Mẹ con ‘ve chai’ bới từng thùng rác hạnh phúc với những huy chương học giỏi


Không chồng, không người thân, một mình chị Hà ngày đêm bới các thùng rác nhặt ve chai kiếm tiền nuôi con ăn học. Cậu con trai học thật giỏi với nhiều giải thưởng liên tiếp và cũng cùng mẹ nhặt ve chai ở khắp nẻo đường.

Xúc động mẹ già nhặt ve chai kiếm ngày 30 nghìn chạy thận cho con gái

Đời vui khi có con mưu sinh cùng mẹ

Ngày cậu con trai mang về tấm huy chương đồng toán trong kỳ thi học sinh giỏi 30 tháng 4 là ngày chị vỡ òa trong hạnh phúc.

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Vậy mà người phụ nữ nhỏ bé này đã vừa làm cha, vừa làm mẹ, một mình nuôi con vượt qua bao nhiêu sóng gió của cuộc đời.

Chị ve chai Nguyễn Thị Ngọc Hà (53 tuổi) đã không còn xa lạ gì với người dân ở khu Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vì dù nắng hay mưa vẫn chăm chỉ đi khắp các ngõ ngách. Cũng phải thôi vì đó là nguồn thu nhập duy nhất để chị nuôi con trai ăn học.

Một mình nuôi con

Chúng tôi tìm đến nhà trọ của mẹ con chị Hà vào buổi sáng đầu tháng 11. Căn phòng chưa đầy 20 mét vuông chất đầy chai lọ và bịch ni-lông, chị Hà ngại ngùng mời chúng tôi ngồi lên tấm nệm đã ngả màu. Chị nói: “Đây vừa là chỗ ngủ, vừa là chỗ cho con trai để sách vở và kê bàn học”.

Cuộc đời chị, cho đến giờ này, tất cả niềm vui nỗi buồn, hạnh phúc hay đau khổ đều xoay quanh cậu con trai nhỏ.

0

Khi chị mang thai hai tháng cũng là lúc chồng bỏ đi với người phụ nữ khác. Vừa đau khổ, vừa tủi cực nhưng được cha nuôi động viên nên chị vẫn giữ lại cái thai. Cha nuôi cũng là người duy nhất đã cưu mang chị từ khi chị bị cha mẹ ruột bỏ rơi.

“Ngày khai sinh cho con, tôi có nói ông chồng cũ đứng ra nhận con để sau này con lớn đỡ tủi nhưng ổng một mực không chịu. Thế nên phần họ tên cha trong khai sinh của con tôi để trống. Cũng từ đó, tôi và ổng không còn gặp nhau nữa”, chị Hà nhớ lại.

2

Để tránh lời ra tiếng vào, chị không ở cùng cha nuôi nữa mà tìm phòng trọ tại Thanh Đa rồi ai kêu gì chị làm đó để nuôi con. Phần lớn thời gian chị đi bới các đống rác để nhặt từng cái ly nhựa, từng miếng các-tông rồi gom lại để một tuần chở ra vựa bán một lần. Ngoài ra, chị còn vác gạo thuê lên chung cư và làm rửa ly cho một cửa hàng giải khát. Tất cả số tiền ít ỏi này chỉ vừa đủ cho hai mẹ con trả tiền nhà và mua thức ăn.

7

Biết hoàn cảnh của chị nên nhiều người thường xuyên giúp đỡ bằng cách kêu chị tới cho ve chai hoặc hôm nào dư đồ ăn cũng hâm lại rồi cho chị bỏ túi mang về. “Nhất là các quán cơm, nhiều hôm đồ ăn bán không hết họ gom lại vào một bịch rồi gọi tôi tới lấy. Nhờ vậy, tôi mới có thể lo cho con ăn học tới ngày hôm nay”.

Chị Hoa luôn tự hào với thành tích học tập của con. Mỗi lần nghĩ tới con chị Hà lại có động lực để tiếp tục làm bất kể nắng hay mưa.

4

Bà Nguyễn Thị Vạn (số nhà 101 đường D2) cho biết: “Mấy lần nhìn thấy thằng bé mặc áo học sinh đi cùng mẹ nhặt ve chai nên tui gọi lại hỏi thăm thì biết hoàn cảnh. Từ đó tui kêu con tui làm tiệm photocoppy rằng có giấy hư thì để lại cho cô này tới lấy chứ không bán ve chai, rồi đồ ăn hôm nào nấu nhiều quá thì tui cũng bỏ tủ lạnh gọi cổ lên lấy về”.

Rưng rưng hạnh phúc

Đáp lại tình yêu thương và sự hy sinh của mẹ, em Nguyễn Hoàng Duy, con trai của chị đã đạt thành tích nổi bật trong học tập như: huy chương đồng toán học Olympic 30.4, giải thưởng Credit hóa học Hoàng gia Úc năm 2015, học sinh giỏi Toán, Anh cấp trường cùng nhiều giải thưởng khác.

10

Chị Hà nhớ lại: “Ngày con trai mang về tấm giấy khen đầu tiên tôi sung sướng lắm. Chỉ cần con luôn học tập tốt thì bao nhiêu khổ cực chẳng là gì”.

Hiện nay, Duy đang là học sinh lớp 12A1 trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) và mới được tuyên dương Gương sáng học đường trong buổi chào cờ đầu tuần ngày 31.10 tại trường.

Chị Hà hạnh phúc: “Con được tuyên dương mà không nói gì hết, chỉ về đưa học bổng và giấy khen cho tôi. Đến hôm sau lên trường đón con, thấy hình con được để giữa sân trường kèm dòng chữ gương sáng học đường mà tôi vừa run vừa tự hào”.

Ngay từ khi vào lớp Một, Duy đã hiểu được rằng từng đồng tiền mà mẹ kiếm ra không phải là dễ dàng mà đó là sự gom góp từ rất nhiều, rất nhiều ve chai. Do vậy, mỗi khi đi ngoài đường thấy ai quăng vỏ lon hay chai nước là em lại nhặt về.

6

Duy chia sẻ: “Lúc ở trường thấy ai quăng chai lọ hay ly nhựa là em lượm rồi để vào giỏ xe đạp đợi tới tối học xong thì lục các thùng rác ở trường để tìm thêm rồi cùng về với mẹ. Bạn bè ở trường không những không chọc mà khi có ve chai mấy bạn còn mang tới trường hoặc kêu em qua nhà lấy nên em cũng không ngại gì cả”.

8

Ngoài giờ học Duy thường đi nhặt ve chai cùng với mẹ. Nhiều khi trên đường đi học về, dọc đường thấy ai quăng chai, lọ em cũng đều dừng xe nhặt rồi để vào giỏ xe

Nói về tương lai, Duy hơi khựng lại và giọng nhỏ dần, em nói em muốn học đại học ngoại thương hoặc trường kinh tế nhưng nghe mọi người nói học phí đại học rất cao, em không biết khi đó gánh ve chai của mẹ có đủ để em trang trải học phí hay không.

“Nhưng chỉ có học mới giúp em sau này có thể tự lập và chăm sóc mẹ nên em sẽ ráng vừa học vừa làm chứ quyết không bỏ học”, Duy khẳng định.

Cô Trương Thúy Diễm, Giáo viên chủ nhiệm của em Nguyễn Hoàng Duy cho biết tại trường Duy là học sinh chăm ngoan, nghe lời thầy cô và luôn cố gắng. Vì có giấy xác nhận hoàn cảnh khó khăn nên Duy được miễn 100% học phí và thẻ BHYT được một phụ huynh của học sinh khác mua giúp.

9

Em Duy cùng mẹ nhặt ve chai đã nhiều năm nay nên những người dân ở đây ai cũng quen mặt. Duy nói chỉ cần phụ giúp được mẹ, còn bạn bè cũng chẳng bao giờ trêu chọc mà có ve chai còn kêu em tới nhà để lấy

Tan học, Duy ở lại cùng mẹ nhặt ve chai ngay tại trường rồi mới về. Với Duy, nhặt ve chai tại ngay ngôi trường mình học cũng không có gì đáng phải ngại.

Theo Thanh niên


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: