Ở xóm nhà lá, hàng chục trẻ em đến tuổi đi học nhưng cả ngày chỉ ở nhà. Cuộc sống tạm bợ buồn tẻ như bản làng miền núi dù ngay gần trung tâm TP HCM. Xóm nghèo đặc biệt nằm cách chân cầu Sài Gòn vài trăm mét, thuộc phường An Phú, quận 2, TP HCM. Nơi đây, hàng trăm dân nhập cư sống trong những ngôi nhà mái lá dừa dựng từ vật dụng bỏ đi như tôn, ván ép, gạch vữa. Cây cỏ um tùm mọc lên bên rạch nước tù đọng. Tuy chỉ cách xa lộ Hà Nội chừng 200 mét nhưng đường vào xóm đầy sình lầy và ngập nước. Nhiều năm trước, khi quận 2 bắt đầu phát triển, các cao ốc được xây dựng liên tục, cần một lượng lớn nhân công. Đó là lý do nhiều người dân miền Tây tìm đến làm việc. Càng về sau, số lượng ngày càng đông. Họ tập trung dựng lên những ngôi nhà tạm. Khu đất hiện được quy hoạch thành công viên trong đô thị mới của quận 2. Theo người dân, chính sách đền bù đất công viên không cao như đất nhà ở nên họ chưa thấy thỏa đáng và tiếp tục ở, không di dời. Những căn phòng lợp bằng tôn dựng sát sát nhau cho người nhập cư thuê, giá một phòng 4 người khoảng 1 triệu đồng. Khách hầu hết đến từ các tỉnh miền Tây như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh… Nam giới làm thợ hồ cho các công trình xây dựng, nữ thì mót sắt, bán hàng rong, phụ hồ… Không phải lúc nào phụ nữ lúc nào cũng kiếm được việc làm, do đó họ thường ở nhà chăm sóc con cái, lo cơm nước. Nuôi gà đá là một trong những sở thích đồng thời giúp kiếm thêm tiền của cánh đàn ông. Hàng chục hộ dân ở đây đều nuôi loại gia cầm này, giá bán bình quân 2-3 triệu đồng/con. Ăn ở, sinh hoạt hàng ngày diễn ra trong môi trường mất vệ sinh. Em Bùi Quang Phi (14 tuổi, ở Mỹ Tú, Sóc Trăng) học hết lớp 4 thì nghỉ hẳn rồi theo bố mẹ lên đây sinh sống. Do kiếm cái ăn hàng ngày còn khó khăn, hộ khẩu thì không có nên hầu hết cha mẹ đều phải cho các em nghỉ học. Trẻ nhỏ hàng ngày chỉ mỗi việc chơi loanh quanh trong xóm. Chị Võ Thị Thùy Dương (24 tuổi) có chồng hành nghề sửa xe máy, con trai 4 tuổi. Người phụ nữ đến từ Rạch Giá, Kiên Giang chia sẻ: “Ở quê chúng tôi làm ruộng khó khăn và cực quá nên mới phải tìm đường đến Sài Gòn mong sao có được cuộc sống tốt hơn”. Hàng ngày chị Dương thu mua sắt vụn, ngày nào không có thì ở nhà trông con. Người phụ nữ trẻ mong muốn khoảng 2 năm nữa gom đủ vốn liếng sẽ trở lại quê hương làm ăn, sinh sống. Cuộc sống trong những ngôi nhà dựng tạm bợ buồn tẻ như ở bản làng miền núi dù ngay gần trung tâm Sài Gòn náo nhiệt. Có những gia đình, cả ông bà con cháu đều chuyển từ quê lên đầy đủ để mưu sinh. Ông Hai, bị bệnh thấp khớp, đau lưng nặng nên phải ở nhà trông cháu cho con làm thợ hồ. Bé Nguyễn Hải Đăng (1 tuổi) sinh ra trong căn phòng lụp xụp này. Khi được hỏi có dự tính sau này cho cháu đi học hay không thì chị Yên Nhi (mẹ bé) chỉ cười rồi lắc đầu buồn bã. Người trong xóm tập trung lại tán gẫu qua ngày khi không có việc làm. Nơi đây có khoảng 20 em nhỏ nhưng tất cả đều không được đến trường. Nguồn: Hài An