Trải nghiệm “chợ trời” Sài Gòn – Kỳ 1: Bí mật nguồn gốc những món hàng


Nhiều vật dụng, hàng hóa từ: đồ điện tử, giày dép, mỹ phẩm… được bày bán nhiều nơi ở lề đường Sài Gòn. Vậy, thực chất nguồn gốc, chất lượng… những món hàng “chợ trời” này như thế nào?

Khu chợ trời huyên náo, tấp nập người mua kẻ bán ở Sài Gòn - Ảnh: Trác Rin

Khu chợ trời huyên náo, tấp nập người mua kẻ bán ở Sài Gòn – Ảnh: Trác Rin

Vào một ngày cuối tháng 2, tôi bắt chuyện và làm quen với ông Đ. (46 tuổi, ngụ H. Bình Chánh, TP.HCM), người có thâm niên bán “chợ trời” được mười mấy năm.

Sau khi nghe kể những “thủ thuật ma” về nghề bán chợ trời, tôi ngỏ ý xin theo ông Đ. học nghề. Đắn đo một hồi, Đ. đồng ý nhận tôi làm “đệ tử” cho đi theo phụ bán ở chợ trời.

Khu chợ trời nằm ngay ngã tư Lý Thường Kiệt – Tân Phước (quận 10, TP.HCM) luôn sầm uất - Ảnh: Trác Rin

Khu chợ trời nằm ngay ngã tư Lý Thường Kiệt – Tân Phước (quận 10, TP.HCM) luôn sầm uất – Ảnh: Trác Rin

Bán cát chứa… vàng

Đi bụi đời từ thuở nhỏ, Đ. vốn làm đủ thứ nghề và trải qua nhiều cay đắng của cuộc đời. Cũng từ những lúc lang thang nơi đầu đường xó chợ ở Sài Gòn, Đ. quen biết nhiều thành phần khác – những người có hoàn cảnh tương tự như: lượm ve chai; gái bán dâm; người lang thang…

Ngày đầu tiên gặp “sư phụ”, tôi được Đ. dẫn đi theo bán những túi ni lông, bên trong chứa cát lẫn ít vàng còn xót lại mà Đ. mua ở những tiệm gia công vàng, xong đem đi bán kiếm lời.

Sau khi được chứng kiến màn cò kè với khách, từ giao lộ Nguyễn Văn Linh – Quốc lộ 50 thuộc huyện Bình Chánh, Đ. dẫn tôi luồn qua nhiều tuyến đường để đến nơi “giang sơn” của riêng ông.

Hàng hóa thì “đa chủng loại”, từ giày dép, loa, linh kiện điện tử cho đến đèn chiếu nhiều màu trên sân khấu… - Ảnh: Trác Rin

Hàng hóa thì “đa chủng loại”, từ giày dép, loa, linh kiện điện tử cho đến đèn chiếu nhiều màu trên sân khấu… – Ảnh: Trác Rin

Sau hơn 20 phút chạy xe, Đ. dừng ở giao lộ Lý Thường Kiệt – Tân Phước (quận 10), khu vực được xem như thủ phủ chợ trời, bán đủ linh kiện điện tử ở Sài Gòn.

“Trải bạt ra, dọn đồ nhanh lên”! Đ. giục. Lúc này khoảng 18 giờ, trên đoạn đường đã có khá nhiều người bày bán đủ loại vật dụng. Có vẻ rất có vị thế, khi Đ. vừa bỏ đồ xuống, nhiều người khác đã vội dọn hàng đi để “nhường” vị trí đẹp cho Đ. bán. Hàng hóa của Đ bao gồm: những đôi giày, cũ có, “xịn” cũng có. Rồi cả những bóng đèn của giới nhà giàu, đôi boxing, ốp lưng điện thoại, quần áo… Tất cả được tôi và ông Đ. bày biện một cách nhanh nhất.

Nhiều đôi giày được Đ. mua về đã cũ rích, giá chỉ từ 5 – 10 ngàn đồng/đôi. Có đôi mốc meo, có đôi thì rách bươn và bị hở keo nên tôi được Đ. dạy cách đánh giày, “trang điểm” lại để khách thấy bắt mắt. Đ. qui định, hiá bán mỗi đôi giày được vài chục ngàn đồng và bật mí chắc chắn “mang được vài ngày hầu hết sẽ… vứt đi vì hỏng”.

Những động tác được Đ. ra sức hướng dẫn như: mở nắp hộp xi, cách thoa xi lên giày, cách dùng bàn chải chà đều hết các vị trí của giày. Tôi lần lượt đánh hết đôi này đến đôi khác để “tân trang” lại hàng dưới sự chỉ dẫn của Đ.

“Hà hà, đâu phải dễ ăn đâu, ai mua cứ nói 70, 80 ngàn. Mà 20 ngàn cũng bán luôn, đồ ăn cắp mà bán chi cho cao. Kệ, đứa nào nó tưởng rẻ thì cứ mua đi, về mấy bữa là hư liền. Giày ngon ai bán giá đó đâu mà mày lo lỗ”. Đ. quả quyết khi thấy “đệ tử” chê bán rẻ.

Ngoài ra, sạp của Đ còn có cả các vật dụng khác như: bóng đèn, máy sấy tóc, cân điện tử, cục sạc điện thoại… cũng được bày bán, nhưng hầu hết đều hỏng hóc, không xài được.

Sắt luôn cả đồng nghiệp!

Tối ngày 27.2, khi thấy trên tấm bạt trải bán có 6 bóng đèn trông đẹp, chỉ chuyên dùng cho giới nhà giàu nên Hậu (27 tuổi), người “hàng xóm” bán chợ trời ngay bên cạnh chạy qua hỏi mua.

“Thôi đi ba, bán rẻ cho tao về tao xài coi. Đ.M, mày làm như tao mua đi bán lại vậy, 6 cái ba chục nhanh nhanh nè. Anh em không chứ ai đâu”. Sau màn cò kè, Đ. đồng ý “chia rẻ” cho gã hàng xóm với giá 30 ngàn.

Những người bán chợ trời hầu hết lúc trẻ đều là dân bụi đời, sống lang thang nên có nhiều “mối” trộm – cướp bán lại - Ảnh: Trác Rin

Những người bán chợ trời hầu hết lúc trẻ đều là dân bụi đời, sống lang thang nên có nhiều “mối” trộm – cướp bán lại – Ảnh: Trác Rin

“Mày yên tâm đi, tao thử ở nhà hết rồi, đèn hư hết! Nó mua về có xài cũng không được chứ ở đó mà ham rẻ…”. Đ. nháy mắt nói nhỏ cho tôi.

Ban đêm Đ. bán ở giao lộ Lý Thường Kiệt – Tân Phước. Ban ngày thì bán ở đường Ngô Gia Tự, đoạn đối diện với công viên Văn Lang, thuộc quận 5.

Tỏ vẻ lo sợ khi khu vực này khá phức tạp thì tôi được Đ. trấn an ngay lập tức: “Cứ yên tâm, tao đã bán ở đây biết bao nhiêu năm rồi nên lo làm gì. Thằng bụi đời nào nó đụng tới cọng lông chân của mày, mày alo cho chú. Lúc đó má nó kêu nó chạy còn không kịp nữa…”.

Những vật dụng “đa chủng loại”, lại được bán với giá rẻ bèo như vậy, chắc hẳn nguồn gốc cũng có vấn đề. Qua những ngày theo chân Đ., tôi được chứng kiến nhiều tên trộm vặt ngang nhiên mang đồ tới bán.

Thậm chí, cả những người lang thang, lượm ve chai cũng đều được mấy “ông chủ” bán chợ trời “đặt hàng” trước, khi nào chôm được đồ sẽ đem đến bán…

(Còn tiếp)

Theo Trác Rin |Thanh Niên


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: