TP.HCM không xây trung tâm hành chính ngàn tỉ


Việc không xây trung tâm hành chính (TTHC) tập trung là để tiết kiệm ngân sách, quỹ đất và phù hợp với đặc thù của TP.HCM.

TP.HCM mạnh tay chi 53 tỷ đồng bước đầu xây khu Trung tâm hành chính

Văn phòng UBND TP.HCM vừa thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến về việc xây dựng TTHC.

Theo đó, TP.HCM sẽ không xây TTHC tập trung để tiết kiệm ngân sách, quỹ đất và phù hợp với đặc thù của TP.HCM. Hằng ngày, TP.HCM nhận đến mười mấy ngàn hồ sơ. Số lượng hồ sơ lớn, nếu dồn cả về một khu TTHC trong khi cơ sở hạ tầng chưa theo kịp sẽ khó đảm bảo tốt an toàn giao thông, tình hình an ninh trật tự…

Nguồn ngân sách của TP.HCM cũng đang còn nhiều khó khăn, tỉ lệ điều tiết ngân sách cho địa phương giảm từ 23% xuống 18%. Vì vậy, nếu xây dựng một khu TTHC quy mô sẽ gây lãng phí vì phải tìm quỹ đất lớn và đầu tư lớn.

UBND TP.HCM sẽ sử dụng trụ sở này để làm việc.

UBND TP.HCM sẽ sử dụng trụ sở này để làm việc.

Trong thời gian tới, thay vì xây dựng một khu TTHC quy mô nhưng tốn kém, TP.HCM chủ trương tiếp tục đẩy mạnh triển khai mô hình một cửa liên thông điện tử kèm với dịch vụ trực tuyến tại từng sở/ngành để phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Hướng thực hiện là sẽ phân công cụ thể cho từng sở/ngành, đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận, trả kết quả xử lý hồ sơ theo từng lĩnh vực cụ thể như đô thị, y tế, giáo dục…

Chẳng hạn, việc cấp giấy phép xây dựng sẽ do Sở Xây dựng tiếp nhận và giải quyết. Nếu hồ sơ có liên quan đến công việc của các sở/ngành khác thì chính Sở Xây dựng sẽ phải có trách nhiệm liên hệ, xử lý thay vì bắt người dân, doanh nghiệp cầm hồ sơ chạy lòng vòng như hiện nay.

Giải pháp nữa được TP.HCM hướng đến là đẩy mạnh áp dụng chữ ký số để triển khai hướng dẫn các sở/ngành, quận/huyện chuyển sang sử dụng văn bản điện tử, tiến tới thay thế và chấm dứt sử dụng hình thức văn bản giấy ngay trong năm 2017.

Hiện tại, hầu hết các sở/ngành của TP.HCM chủ yếu vẫn đang sử dụng văn bản giấy và trao đổi qua đường bưu điện nên mất rất nhiều thời gian trao đổi hồ sơ, công việc. Điều này cũng khiến người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để đến làm việc trực tiếp với cán bộ nhà nước.

Việc sử dụng văn bản điện tử thay văn bản giấy sẽ giúp hạn chế sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan công quyền, đảm bảo minh bạch, công khai. Đồng thời, sẽ giúp rút ngắn thời gian trao đổi giữa các sở/ngành chức năng. Qua đó giúp chấm dứt tình trạng cán bộ phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.

Trước đó, TP.HCM đã chọn phương án xây dựng TTHC rộng 18.000 m2, được giới hạn bởi bốn tuyến đường Lê Thánh Tôn – Pasteur – Lý Tự Trọng – Đồng Khởi. Đây sẽ là nơi làm việc của tám cơ quan nhà nước với 90 phòng ban trực thuộc gồm khoảng 1.700 người, do một công ty của Nhật thiết kế.

Các cơ quan sẽ được bố trí tại khu TTHC sau khi xây dựng xong là Văn phòng UBND TP.HCM, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Ban Đổi mới doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giao thông vận tải.

Hiện tại, nhiều tỉnh/thành trong cả nước đã xây TTHC hàng ngàn tỉ đồng như Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Lai Châu, Khánh Hòa, Nghệ An.


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: