Kỳ lạ, khu chợ lúc nhúc côn trùng


cho-con-trung-1

Độ “lúc nhúc” của khu chợ khiến người mới thấy có cảm giác rùng mình

Từ sâu non, cào cào, châu chấu đến cả rết, giun đất, thằng lằn … đều nằm lúc nhúc trong những chiếc thùng xốp tạm – chợ côn trùng khiến bất kỳ ai yếu bóng vía đều phải rùng mình.

Chợ không vốn

Khoảng sân nhỏ hẹp nằm bên hông Thuận Kiều Plaza, quận 5, TP.HCM từ lâu đã biến thành chợ côn trùng của người dân thành phố. Từ sáng sớm tinh mơ, các “tiểu thương” đã mang đặc sản côn trùng của mình đến bày la liệt. Từ bình dân như dế, cào cào, cho đến “loài hiếm” như rết, ve con, .v.v. đều có thể tìm được ở đây.

cho-con-trung-2

Người chơi chim, cá cảnh, câu cá, … là khách ruột của khu chợ độc đáo này

Giá cả các loại côn trùng cũng tương đối dễ chịu. Dế, cào cào vì có cánh nên được cột vào trong bọc để sẵn, với giá 5.000 – 7.000 một bịch, tùy theo mùa. Sâu, giun đất, đựng đầy trong các thau nhựa, thùng xốp. Đắt tiền nhất phải kể đến các loại sâu non với giá từ 10.000 – 12.000 đồng một lon nhỏ xíu.

cho-con-trung-3

Sâu non là thức ăn khoái khẩu của các loài chim nhỏ

Anh Nguyễn Văn Tài, 43 tuổi, ngụ Hóc Môn, người bán sâu bọ ở đây được 3 năm vừa bán hàng vừa nói: “Mùa nào thì loài đó, ve con tới dịp hè là rộ, nên giá giảm chút đỉnh. Dế có thể nuôi được, bởi vậy giá bán ổn định 5000 đồng một lon. Con rít cho gà đá ăn, phải bắt rất cực, nên lâu lâu mới có, bán giá cũng mắc hơn”.

cho-con-trung-4

Có thể mua sâu bọ, côn trùng theo lạng hay mua bọc cột sẵn

Bà Trần Thị Kim Lan, 57 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh chia sẻ: “Cái nghề này được ở chỗ là không bỏ vốn, chỉ tốn công đi thôi. Công đi bắt, rồi công ngồi cả ngày ở đây nữa, có khi chỉ kiếm được mấy chục, mà có lúc hên lại được 200.000 đến 300.000 đồng một ngày”.

Chợ … bình yên

Nghề không vốn, nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Bởi vậy, “tiểu thương” ở đây đa phần là dân nghèo ở các vùng ngoại ô đổ về buôn bán.

cho-con-trung-5

“Chợ không vốn” nên “tiểu thương” đa phần là dân nghèo ngoại ô

Anh Tài cười nói: “Ờ thì không bỏ vốn, mà đi chụp từng con cào cào cũng gay ăn lắm à. Từ Hóc Môn chạy xuống đây cũng xa, dân bán ở đây toàn ở vùng ven, mấy chỗ đó mới có đồng có bụi rậm để bắt côn trùng, mà dạo này đô thị hóa lên tới đó luôn rồi, từ từ phải tìm cách nuôi côn trùng mới mong giữ nghề”

cho-con-trung-6

Thùng dế đen đặc gây cảm giác ớn lạnh cho những người chưa quen

Vì sợ mất khách, những người buôn bán ở đây đã tìm cách nuôi thêm cào cào, thằng lằn, dế, … Anh Tài chia sẻ: “Đồ nuôi với đồ bắt khác nhau lắm, người mua thường xuyên họ biết liền. Tất nhiên là côn trùng nuôi rẻ hơn, ít dinh dưỡng hơn mấy con tự tay bắt. Bởi vậy, dẫu nuôi được những cũng chỉ là bán kèm thêm những mùa khan hiếm, chủ yếu cũng đi bắt thôi”.<

cho-con-trung-7

Một góc nhỏ rộn tiếng chim của chợ côn trùng

Và từ lâu, dân chơi chim cảnh, người mê câu cá,… cũng tụ hội về đây, khiến mảnh chợ nhỏ lọt thỏm giữa thị thành lại rộn rã tiếng chim ca, hòa cùng tiếng dế. Cái cảnh sâu bọ, côn trùng đen đặc, lúc nhúc với những người mới thấy sẽ không khỏi rùng mình ớn lạnh. Thế nhưng, một lần đến với chợ côn trùng sẽ phát ghiền, bởi tiếng dế, tiếng ve, tiếng người cười nói, khác hẳn với cảnh xô bồ đặc trưng của các khu chợ người, hàng đông đúc.

Nguồn: Bá Nguyễn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: