Bác tài xe bus “dễ thương số một Sài Gòn” của sinh viên


Ở Sài Gòn, có một bác tài xe bus vui tính và bình dị, luôn đem lại tiếng cười cho hành khách, nhất là với những sinh viên ở làng Đại học quốc gia thì ai cũng quý mến bác tài này.

Khác hẳn với những chuyến xe bus khác ở Sài Gòn, chuyến xe số 52 do chú tài xế Lưu Trọng Thọ điều khiển luôn khiến hành khách cười nghiêng ngả suốt hành trình vì những câu chuyện hài hước, bình dị mà chú mang đến. Và bây giờ, chúng tôi mời bạn bước lên chuyến xe bus chở những niềm vui của bác tài đáng yêu nhất đất Sài thành này.

Chú tài xế Lưu Trọng Thọ từ lâu nổi tiếng là tài xế thân thiện số một của sinh viên ở Sài Gòn.

Chú tài xế Lưu Trọng Thọ từ lâu nổi tiếng là tài xế thân thiện số một của sinh viên ở Sài Gòn.

“Lỡ thương tụi nhỏ, giờ không biết sao?”

Chú tài xế Lưu Trọng Thọ sinh năm 1968 tại TP.HCM. Trước đây chú Thọ là tài xế xe khách Bắc – Nam, tuy nhiên vì một số lý do cá nhân, năm 2005 chú Thọ chuyển sang nghề lái xe bus. Thấm thoát đã hơn 11 năm gắn bó với chiếc xe bus, chú Thọ mỉm cười tâm sự: “Với chú bây giờ tất cả là nhờ chữ duyên. Nếu ngày đó chú không chuyển sang lái xe bus, thì chắc giờ chú đã không có một công việc thú vị và cơ hội tiếp xúc với tụi sinh viên dễ thương của chú”.

Mỗi ngành nghề đều có khó khăn riêng, làm nghề lái xe bus, hàng ngày phải luôn tập trung cao độ để vững vàng tay lái trên mọi ngả đường nên nhiều lúc chú cũng rất mệt mỏi, căng thẳng.

Mỗi ngành nghề đều có khó khăn riêng, làm nghề lái xe bus, hàng ngày phải luôn tập trung cao độ để vững vàng tay lái trên mọi ngả đường nên nhiều lúc chú cũng rất mệt mỏi, căng thẳng.

Lúc mới vào nghề, chú Thọ cũng thường xuyên tỏ thái độ cáu gắt với hành khách, vì mỗi ngày ngoài việc tập trung tay lái, chú còn phải phục vụ hàng trăm người, mỗi người mỗi ý, đồng thời sinh viên có nhiều bạn nghịch ngợm làm chú mệt mỏi. Thế nhưng chú tâm sự, con người ta đến cái tuổi ngoài 50 mà còn không tránh phải lỗi sai, thì việc gì phải đi khó chịu với mấy đứa sinh viên còn nhỏ tuổi. Hơn nữa việc cáu gắt cũng chẳng đem lại lợi ích gì. Nó giống như việc bạn đem tặng người khác một cái bánh, mà người ta không nhận, thì chính bạn sẽ phải ăn chiếc bánh đó.

“Vậy thì việc chú cau có với sinh viên, vừa làm chú mệt, mất năng suất làm việc, vừa làm tụi nó buồn, ảnh hưởng đến việc học. Mà khi chú la một bạn là cả xe cùng phải nghe, mọi người ai cũng mệt. Cuối cùng chẳng được lợi ích gì, vậy việc gì phải làm một việc mà ai cũng không thích” – chú Thọ tâm sự.

Trước đây chú Thọ từng bị căng thẳng trong công việc nên hay cáu gắt với hành khách, nhưng rồi chú cũng đã học được cách cân bằng cảm xúc của chính mình và giờ thì chú đã trở thành tài xế xe bus thân thiện nhất với sinh viên Sài Gòn.

Trước đây chú Thọ từng bị căng thẳng trong công việc nên hay cáu gắt với hành khách, nhưng rồi chú cũng đã học được cách cân bằng cảm xúc của chính mình và giờ thì chú đã trở thành tài xế xe bus thân thiện nhất với sinh viên Sài Gòn.

Thay vì la mắng khi sinh viên đi xe bus quên đem theo thẻ sinh viên, quên chuẩn bị tiền lẻ… thì chú Thọ chỉ cười cười nhắc nhở, bạn nào “cứng đầu” là chú dùng thượng kế… gọi điện thoại méc vợ. Chỉ cần chú Thọ nói lớn: “Lần sau con mà làm vậy nữa là chú gọi điện thoại méc vợ chú đó nghe chưa?” là cả xe ồ lên cười sảng khoái.

Chú Thọ khoái chí kể: “Mới hôm qua nè, có cô bé đứng đợi xe bus, mà đứng khuất sau một chiếc xe tải, nên chú không nhìn thấy. Lúc chú chạy qua trạm rồi cô bé mới chạy với theo, chú thấy tội, sợ bị trễ học nên dừng xe lại cho bạn ấy lên. Lúc lên xe chú cầm cây roi và nói đùa hôm nay tui phải bạo hành xe bus với cô này mới được, đón xe bus mà núp núp không ai thấy. Thế là cô bé quay mông sang cho chú đánh, chú buồn cười quá nhịn không nổi, nên nói thôi thôi con về chỗ ngồi đi. Con nhỏ thiệt tình dễ sợ!”.

Những câu chuyện của chú Thọ luôn làm các bạn sinh viên cảm thấy thoải mái.

Những câu chuyện của chú Thọ luôn làm các bạn sinh viên cảm thấy thoải mái.

Có những nỗi nhớ nó lạ lùng, chú Thọ nói với tôi như vậy. Chỉ cần nghỉ ở nhà một ngày Chủ nhật, là chú cũng mong đến thứ hai để dậy sớm, 4h sáng đã ra chỗ làm để chở sinh viên đi học. Vợ chú hay trách sao đi sớm về khuya, nhưng chú Thọ chỉ cười nói: “Lỡ thương tụi nhỏ, giờ không biết sao?”.

“Bữa trước, đang lái xe, chú la lên: Ê! hai đứa kia, nãy giờ chú thấy hôn nhau 2 lần rồi nha, gato quá nha. Cái là tụi nó được dịp chọc quê chú, chọc chú là “chú Thọ gato”. Rồi có đứa gọi chú là “chú Thọ iu” mà đứa nào “ghét” thì kêu chú là… chú Thọ chảnh chọe. Chú không hề giận vì chú biết tụi nó quý chú. Bởi vậy, trên xe này không có tài xế và hành khách, chỉ có những người bạn với nhau” – chú Thọ tươi cười nói.

Tâm tình “ông lái đò”

Khi chúng tôi nhắc đến những vụ tai nạn gần đây liên quan đến xe bus, chú Thọ suy tư một lát rồi chia sẻ: “Chú cũng trăn trở lắm! Không phải mình biện hộ cho nghề của mình, nhưng làm công việc gì cũng có cái khó. Ở đâu cũng có những con sâu làm rầu nồi canh. Đa số cánh tài xế của chú, ai cũng muốn hoàn thành công việc của mình thật tốt, không ai muốn gây ra tai nạn. Nhưng khi tai nạn, thì cũng nên xem xét rõ ai đúng ai sai. Chứ cứ có tai nạn là lại đổ cho tài xế xe bus chạy ẩu thì tội tụi chú quá!”.

Chú Thọ mong muốn mọi người có cái nhìn thiện cảm và thông cảm cho cánh tài xế xe bus.

Chú Thọ mong muốn mọi người có cái nhìn thiện cảm và thông cảm cho cánh tài xế xe bus.

Hiện tại, chú Thọ không còn phải lo nghĩ về kinh tế gia đình, vì các con đều đã lớn và có gia đình, vợ chú có một tiệm tạp hóa nhỏ đủ để trang trải, thế nhưng chú vẫn không bỏ nghề, vì giờ đây lái xe đã trở thành một niềm vui không thể thiếu.

Với chú tài xế 6x này, sinh viên là những người trẻ đáng trân trọng, vì họ là tương lai của đất nước. Chú thường hay tâm sự với các bạn sinh viên rằng: “Công cha, áo mẹ, ơn thầy, cộng với công ông già lái đò này 4 năm đưa đón đi học, ráng mà học cho tốt sau này thành tài giúp ba mẹ, giúp mọi người”.

Chú luôn mong các bạn sinh viên sẽ học hành thành tài.

Chú luôn mong các bạn sinh viên sẽ học hành thành tài.

“Hai tháng trước, có một bạn sinh viên, đi du học ở Mỹ về. Bạn đó đứng ở trạm xe bus đợi chú một tiếng rưỡi. Khi xe chú đến, bạn đó hỏi chú nhớ con không? Thật tình là nhiều sinh viên quá chú nhớ tên không hết. Thế là bạn trai đó mới nói: con là thằng sinh viên sờ mông sinh viên nữ bị chú nhắc nè! Bạn đó tặng chú một món quà nhỏ, rồi mời chú đi ăn một tô phở. Sau hai chú cháu mới tâm sự vì sao ngày xưa cậu ấy lại sờ mông sinh viên nữ. Chỉ vậy thôi mà chú luôn nhớ mãi” – chú Thọ kể.

Đặc điểm nhận diện "xe của chú Thọ" chính là chiếc mặt cười dễ thương được chú trân trọng treo trên đầu xe.

Đặc điểm nhận diện “xe của chú Thọ” chính là chiếc mặt cười dễ thương được chú trân trọng treo trên đầu xe.

Nhìn chú lúc nào cũng tươi cười, thế nhưng bác tài xế vui tính này cũng có đôi khi chạnh lòng. Hôm đó là lễ tốt nghiệp của một cậu sinh viên thường hay đi xe bus của chú Thọ, nhìn cảnh cậu sinh viên mặc lễ phục, vui trong vòng tay của gia đình và bạn bè, chú Thọ cũng vui lắm, nhưng trong phút chốc chú lại chạnh lòng. Thế là từ nay, chú không còn cơ hội để chở cậu sinh viên ấy đi học nữa. Chú chỉ ước bạn sinh viên ấy sẽ quay ra vẫy tay chào chú thay cho lời tạm biệt. Nhưng không, vì làm sao bạn ấy thấy được chú. Quay lại tiếp tục lái xe, mà chú Thọ cảm thấy mắt mình như có nước.

Bạn Quang (1993) sinh viên năm 4 trường đại học Quốc tế TP.HCM chia sẻ: “Chú Thọ là tài xế vui tính và thân thiện với sinh viên nhất mà mình từng được gặp. Lúc trước mình thường đi xe của chú, được chú chọc cười miết. Giờ mình có xe máy riêng nên không đi xe bus nữa, nhưng vẫn thường xuyên rủ chú Thọ đi ăn trưa chung mỗi khi chú xong ca chạy”.

Chú Thọ tâm sự: "Con biết không? Mấy đứa sinh viên nó thương chú nhiều lắm! Gấp mấy lần tình cảm của chú dành cho tụi nó lận".

Chú Thọ tâm sự: “Con biết không? Mấy đứa sinh viên nó thương chú nhiều lắm! Gấp mấy lần tình cảm của chú dành cho tụi nó lận”.

Chú Thọ và chuyến xe 52, cứ thế đi vào tim của mỗi sinh viên ở Sài Gòn như những hồi ức đẹp nhất của những tháng ngày sinh viên hồn nhiên.

Theo Toàn Nguyễn | Tri Thức Trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: