Bà cụ nói 4 thứ tiếng ở vỉa hè Sài Gòn


Đã gần 90 tuổi nhưng bà Định vẫn rất nhanh nhẹn, vui tính và dễ gần. Bà đã gắn bó với hàng nước trên vỉa hè ở Sài Gòn này suốt 37 năm qua và điều khiến bà tự hào là mình có thể nghe, hiểu và nói 4 ngôn ngữ khác nhau để giao tiếp với khách nước ngoài.

Gần 40 năm qua tại góc đường Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão, quận 1, người ta luôn thấy một bà cụ tóc bạc, lưng còng, thoăn thoắt mời mọi người ghé vào hàng nước của bà. Bất kể khách là người Việt hay người ngoại quốc, bà đều nhiệt tình tiếp đón và chào hỏi bằng các ngôn ngữ khác nhau.

Bà tên thật là Trần Thị Định, nhưng chỉ thích mọi người gọi mình bằng cái tên thân thuộc là “bà Ba”, “dì Ba”. Bà Ba năm nay đã 87 tuổi, có con cháu, nhà cửa ổn định nhưng lại không thích nằm một chỗ vào những ngày tháng cuối đời, dù con bà luôn khuyên bà ở nhà nghỉ ngơi, nhưng bà vẫn thích đội nắng, đội mưa mà bán nước giải khát vỉa hè. Bà nói, bà đã bán ở hàng nước này suốt 37 năm qua, hàng nước của hai vợ chồng đã nuôi đã 3 người con khôn lớn, bà cũng đã nhìn thấy bao nhiêu sự đổi thay của Sài Gòn từ góc đường này, giờ bảo bà nghỉ ngơi, bà không cam lòng.

cu-ba-1

Đã gần 90 tuổi nhưng bà Ba vẫn gắn bó với hàng nước vỉa hè ở khu phố Tây Sài Gòn suốt 37 năm qua.

cu-ba-2

Bà rất vui tính, hay cười và niềm nở chào hỏi mọi người, dù người ta có vào uống nước hay không.

Bà Ba rất thích giao tiếp với khách nước ngoài. Khi có ai đi ngang qua hàng nước của mình, bà đều cười và chào hỏi, chúc sức khỏe người đó. Bà luôn tự hào mình có thể nói 4 thứ tiếng khác nhau là tiếng Việt, Mỹ, Miên và tiếng Trung. Dù bà phát âm chưa chuẩn và không thể gọi là thông thạo ngoại ngữ, nhưng vốn kiến thức có sẵn đủ để bà trò chuyện xã giao với những người ngoại quốc.

Bà nói: “Ngày xưa tui đi phụ việc cho mấy bà đầm Tây nên học được tiếng Anh chút đỉnh. Sau này tui với ông chồng bán nước giải khát, thuốc lá ở góc đường này, khách chủ yếu là người nước ngoài nên hai vợ chồng tự học các thứ tiếng khác nhau để giao tiếp với khách. Giờ tui già rồi nên nhiều khi lẩm cẩm, có từ nhớ từ không, chứ ngày xưa tui nói cũng “dữ” lắm à. Tiếng Trung, tiếng Miên, tiếng Anh hay Mỹ gì tui cũng nói được hết, nghe cũng hiểu hết. Để tui nói mấy từ thông dụng nhất cho nghe nè!”

Nói rồi, bà Ba bắt đầu vận dụng trí nhớ và vừa nói vừa phiên dịch. Khách ngồi uống nước nghe bà nói chuyện, có từ hiểu từ không, nhưng đều cảm thấy thú vị.

Bà Ba cho biết, tiếng gì bà cũng thích học, nhưng tiếng Hàn với tiếng Nhật khó quá, bà không nhớ hết được nên khó có thể nói được. Nhiều năm bán ở đây, bà đã tận tình chỉ đường cho nhiều khách Tây còn bỡ ngỡ. Vì ngày xưa nghèo khổ nên bà chỉ học đến lớp nhất (tương đương lớp 5 bây giờ), nhưng bà vẫn rất thích học. Ngay cả khi đã gần đất xa trời, nhưng ai thỉnh thoảng vẫn ôn lại vốn từ vựng của mình để không bị quên lãng.

“Ngày xưa chồng tui làm thợ máy ở xưởng tàu Ba Son. Hôm nào ổng được nghỉ thì ra đây ngồi chơi với tui. Có ổng cùng bán tui cũng thấy vui hơn nhiều. 6 năm trước ổng mất, tui buồn suốt mấy tháng liền, chán đến nỗi không còn muốn đi bán nước nữa. Nhưng phần vì con cái cũng có công việc, cuộc sống riêng, nên không dành thời gian cho mình nhiều, phần vì làm lụng quen tay quen chân lâu nay rồi, giờ ngồi một chỗ chán lắm chịu không nổi, nên tui đi bán lại”, bà Ba kể.

cu-ba-3

Từ lúc chồng mất, hàng nước này chỉ còn mỗi mình bà lủi thủi cả ngày.

cu-ba-4

Bà không cho rằng đây là công việc vất vả, đối với bà, đi bán nước vỉa hè chỉ đơn giản là “tìm vui giữa Sài Gòn”.

3 người con của bà Ba gồm 2 trai và 1 gái, nay đã là những người thành đạt và ổn định. Người con cả hiện công tác tại trường Nguyễn Huệ, con trai út thì làm trưởng phòng của một công ty sách, người con gái thì đã lấy chồng, sinh con và có cuộc sống khá giả. Bà nói: “Tui không có khổ gì đâu nhưng mà nhiều người đi ngang hay mua bánh, cho tiền lắm. Chắc họ thấy già cả rồi mà còn ngồi lủi thủi vậy. Con cháu tui đứa nào cũng lo cho tui đến nơi đến chốn, tụi nó cản tui đi bán hoài mà tui không chịu đó chứ. À hôm trước tui vừa đi mổ mắt, hết hơn 15 triệu, tụi nó lo hết!”.

Vì không thể ngăn mẹ ra vỉa hè bán nước nên các con thay nhau đưa đón bà mỗi ngày. Khi nào mưa thì họ sẽ đến đón bà về sớm nghỉ ngơi.”Sáng thì thằng út chở tui ra đây, dọn hàng ra cho tui bán. Chiều 5h thì thằng lớn tan giờ làm, ghé đón tui về. Về nhà lúc đó mới vui, vì có các con, các cháu, lúc nào cũng hỏi thăm hôm nay tui bán có vui không?”, bà cười rồi khoe. Bà nói rằng các cháu chỉ hỏi bà có vui không, chứ không hỏi bà bán có được nhiều tiền không, vì vốn dĩ một ngày bà chỉ kiếm được vài ba chục ngàn chứ không nhiều.

cu-ba-5

“Làm lụng vất vả quen rồi, giờ ngồi một chỗ tui chịu không nổi”.

cu-ba-6

Mỗi ngày, bà bán nước từ sáng đến 5h chiều thì dọn hàng về, lời được vài chục ngàn nhưng bà vẫn cảm thấy vui.

Cuộc trò chuyện thỉnh thoảng ngắt quãng khi bà vẫy tay chào những vị khách đi ngang qua hàng nước này. Bà nói: “Hello! How are you?” hoặc “Are you ok?”, có khi thì “Good morning”, “Hi!”… đủ kiểu cả, và mọi người đều mỉm cười chào lại bà.

Nhiều người nói đùa bà Ba nói tiếng Anh gì mà như tiếng Việt, bà nói: “Tui nói hổng hay do không có biết “xì”, “sờ”, “tờ tờ” như người ta, nhưng tui nói là người nước ngoài hiểu hết!”

cu-ba-7

Vì vui tính, dễ gần nên bà Ba có rất nhiều khách quen đến uống nước mỗi ngày, từ xe ôm, công nhân cho đến những biên dịch viên, nhân viên văn phòng cũng ghé vào trò chuyện cùng bà. Với bà Ba, có được một nơi để buôn bán, một việc làm lương thiện trong những ngày tháng cuối đời này, là đáng quý lắm rồi.

“Tụi nhỏ đi làm, tui cũng đi làm, cả nhà cùng làm theo giờ… hành chính. Vậy mà vui, ít nhất tui thấy mình vẫn còn có ích, không phải là gánh nặng cho ai hết. Mọi người ai rảnh ghé chỗ tui uống nước, muốn tui phục vụ bằng tiếng nước nào tui sẽ nói tiếng nước đó.”, bà Ba chia sẻ.

Nguồn: Theo Quỳnh Trân / Trí Thức Trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: