Cướp giật tài sản đang trở thành một “nét riêng” của tội phạm ở Sài Gòn, không chỉ áp lực với du khách, người dân mà cả các cơ quan chức năng. Loại tội phạm này bùng phát mạnh từ vài chục năm trước. Trước tình hình đó, một lực lượng chuyên trách để trấn áp loại tội phạm này được gọi là SBC (săn bắt cướp – tiền thân của lực lượng hình sự đặc nhiệm hiện nay) được thành lập. Theo đại tá Nguyễn Sĩ Quang – Trưởng phòng Tham mưu Công an (CA) TP.HCM, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng cướp giật tài sản gây bức xúc cho người dân có liên quan đến công tác quản lý các đối tượng nghiện. Đối tượng này chiếm tỷ lệ rất cao trong các vụ án cướp giật tài sản. Cướp giật ở Sài Gòn không chỉ gây áp lực với du khách, người dân mà cả các cơ quan chức năng – Ảnh mang tính minh họa: Internet. – Theo ông có thể nói cướp giật tài sản hiện nay gần như là một “nét riêng” của tội phạm ở TP.HCM không? – Đại tá Nguyễn Sĩ Quang: Nói như vậy cũng không sai, tội phạm trên cả nước cũng bị ảnh hưởng nhiều từ văn hóa, địa lý, vùng miền… Như Hải Phòng thì có loại tội phạm mang tính chất băng nhóm, có tổ chức, xã hội đen nên trước đây Hải Phòng có một lực lượng chuyên trách chống loại tội phạm băng ổ nhóm. Hay như Hà Nội, mấy năm trước cũng thành lập lực lượng 141 để đối phó với loại tội phạm có tính chất côn đồ, thường mang dao, kiếm trong người. TP.HCM thì nổi lên tình trạng cướp giật tài sản. – Vậy, theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng cướp giật tài sản đang là mối lo mỗi ngày của người dân, làm xấu đi hình ảnh TP.HCM trong mắt bạn bè quốc tế? – Đặc thù của TP.HCM là đường sá nhiều, rộng, thoáng, các hẻm thông nhau nhiều, đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thực hiện các vụ cướp giật tài sản dễ tẩu thoát khi bị truy đuổi. Tôi từng đọc một số bình luận của bạn đọc trên báo mạng về một số vụ cướp giật tài sản, theo những bình luận này, thì người dân vẫn có thái độ thờ ơ trước những vụ cướp xảy ra ngay trước mắt. Có thể là do người ta ngại nguy hiểm, nhưng tâm lý “ai lo người nấy” cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một nguyên nhân quan trọng nữa là công tác quản lý các đối tượng nghiện. Theo ước tính của chúng tôi, TP.HCM có trên 11.000 người nghiện, số này chiếm tỷ lệ rất cao trong các vụ cướp giật tài sản. Còn vì sao các đối tượng cướp giật tập trung vào du khách vì du khách thường không cảnh giác cao bằng người dân bản địa, dễ sơ hở hơn, đồng thời tài sản thường mang theo trên người. – Trước tình hình tội phạm cướp giật đang gây bức xúc, lực lượng công an có kế hoạch gì để đẩy lùi loại tội phạm này? – Để đẩy lùi được loại tội phạm cướp giật tài sản, chúng tôi xác định CA là lực lượng nòng cốt, nhưng cũng cần sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cần những giải pháp đồng bộ. Về phía lực lượng CA, chúng tôi đang triển khai kế hoạch chống tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản ở khu vực trung tâm. Lực lượng cảnh sát cơ động và hình sự đặc nhiệm sẽ tăng cường tuần tra. Đồng thời, CA TP.HCM cũng kiến nghị và được Chủ tịch UBND TP đồng ý, giao Sở Du lịch nghiên cứu thành lập lực lượng bảo vệ du khách – giống như mô hình cảnh sát du lịch ở một số nước. Ngoài ra, CA TP.HCM cũng lên kế hoạch huy động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, mô hình các câu lạc bộ hiệp sĩ, thanh niên xung phong. CA TP.HCM cũng kiến nghị và được UBND TP đồng ý, giao Sở Lao động – thương binh – xã hội chủ trì phối hợp với CA TP và các cơ quan liên quan, kiến nghị Trung ương điều chỉnh hành lang pháp lý cho phù hợp để quản lý các đối tượng nghiện có nơi cư trú. Như tôi đã nói, các đối tượng nghiện chiếm tỷ lệ rất cao trong các vụ cướp giật tài sản, không quản lý được các đối tượng này thì khó có thể kéo giảm được tình trạng cướp giật. Ngoài ra, CA TP.HCM cũng triển khai kế hoạch, tập trung đánh mạnh vào nơi tiêu thụ tài sản của các đối tượng cướp giật. Nhóm PV CT-XH | Báo Phụ nữ