Cấp cứu Sài Gòn sẽ… như Tây


Cấp cứu Sài Gòn sẽ... như Tây 1

Sở Y tế TP.HCM vừa trình UBND TP, Bộ Y tế đề án đào tạo chuyên viên sơ cấp cứu ngoại viện để đáp ứng mạng lưới cấp cứu ngoại viện của TP theo mô hình mới – đặt các trạm cấp cứu vệ tinh khắp nơi.

Cấp cứu Sài Gòn sẽ... như Tây 1

Xe cấp cứu ở trạm cấp cứu vệ tinh BV đa khoa Xuyên Á.
Ảnh: BV Xuyên Á cung cấp

Theo đó, Sở Y tế TP chọn mô hình cấp cứu ngoại viện mà các nước Anh, Mỹ, Úc và một số nước châu Á áp dụng, gọi là Paramedic. Với mô hình này, các trạm cấp cứu vệ tinh sẽ được đặt ở nhiều nơi trong TP. Hệ thống xe cấp cứu được trang bị dụng cụ sơ cấp cứu, thuốc men; đặc biệt nhân viên trên xe là các chuyên viên không phải bác sĩ, nhưng họ được đào tạo tốt kỹ năng sơ cấp cứu.

Hệ thống điều hành trung tâm là ngay thời điểm cần thiết có thể biết TP có bao nhiêu xe cấp cứu có thể huy động được, nơi xảy ra chuyện gần xe nào nhất và trung tâm điều hành ngay. TP không phải dư xe cấp cứu nhưng nếu sử dụng được hết số xe đang có thì sẽ đáp ứng tăng lên 20 – 30 lần so với hiện tại

TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM

“Rải” vệ tinh khắp nơi

TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, cho biết: “Sau khi đoàn chuyên viên Sở và các bác sĩ bệnh viện (BV) qua các nước tìm hiểu về hai mô hình cấp cứu ngoại viện trên thế giới là Samu (Pháp và một số quốc gia châu Âu áp dụng) và Paramedic thì thấy mô hình Paramedic phù hợp nhất với TP đông dân, nhiều phương tiện, dễ xảy ra kẹt xe như TP.HCM. Với mô hình này, trạm cấp cứu vệ tinh sẽ được đầu tư rải khắp các điểm trọng tâm, cửa ngõ của TP nhằm kịp thời đến hiện trường sơ cấp cứu ban đầu, sau đó chuyển về BV thích hợp”.

Theo mô hình này, dự kiến sẽ só 25 trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại TP (trung bình mỗi quận huyện có 1 trạm). Khi hoàn thành mạng lưới cấp cứu ngoại viện vệ tinh, Trung tâm cấp cứu 115 hiện tại sẽ trở thành trung tâm điều phối cấp cứu. Khi tiếp nhận thông tin người dân cần cấp cứu, trung tâm sẽ điều phối trạm cấp cứu vệ tinh thuận tiện nhất đến hiện trường. “Qua hệ thống công nghệ, trong quá trình xe của trạm vệ tinh di chuyển, nếu xảy ra kẹt xe, trung tâm sẽ kịp thời điều phối xe của trạm vệ tinh khác đến nơi nhanh hơn. Ngoài ra còn áp dụng hệ thống báo động đỏ, với những ca cấp cứu nặng sẽ báo động đến các BV chuyên khoa để sẵn sàng phối hợp kịp thời”, ông Thượng chia sẻ.

Trên thực tế, khi chọn phương án “rải” nhiều trạm cấp cứu vệ tinh, TP cũng tận dụng được các xe cấp cứu và cơ sở vật chất cần thiết tại các BV quận, huyện. Đến nay, TP cũng đã thành lập được các trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại BV Q.Bình Tân, BV Triều An, BV đa khoa Xuyên Á, BV Q.Thủ Đức, BV Q.2, BV Q.7, BV đa khoa Sài Gòn… Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ triển khai thêm tại một số BV khác.

Theo kế hoạch, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM (có sự phối hợp của một trường đại học của Úc) sẽ là nơi đào tạo các chuyên viên sơ cấp cứu. Trước mắt sẽ thí điểm đào tạo hệ trung cấp.

Kết nối tất cả các bệnh viện

Theo TS-BS Tăng Chí Thượng, với mô hình này, không cần đầu tư xe cấp cứu “hoành tráng” như mô hình Samu (có thể thực hiện ca phẫu thuật ngay trên xe), bởi TP quá đông đúc, chật hẹp, xe “bề thế” di chuyển rất khó khăn, không đến hiện trường kịp thời, không tận dụng được thời gian vàng trong sơ cấp cứu. Hơn nữa, với mô hình cấp cứu Samu, bắt buộc nhân viên phải là bác sĩ, điều này rất khó đáp ứng tại VN, vì rất khó tuyển bác sĩ làm công tác này.

TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM (nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP), đánh giá nhu cầu cấp cứu của người dân rất đa dạng, từ bệnh tim mạch, đột quỵ, tai nạn, chấn thương… và thuộc mọi lứa tuổi. Do vậy, không một BV nào đủ khả năng đáp ứng tất cả các loại hình cấp cứu và thích hợp với tất cả nhu cầu đó. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, như Pháp có mô hình trung tâm cấp cứu ngoại viện, xe cấp cứu chạy đến hiện trường, xử trí tại chỗ và đưa về BV phù hợp nhất, gần nhất. Tại Mỹ là mô hình Paramedic, tức người đến hiện trường cấp cứu không phải là bác sĩ mà là người được đào tạo chuyên về cấp cứu ngoại viện, xử lý trực tiếp tại hiện trường rồi chuyển về BV.

Ông Giang nhìn nhận không có một trung tâm nào đủ mạnh về xe, năng lực, nhân lực để đảm đương nổi hoạt động cấp cứu cho TP với 12 triệu dân (tính cả người tạm trú), kể cả nhà nước hay tư nhân đầu tư. “Hệ thống cấp cứu của chúng ta vốn dĩ tồn tại phân tán và cứ để như vậy rất lãng phí. BV nào ở VN cũng có xe cấp cứu. Chẳng hạn, BV tại TP có trên 200 xe cấp cứu nhưng lâu nay trung tâm cấp cứu khi cần cũng không đụng vào được là rất bất hợp lý”, ông Giang nói.

Theo ông Giang, điều TP cần làm là có một trung tâm điều hành để kết nối hệ thống toàn bộ lực lượng có thể tham gia cấp cứu, kể cả các BV. Cần giao quyền cho Trung tâm cấp cứu 115 và đầu tư cho họ hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh để điều phối mạng lưới cấp cứu toàn thành. “Hiện nay, khi xảy ra một sự cố, chủ tịch TP hỏi ngay bây giờ có thể có bao nhiêu xe cấp cứu đi xử lý và các xe đang nằm ở đâu? Đố ai trả lời ngay và chính xác được. Muốn biết phải hỏi xuống dần mất rất nhiều thời gian nên việc phản ứng trước các sự cố là không kịp thời”, ông Giang nói và cho rằng: “Hệ thống điều hành trung tâm là ngay thời điểm cần thiết có thể biết TP có bao nhiêu xe cấp cứu có thể huy động được, nơi xảy ra chuyện gần xe nào nhất và trung tâm điều hành ngay. TP không phải dư xe cấp cứu nhưng nếu sử dụng được hết số xe đang có thì sẽ đáp ứng tăng lên 20 – 30 lần so với hiện tại”.

Cấp cứu Sài Gòn sẽ... như Tây 2

Bác sĩ Võ Quang Huy, Phó giám đốc điều hành Trung tâm cấp cứu 115 TP, cho biết sắp tới trung tâm sẽ trang bị hệ thống “nghe cùng lúc”, tức cuộc gọi cấp cứu sẽ nối từ trung tâm chính đến các trạm vệ tinh và sẽ nghe đồng thời, rút ngắn thời gian chỉ đạo. Với những địa bàn hiện chưa có trạm vệ tinh thì sẽ gọi nhờ hỗ trợ từ BV quận, sau đó xuất xe từ trung tâm đi. Sau này nếu có cơ chế phối hợp và Sở Y tế cho phép thì sẽ đặt thiết bị định vị trên các xe cấp cứu để phối hợp.

Theo các bác sĩ, kết nối hệ thống cấp cứu là làm sao toàn bộ hệ thống từ tư nhân đến nhà nước đều do một trung tâm điều hành nhưng không xâm phạm đến quyền giám đốc BV, tức chỉ điều xe khi xe rảnh. Vấn đề này nhà nước đóng vai trò chủ đạo và huy động mọi lực lượng trong xã hội tham gia.

Cần đầu tư mạnh hơn

PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng hệ thống cấp cứu ngoại viện hiện nay trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng còn yếu, chưa làm tốt công tác sơ cứu và cấp cứu. Phần lớn các trường hợp cấp cứu là bệnh nhân tự đến các BV. Hệ thống cấp cứu ngoại viện lâu nay hoạt động không chuyên nghiệp, trong khi gặp rất nhiều khó khăn – dân số gia tăng, mật độ dân cư ở một số vùng quá lớn, giao thông tắc nghẽn, lòng tin của người dân cũng như thói quen sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện hầu như chưa có. Do vậy, TP cần đầu tư mạnh hơn, hợp lý hơn cho hệ thống này.

Theo Thanh Tùng – Duy Tính/Thanh niên


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: