“Tour hoàng hôn” trên sông Sài Gòn bị khai tử


TP.HCM được thiên nhiên ưu ái với các con sông đẹp uốn lượn qua TP. Tuy nhiên, ngành du lịch đường sông vừa ra đời chưa lâu đã “mắc cạn”.

Vài lưu ý nhỏ cho du khách khi du lịch Sài Gòn

4 điểm du lịch ‘mới toanh’ gần Sài Gòn khiến giới trẻ phát cuồng

20 điểm du lịch mát mẻ, có thể đi về trong ngày cho những ngày Sài Gòn siêu nóng

TP.HCM có tiềm năng lớn phát triển du lịch đường sông với hơn 2.000km sông chảy qua các quận huyện - Ảnh: Quang Định

TP.HCM có tiềm năng lớn phát triển du lịch đường sông với hơn 2.000km sông chảy qua các quận huyện – Ảnh: Quang Định

Dọc các nhánh sông Sài Gòn, một số tàu du lịch nổi tiếng một thời cập cảng đón khách ở bến Bạch Đằng nay phải tứ tán, chờ thanh lý.

Nhiều tour du lịch đưa khách thưởng ngoạn Sài Gòn qua các con sông ra đời từ năm 2011 nay đã phải đóng cửa. Chỉ một vài hãng du lịch cố cầm cự, hoạt động cầm chừng.

Tàu thanh lý, 
tour đóng cửa

Vừa qua, nhiều hãng du lịch đề xuất đầu tư các cầu tàu tại kênh Tàu Hủ dọc đại lộ Võ Văn Kiệt. Tuy nhiên các điểm này cũng chỉ để trả khách chứ không đủ điều kiện đón khách. Đây là những đề xuất sau khi tour du lịch ngắm hoàng hôn Sài Gòn (giới khách Tây lẻ hay gọi là “Sunset river tour”) đã phải đóng cửa.

“Nhiều du khách chia sẻ với tôi rằng TP các bạn có rất nhiều giá trị tiềm năng nhưng sao không khai thác? Như tháp Eiffel (Pháp) và cây cầu Mống cùng do một đơn vị thiết kế, xây dựng nhưng tháp Eiffel thu hút hàng triệu khách mỗi năm, cầu Mống thì nhếch nhác, chưa được khai thác đúng tầm…

Bà Dương Thanh Thủy (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Thủy)

Quay lại quá khứ, vào tháng 2-2011, tour ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn ra đời sau khi khách Tây thích thú thuê những chiếc ghe vào buổi hoàng hôn để ngắm cảnh.

Những bức ảnh và video cảnh hoàng hôn thơ mộng trải dài trên mặt sông, ánh lên các mái nhà ngói xưa cũ được khách đăng tải đầy trên các mạng xã hội.

Sau khi tour này ra đời, “tàu Đông Dương chạy hẳn 10 chuyến/ngày, toàn là khách Tây” – một thuyền viên kể lại. Giờ thì khác rồi, khách Tây đến bến Bạch Đằng nhưng các tàu du lịch không còn nữa, tour này cũng đã “khai tử” vì không có điểm đón khách.

Tour hoàng hôn chỉ là một điển hình cho hoạt động cầm chừng của các tour du lịch đường sông hiện nay ở TP.HCM. Đi dọc sông Sài Gòn trải dài từ quận 1 về đến quận Bình Thạnh, quận 2, qua huyện Nhà Bè thấy nhiều tàu bè, canô du lịch nằm rải rác ở các bãi tự phát.

Ngay cả các tàu lừng danh một thời ở cảng Bạch Đằng như tàu 168, tàu Mỹ Cảnh… cũng chỉ hoạt động cầm chừng.

Ngay như Saigontourist, từ năm 2011 đã đầu tư năm tour du lịch đường sông với nhiều tàu du lịch từ 30-100 chỗ/tàu cùng bốn canô 16 chỗ. Đặc biệt, có cả một tàu nhà hàng với sức chứa 600 khách. Nhưng nay “tàu Bình Quới và một tàu gỗ khác quy mô 100 chỗ ngồi đã phải thanh lý. Các tàu còn lại neo đậu ở bến của chúng tôi tại Bình Quới 2, hoạt động cầm chừng chờ ngày thanh lý. Trong khi đó, một số tour đường sông trong tình trạng khách cứ thưa dần, thưa dần” – ông Nguyễn Thành Lâm, phó giám đốc tàu nhà hàng Sài Gòn (phụ trách các tour du lịch đường sông của Saigontourist), cho hay.

 Khách du lịch đi thuyền thưởng ngoạn cảnh trên kênh Nhiêu Lộc, TP.HCM - Ảnh: Hoài Linh

Khách du lịch đi thuyền thưởng ngoạn cảnh trên kênh Nhiêu Lộc, TP.HCM – Ảnh: Hoài Linh

Không có bến đón khách

Theo chân hai khách người Canada đang dò hỏi trên bến Bạch Đằng để tìm tàu du ngoạn trên sông, sau gần một giờ dò hỏi, hai vị khách này đã bỏ đi.

“Chúng tôi thuê khách sạn ở quận 1, phía công ty du lịch bảo phải di chuyển ra quận Bình Thạnh mới có tàu đi” – anh Luke Smith nói.

Theo các công ty lữ hành thì hiện nay các khách đoàn đăng ký tour sông đều phải đưa về cầu tàu ở khu du lịch Tân Cảng để khách lên tàu.

Ngày 31-3-2015, bến Bạch Đằng chính thức đóng cửa nhằm phục vụ việc quy hoạch chỉnh trang công viên cảng du lịch Bạch Đằng.

“Ngày đó các tàu du lịch, canô du lịch chạy tứ tán. Nhiều tàu du lịch tư nhân đóng cửa khiến hàng loạt nhân viên, thủy thủ phải xin qua làm tàu vận tải” – ông Nguyễn Xuân Trường, một người hoạt động trong ngành du lịch đường sông, nói.

Với thâm niên hoạt động trong ngành du lịch đường sông của TP.HCM từ năm 1999, ông Nguyễn Thành Lâm cho rằng tình hình các tour du lịch đường sông vắng khách từ khi cảng Bạch Đằng phải đóng cửa vào tháng 3-2015.

Một số hãng lữ hành đã đầu tư bến cảng nhưng đều manh mún và xa trung tâm, đặc biệt là các điểm này không thể neo đậu tàu. Đây cũng chính là lý do khiến các tàu du lịch hiện nay nằm rải rác khắp trên sông Sài Gòn, các tàu nằm hoen gỉ vì ế ẩm.

“Lượng khách đi các tour du lịch đã giảm 40-60% so với thời điểm trước năm 2015. Sáu chiếc tàu của chúng tôi đã đầu tư thì bốn chiếc đang hoạt động cầm chừng” – ông Lâm kể.

Ông Lâm cho biết thêm hồi trước thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật công ty ông đều bán vé các tour đường sông rất chạy nhưng nay khai thác cầm chừng.

Do bến đón khách xa khó tập kết khách, bến không có chỗ neo đậu tàu nên mỗi lần có khách tàu phải di chuyển đến điểm đón khách khiến chi phí đầu vào đội lên…

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhìn nhận TP sau điều chỉnh quy hoạch đóng cửa bến cảng Bạch Đằng mà chưa có giải pháp quy hoạch thay thế đã khiến ngành du lịch khai thác trên sông Sài Gòn gặp khó.

Định hướng sắp tới, ông Vũ nêu TP.HCM đang muốn phát triển du lịch đường sông và theo quan điểm của ông, sẽ cần có bến tàu ở khu trung tâm để phục vụ khách du lịch.

Dòng kênh lãng mạn về chiều tối uốn quanh TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN THANH HẢI

Dòng kênh lãng mạn về chiều tối uốn quanh TP.HCM – Ảnh: NGUYỄN THANH HẢI

Tiếc nuối các tour 
đường sông

Chiều 18-11, chúng tôi theo chân nhóm khách Singapore hơn 30 người lên thuyền đi dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Thời điểm này nước dâng lên cao, mặt trời đỏ rực ẩn hiện trên mặt nước. Cả hai con thuyền êm ả lướt trên dòng nước qua cầu Kiệu, cầu Bùi Hữu Nghĩa, cầu Điện Biên Phủ, cầu Bông… trong những câu chuyện lịch sử về các cây cầu mà cô hướng dẫn viên tên Trúc kể.

“Trước đây dòng kênh này ô nhiễm nặng nhưng sau khi chính quyền TP.HCM cải tạo thì hiện nay dòng kênh có thể khai thác du lịch như hôm nay” – Trúc nói với khách.

Nhiều khách du lịch trầm trồ khi có chiếc ghe ghé vào bán các loại trái cây Nam bộ. Tại khúc kênh đoạn cầu Bông, nhiều vị khách lớn tuổi bỗng đứng cả dậy say sưa nghe đờn ca tài tử…

Tuy nhiên, Davson Soh, một vị khách quốc tịch Singapore, nói thẳng: “Sông Sài Gòn đẹp quá, lại có nhiều nhánh chảy xuyên vào trung tâm TP. Tài nguyên này chẳng khác gì của Singapore hoặc của Ý. Nhưng tiếc là chúng tôi ít được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp hay công trình kiến trúc (như nhà sàn chẳng hạn), chỉ thấy xe máy và hàng quán ăn nhậu hai bên sông”.

Ở một con tàu khác chạy dọc tuyến sông Sài Gòn từ quận 1 về cầu Sài Gòn (quận 2) đông đảo khách nước ngoài thích thú thưởng thức các món ăn và ngắm cảnh Sài Gòn về đêm lung linh. Một nữ nhà báo người Pháp cùng nhóm bạn của cô đứng hẳn lên nhảy cùng dàn nhạc đồng quê trên tàu.

“Tôi đến TP.HCM lần thứ hai và cũng là lần thứ hai đi tour du lịch ngắm TP từ trên sông. Nhưng năm nay mọi thứ đã thay đổi, chúng tôi khó khăn để tiếp cận các tàu du lịch vì họ dời về các khu vùng ven” – cô nói.

Mới đây, ban giám đốc cảng Sài Gòn còn thông báo là qua quý 1-2017 sẽ không được đậu tàu ở cảng này nữa. Ông Phan Xuân Anh – Công ty Du Ngoạn Việt – nói: “Chúng tôi cũng sững sờ, rất tiếc, mong muốn TP cho giữ lại khoảng 500 – 1.000m trong tổng số 8km bến cảng để đậu tàu du lịch. Hãy dành một phần khoảng không cho du lịch đường sông, bởi nó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn làm đẹp TP”.

Nên có bến tàu du lịch ở quận 1

Theo ông Nguyễn Thành Lâm, Nhà nước cần sớm có quy hoạch bến cho các tàu du lịch neo đậu và đón khách. “Bến đón khách nên ở trung tâm quận 1 để khách thuận tiện đi lại và có thể khai thác được cả khách trong nước chứ không riêng khách nước ngoài” – ông Lâm nói.

Theo TTO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: