Chuyên gia: ‘Trận mưa lịch sử cảnh báo TP HCM chống ngập sai cách’


Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, trận mưa lịch sử 5 hôm trước như là lời cảnh báo về cách chống ngập từ xưa đến giờ không hiệu quả và cần thay đổi tư duy.

Trận mưa hôm 26/9 khiến TP HCM ngập nặng, ông đánh giá thế nào về5 nguyên nhân thành phố chỉ ra nặng như: cống quá nhỏ, người dân xả rác gây tắc hệ cống thoát nước…?

Những nguyên nhân này không mới, như việc người dân xả rác lấn chiếm kênh rạch là từ mấy chục năm rồi. Ở góc độ quản lý, thành phố phải vận động mọi người cùng giữ vệ sinh nhưng đồng thời cũng phải định vị những khu vực hay bị nghẽn rác, có những đội ứng cứu đảm bảo cống không bị ngăn dòng chảy… chứ không thể cứ đổ cho ý thức người dân.

Chuyện cống nhỏ cũng có nhiều cách giải quyết, đơn giản là cải tạo to ra. Không có tiền vẫn có thể xử lý bằng cách điều chỉnh dòng chảy không cho nước tụ về một nơi nhanh quá.

Có một điểm quan trọng nằm ngoài tầm của cơ quan chống ngập đó là mật độ xây dựng, bê tông hóa quá cao. Khi mưa xuống nước chỉ chảy trên bề mặt, không thẩm thấu, tốc độ chảy rất nhanh dồn xuống chỗ thấp thì gây ngập thôi.

mua-ngap-9753-1475056147-5952-1475277944

TP HCM bị ngập nặng sau cơn mưa lịch sử chiều tối 26/9. Ảnh: Duy Trần

Còn nguyên nhân do biến đổi khí hậu khiến vũ lượng mưa ngày càng lớn (trên 100 mm) và tần suất xuất hiện ngày càng nhiều (mỗi năm 3 lần) thì sao?

Theo tôi không phải thành phố ngập do mưa quá lớn, mà thật sự vì bề mặt thẩm thấu nước mưa bị thu hẹp. Nếu nói biến đổi khí hậu làm cho mưa ngày càng lớn thì các khu vực khác vì sao không ngập, trong khi mưa nhỏ nhiều nơi vẫn ngập. Thành phố vịn vào cớ mưa quá to nên bất lực là không đúng.

Dù cống chỉ chịu được 90 mm, song nếu mình có quy hoạch phù hợp, có hồ điều tiết, kênh rạch, khống chế được dòng chảy thì sẽ không bị ngập.

Nước từ chỗ cao chảy xuống thấp tốc độ rất nhanh, lại chảy tràn trên mặt như vậy thì không đường cống nào chịu nổi. Giờ thành phố có làm cống 200 mm đi nữa vẫn ngập như thường, đây là do thiếu sự phối hợp. Vấn đề giải quyết ngập không phải là mưa bao nhiêu mm mà là tổng hợp liên quan đến quy hoạch, nhiều sở ngành.

Ví dụ như nâng đường mà không nâng nhà là đã gây ngập rồi. Hay quận Bình Thạnh là vùng thấp, giờ mình cho xây nhiều khu nhà, khu đô thị cao tầng thì tất nhiên những khu đó ít ngập, vì nền cao hơn do xây sau. Nhưng nó sẽ gây ngập cho khu vực xung quanh. Cũng như kẹt xe, thấy chỗ nào tắc thì mình xây cầu, mở rộng đường nhưng thực chất chỉ là việc chuyển kẹt xe từ nơi này sang nơi khác, không giải quyết được triệt để.

– Là chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và thiết kế, giảng viên đại học tại Bắc Mỹ, ông đánh giá thế nào về việc chống ngập của TP HCM hiện nay? 

Ngập là vấn đề khoa học, không mông lung như xã hội nên hoàn toàn có thể giải quyết được. Bằng chứng là nhiều nước đã thành công trong việc chống ngập, như Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan…

Chúng ta hoàn toàn có thể tính được lượng mưa xuống bao nhiêu mm trong năm; thấp nhất, cao nhất bao nhiêu và khi mưa xuống bề mặt bê tông hóa là bao nhiêu; diện tích mặt nước, cây xanh, hồ điều tiết, dung lượng cống ra sao… Nếu có những thông số này thì theo khoa học mình sẽ tính được hết.

Trung tâm chống ngập đang tập trung vào việc cố gắng giảm các điểm bị ngập nhưng bao nhiêu năm vẫn không hiệu quả. Vì xóa chỗ này thì nó xuất hiện chỗ khác. Vấn đề chính là nước mưa trên trời rơi xuống, phải đưa chúng ra lại kênh rạch mà không làm ảnh hưởng đến đô thị. Trọng tâm không phải giải quyết những điểm ngập mà là vấn đề thoát nước cho toàn địa bàn thành phố. Mình sẽ điều chỉnh tốc độ chảy, hướng chảy và có những khu vực tạm chứa nước để bơm ra sông. Nó là một bài toán khoa học và vượt quá tầm của trung tâm chống ngập rồi.

– TP HCM cần làm gì để chống ngập hiệu quả? 

Trận mưa lớn nhất trong 40 năm qua đã gây thiệt hại lớn cho người dân, song nó là điều may mắn khi cảnh báo cách chống ngập của thành phố không hiệu quả. Thành phố nên xem lại cách tiếp cận và thay đổi tư duy về vấn đề này. Tức là phải xây dựng một kịch bản hoàn chỉnh, nên lùi một bước để nghiên cứu lại chiến lược chống ngập một cách toàn diện, trong đó có chương trình chống ngập cụ thể cho từng vùng.

Hiện, thành phố vẫn còn lúng túng vì các sở ngành chưa phối hợp với nhau. Vấn đề thoát nước ảnh hưởng đến rất nhiều sở ngành từ giao thông vận tải, xây dựng đến quy hoạch, tài chính… Cần giao một Phó chủ tịch UBND nhận trách nhiệm, lãnh đạo các ban ngành vào cuộc, do cấp sở ngành hay trung tâm chống ngập không đủ quyền điều hành các đơn vị khác.

– TP HCM ngày càng ngập nặng được cho là do sai lầm trong quy hoạch xây dựng khi xóa sổ kênh rạch ở quận 7, Nhà Bè để xây các khu đô thị mới, trong khi đây là nhưng “lá phổi” thoát nước cho thành phố.

Cách nhìn như thế là không đúng. Một đô thị lớn như TP HCM lúc trước không phát triển về phía Nam là do mắc sông Sài Gòn, khó khăn và tốn kém cho việc xây cầu; thứ hai là do chiến tranh, bắc qua sẽ bị phá. Lúc đó thành phố chưa phát triển nhiều, chỉ vài triệu người thì không việc gì phải xây dựng xuống phía Nam – vùng đất thấp cho tốn kém. Bây giờ thành phố hơn 10 triệu dân rồi, hòa bình rồi thì phát triển về phía Nam là tất yếu.

Nhìn ra thế giới, nhiều thành phố có quy mô, địa hình giống TP HCM như Thượng Hải (Trung Quốc), London (Anh)… người ta vẫn xây dựng, kể cả vùng đất thấp. Nhưng có một lý do họ hơn mình là quy hoạch ở vùng đất thấp khác, cao khác. Vấn đề là do mình quản lý kém để cho người dân lấn chiếm, lấp ao hồ, kênh rạch.

Theo Hữu Công/vnexpress


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: