Bộ sưu tập điện thoại hiếm của dân chơi Sài Gòn


Bộ sưu tập điện thoại hiếm của dân chơi Sài Gòn 4

Những mẫu điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị số có tuổi đời tới 30 năm được một ‘dân chơi’ 28 tuổi sưu tập khá kỳ công.

Bộ sưu tập điện thoại hiếm của dân chơi Sài Gòn

Anh Lân (thường gọi là Pin, sống và làm việc tại quận Bình Tân, TP HCM) có bộ sưu tập đồ công nghệ cổ khá đồ sộ. Trong ảnh chỉ là một góc rất nhỏ trong bộ sưu tập của anh. Dù còn khá trẻ (28 tuổi) nhưng anh đã có gần 15 năm chơi đồ cổ. Những thiết bị mà anh sở hữu khiến nhiều dân chơi khác phải ngưỡng mộ.

Bộ sưu tập điện thoại hiếm của dân chơi Sài Gòn 2

Hiện anh Lân có đầy đủ các thiết bị “đời đầu” từ các hãng điện tử danh tiếng một thời, tiên phong trong lĩnh vực sản xuất điện thoại, như Nokia, Siemens, Motorola, Ericsson… Trong đó, Siemens C1 là chiếc điện thoại cổ nhất và khá hiếm hiện nay được anh giữ kỹ. Thiết bị sản xuất vào năm 1985 này được xem là một trong những điện thoại di động đầu tiên trên thế giới. Có kích thước bằng chiếc túi xách phụ nữ, sản phẩm có thể được nhận xét là cồng kềnh ở hiện tại nhưng là bước đột phá cách đây hơn 30 năm.

Bộ sưu tập điện thoại hiếm của dân chơi Sài Gòn 3

Anh Lân cho biết, mình mê điện thoại cổ từ thời còn học cấp 2. Cậu học sinh mê công nghệ lúc đó tranh thủ tìm các tài liệu về điện thoại và đọc những lúc rảnh rỗi.
“Những năm 2000, Internet chưa phát triển nên việc tìm hiểu về điện thoại khá giới hạn. Tuy nhiên, tôi cũng đã tự mày mò tìm hiểu và sở hữu cho mình một vốn kiến thức đủ tốt để sẵn sàng chơi điện thoại cổ xưa”, anh Lân chia sẻ.
Chiếc điện thoại đầu tiên anh tự mua bằng tiền mừng tuổi Tết và tiền làm thêm là Motorola 3300 năm 2002, khi anh 14 tuổi. Đến nay, chiếc điện thoại ra mắt năm 1994 này vẫn còn nguyên vẹn, đầy đủ hộp và phụ kiện.

Bộ sưu tập điện thoại hiếm của dân chơi Sài Gòn 4

Nhiều người bạn chơi cùng nhóm điện thoại cổ với Lân hơn anh cả chục đến vài chục tuổi. “Nhiều người ngạc nhiên khi tôi chơi điện thoại cổ khi chưa tới 18 tuổi. Nhưng trước sự thích thú từ ánh mắt, họ đã đồng ý, và sau đó giúp đỡ tôi rất nhiều”, anh Lân cho biết.
Khi Internet phát triển hơn, anh bắt đầu tìm tới những blog chơi điện thoại và diễn đàn nhỏ. Nhưng chưa thỏa đam mê, anh còn tự lập và phát triển một số diễn đàn tương tự.
Sau đó, anh mày mò tìm hiểu cách đặt hàng từ nước ngoài. Chiếc Sony CMD Z1 là sản phẩm đầu tiên mua từ Mỹ và nó cũng chứa đầy kỷ niệm. “Tôi đặt hàng nó với số tiền lớn và phải hơn nửa tháng mới nhận được. Thế nhưng, khi hàng về, nó lại khiến tôi thất vọng vì bị hỏng không thể sử dụng. Kinh nghiệm mua hàng từ nước ngoài của tôi tích lũy từ đây”, anh kể.

Bộ sưu tập điện thoại hiếm của dân chơi Sài Gòn 5

Sau gần 15 năm, bộ sưu tập điện thoại của anh Lân đã đồ sộ hơn nhiều. Anh cho biết, “đã chơi là phải chơi cho tới”. Do đó, những mẫu anh đang có đều mang giá trị sưu tầm rất cao, nhiều trong số đó là những sản phẩm đầu tay của các hãng điện thoại di động đình đám, như chiếc Siemens S4 ra mắt năm 1995, một trong những chiếc điện thoại đầu tiên của Siemens.

Bộ sưu tập điện thoại hiếm của dân chơi Sài Gòn 6

Chiếc MicroTAC International Dual Band 8900 này còn ra đời sớm hơn, từ năm 1994. Đây là mẫu điện thoại dùng mạng GSM và xuất hiện đầu tiên tại thị trường Anh.

Bộ sưu tập điện thoại hiếm của dân chơi Sài Gòn 8

Bộ sưu tập điện thoại cổ của anh Lân đều được sản xuất trước năm 2005, tức đã hơn 10 năm, như chiếc Nokia 9210i thiết kế dạng gập trượt độc đáo ra mắt năm 2002 này.

Bộ sưu tập điện thoại hiếm của dân chơi Sài Gòn 7

Bên cạnh đó, anh Lân còn sưu tập thêm các thiết bị số cổ quý hiếm khác. Ericsson MC218 ra mắt năm 1999 là mẫu PDA đời đầu và được ví là “ông tổ” của máy tính bảng hiện nay. Tuy nhiên, do được sản xuất giới hạn nên không nhiều thông tin về mẫu sản phẩm này trên mạng.
“Tôi có thể khẳng định Ericsson MC218 đầy đủ hộp và phụ kiện như thế này chỉ còn 1 – 2 chiếc tại Việt Nam mà thôi, còn ở trên thế giới cũng chưa tới 2 chục chiếc. Đây là thiết bị tôi quý như vàng không chỉ bởi sự quý hiếm, mà còn bởi nó được một người mà tôi rất quý, đặt hàng ngay tại nhà máy và tặng tôi thay vì mua qua các nhà phân phối”, anh Lân nhấn mạnh.

Bộ sưu tập điện thoại hiếm của dân chơi Sài Gòn 9

Ngoài điện thoại cổ, anh Lân cũng sưu tập khá nhiều đồ cổ khác như điện thoại bàn, máy hát, TV… “Chơi đồ cổ hay bất cứ thứ gì đều phải có đam mê, đó là điều kiện quan trọng nhất để duy trì nó. Nếu không, bạn sẽ rất nhanh chán. Tất nhiên, bạn cũng cần đến sự kiên trì và chịu khó tìm hiểu, sưu tầm. Đồ cổ là đồ không có sẵn, do đó chỉ có siêng năng (và một chút may mắn), bạn mới sở hữu được những món khiến người khác ‘ghen tị’ mà thôi. Ngoài ra, có kiến thức là lợi thế để có thể tìm cho mình những sản phẩm ưng ý, tránh bị lừa gạt và biết một chút về sửa chữa để khắc phục thiết bị nếu có sự cố xảy ra”, anh chia sẻ.

Theo Bảo Lâm
Nguồn: vnexpress.net


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: