Khủng hoảng sân chơi cho trẻ: Thiếu tiền hay thiếu quan tâm?


Chỉ còn vài ngày nữa là gần 2 triệu học sinh tiểu học, trung học của TPHCM bước vào kỳ nghỉ hè hơn 3 tháng. Các vị phụ huynh bắt đầu quan tâm việc vào hè sẽ cho các cháu vui chơi ra sao?

Hamlet Trương góp phần mang ánh sáng mới cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Sự khác biệt thú vị giữa học sinh Hà Nội và Sài Gòn

Đọc sách trong những ngày hè của trẻ em TPHCM

Đọc sách trong những ngày hè của trẻ em TPHCM

Đây cũng là vấn đề đặt ra để giải quyết trong quá trình xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt.

Vừa thiếu vừa đơn điệu 

Một kịch bản cứ lặp lại theo chu kỳ, các gia đình giàu có sẽ cho con đi học chương trình hè ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Mỹ và Singapore; những gia đình khá giả hơn cho con tham gia học kỳ quân đội; các khóa học trải nghiệm, du lịch trong và ngoài nước cùng gia đình. Số đông còn lại cho con học thêm và quanh quẩn trong nhà không biết đi đâu.

Hiện TPHCM rất thiếu sân chơi cho trẻ em. Ngoài những khu du lịch như Suối Tiên, Đầm Sen ra thì không biết đi đâu. Công viên không những ít mà còn không có công viên dành riêng cho trẻ em. Mỗi công viên có một góc nhỏ kinh doanh những loại trò chơi đơn giản và “xưa như trái đất” như thú nhún, nhà banh, cầu tuột…

Tuy mấy năm gần đây có xuất hiện một số địa điểm vui chơi mới thuộc loại đẳng cấp như nhà băng, tổ hợp vui chơi đa năng của tư nhân, nhưng hầu hết tập trung ở quận 7 và giá cả không hề bình dân. Chi phí mỗi chuyến đi của con cái có kèm cha mẹ tốn không ít hơn cả triệu đồng.

Vấn đề nan giải nhất trong mỗi kỳ nghỉ hè là ai sẽ quản trẻ bậc tiểu học và trung học cơ sở trong thời gian cha mẹ đi làm (nhiều người đi làm từ sáng đến chiều tối)? Tâm lý chung của phụ huynh là không dám để các cháu nhỏ tự ra đường đi chơi do giao thông quá nguy hiểm và những rủi ro khác không lường trước được; trong khi cha mẹ buộc phải bươn chải vì cuộc sống mưu sinh hàng ngày nên nhiều gia đình đành chọn cách để các cháu ở nhà. Vậy là các cháu phải tự giam mình trong nhà, hậu quả, cháu nào cũng trở thành game thủ, “tín đồ” của tivi và ăn vặt. Sau 3 tháng hè thấy cháu nào cũng lờ đờ, uể oải.

Thực sự có rơi vào hoàn cảnh gia đình đơn, tức là chỉ có cha, mẹ và con, không có ông bà thì mới hiểu được tại sao nhiều gia đình có nhu cầu cho con đi học hè. Việc học hè không hẳn đã hướng đến kiến thức mà đơn giản chỉ là gửi chúng vào “nhà giữ trẻ lớn”. Xem ra trẻ em thành phố không có mùa nghỉ hè vui như trẻ em nông thôn. Nếu mùa hè ở thành phố được coi như gánh nặng thì ngược lại trẻ em vùng thôn quê có bao điều háo hức. Chỉ những ai trải qua ngày tháng bơi sông, bắt bướm, thả trâu, bắt cá… mới thấy tuổi thơ thật tuyệt!

Nhìn ra các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan mới thấy cách thức tổ chức sinh hoạt hè cho trẻ em ở các thành phố lớn rất khác chúng ta.

Vào kỳ nghỉ hè hay nghỉ đông, trường học của họ không đóng cửa mà vẫn hoạt động bình thường; chỉ có điều họ chuyển trọng tâm từ việc học sang vui chơi có định hướng. Buổi sáng, các em tự đi đến trường bằng xe buýt đưa đón hay xe buýt công cộng.

Ở các quốc gia tiên tiến, giao thông công cộng được tổ chức rất an toàn, sạch sẽ nên cha mẹ yên tâm khi con sử dụng phương tiện này.

Ở trường, các em chọn sinh hoạt theo nhóm, câu lạc bộ tùy sở thích và năng khiếu. Trường nào cũng có hồ bơi, phòng thể thao đa năng, phòng thi đấu bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, võ, học vẽ, học nhạc, nặn tượng… Các em được học dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo chuyên môn, các sinh viên thiện nguyện từ các trường đại học thể dục thể thao, mỹ thuật, âm nhạc.

Ngoài ra các em còn có chương trình dã ngoại, tham quan các viện bảo tàng, khu bảo tồn thiên nhiên. Các em lớn còn được tham gia thu hoạch sản phẩm nông nghiệp ở các nông trang táo, nho, khoai tây…

Ước mơ về những cánh rừng

Mùa hè là thời gian để học sinh nghỉ ngơi nhằm tái tạo sức khỏe và tâm lý. Thông qua những trò chơi để hình thành các kỹ năng mềm, sự khéo léo, tinh thần đồng đội. Với các nước phát triển thì kỳ nghỉ hè chỉ là mở rộng hoạt động của nhà trường sang phát triển các kỹ năng mềm  chứ tuyệt nhiên không phải trả các em về cho gia đình quản cho xong chuyện như ở Việt Nam.

Một điều rất khác nữa là trong công tác quy hoạch đô thị được luật định như ở Mỹ, Hàn Quốc, Philippines thì mỗi khu dân cư buộc phải có ít nhất một công viên, vườn hoa và góc chơi cho trẻ em. Những địa điểm này là chỗ chơi cho trẻ vào cuối ngày, cuối tuần; còn nghỉ dài ngày, sẽ có những chương trình trải nghiệm khác.

Thành phố chúng ta rộng hơn rất nhiều so với các thành phố khác trong khu vực và trên thế giới. Với diện tích 2.100km2, chúng ta có thể thiết kế nên nhiều điểm vui chơi an toàn và bổ ích cho trẻ em.

TPHCM là nơi có thu nhập đầu người cao nhất nước, điều kiện kinh tế và kỹ thuật khá tốt, nhưng rất thiếu sân chơi cho trẻ em là điều thật khó lý giải. Vì lẽ đó, một trong các lý do rất nhiều chuyên gia nước ngoài khi đến làm việc tại Việt Nam không muốn mang theo vợ con. Họ cho rằng, ở thành phố này chưa phải là “thiên đường” dành cho trẻ em và mức độ an toàn thấp.

Thiết nghĩ, thành phố có thừa tiền để xây các nhà hàng, khách sạn, cao ốc, chung cư cao cấp với tốc độ chóng mặt, nhưng sao lại thiếu tiền để xây dựng các cơ sở sinh hoạt chất lượng cho trẻ em?

Đáng nói hơn, thời gian qua, các trường học xây dựng mới ở các quận đô thị hóa, huyện ngoại thành với quỹ đất khá rộng, nhưng rồi cũng lại xây kiểu trường học truyền thống cách nay vài trăm năm là chỉ có sân trường và lớp học, trong khi trên thế giới họ đã thay đổi hẳn quan niệm trường học từ tiểu học tới đại học là tổ hợp đa chức năng.

Một ước muốn giản dị là TPHCM có được một vài cánh rừng đâu đó ở Hóc Môn, Củ Chi, quận 9… để cuối tuần, các gia đình cùng con cái tới đó dạo chơi, tổ chức BBQ như ở Paris, Seoul, Mátxcơva… Ước muốn này liệu có quá tầm với của TP.HCM

Theo SGGP


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: