bên trái đường Nguyễn Văn Quá để hoàn thiện công trình này. Theo ông Liêm, tiến độ thi công hệ thống thoát nước trong bốn tháng là tương đối nhanh nên rất mong bà con thông cảm. Ông Liêm cũng cho biết trước tết âm lịch năm nay sẽ hoàn thành tráng nhựa con đường này. Theo ông Trần Quang Lâm – phó giám đốc Sở GTVT TP, sở đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để phục vụ người dân đi lại trong dịp tết. 47 “lô cốt” trên 27 tuyến đường Hiện nay, TP.HCM có 47 vị trí bị rào chắn trên 27 tuyến đường do Sở GTVT TP quản lý đang được các chủ đầu tư thi công. Cụ thể, gồm: dự án xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang thi công trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), Lê Lợi, Tôn Đức Thắng (Q.1) và xa lộ Hà Nội (Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức); dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài đang thi công trên đường Bạch Đằng (Q.Gò Vấp); dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Quá (Q.12); dự án xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9); dự án nâng cấp, mở rộng đường Trần Não (Q.2); dự án xây dựng hệ thống thoát nước và mở rộng đường Trần Đại Nghĩa (H.Bình Chánh); dự án thi công cầu Kênh Lộ (H.Nhà Bè); dự án nâng cấp sửa chữa tỉnh lộ 9 và dự án lắp đặt tuyến ống cấp nước thô phi 1.500 mm (H.Củ Chi); dự án sửa chữa nâng cấp hương lộ 70 (H.Hóc Môn); dự án cải tạo kênh Hàng Bàng (Q.5). Ngoài ra, có hàng chục tuyến đường đào lằn phui (rộng 0,5-0,7m) để lắp đặt cáp điện lực, viễn thông, cấp nước… đang thi công ở các quận 3, 10, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận. Theo Quang Khải – Ngọc Ẩn/ Tuổi trẻ