Ban mai


Trước hôm tôi rời Sài Gòn, chị Nhân nhất quyết gọi tôi qua phòng ăn bữa cơm tạm biệt. Giữa căn phòng trọ rộng chưa đến 10 mét vuông, phải mất vài phút, chị mới dọn được một khoảng trống để đặt vừa mâm cơm. Căn phòng chị thuê 700 ngàn, ở ghép cùng hai người nữa. Đủ biết dạo này chị còn tằn tiện hơn cả ngày xưa.

Sông nước Sài Gòn

Có một nơi ở Sài Gòn nhịp sống tưởng ngừng trôi…

iblog.vn_439

Chị Nhân là người phụ nữ tiết kiệm nhất mà tôi từng biết. Hồi mới xuống Sài Gòn đi học, tôi ở chung với chị sau khi đọc được mẩu giấy tìm người ở ghép dán hờ hững trên cột điện. Ở chung với một người phụ nữ 35 tuổi chưa chồng, tối nào, trước khi đi ngủ tôi cũng phải báo cáo ngày mai mình sẽ ăn mấy chén cơm. Sáng sớm, trời vẫn còn mờ mờ, tôi đã nghe tiếng lách tách của dầu sôi, mùi thơm dậy lên của hành tỏi. Chị sẽ lùa vội chén cơm, bỏ cà mèn vào giỏ xe đạp, ra khỏi nhà từ 6 giờ 30.

Hầu như tối nào, chị cũng tăng ca về muộn. Họa hoằn bữa nào về sớm là lại đi nằm hoặc cao hứng rủ tôi đi uống nước mía “chị bao”. Có lần tôi trêu: “Chị Nhân không đi hẹn hò à?”. Chị cười buồn đáp: “Giờ chị quá lứa lỡ thì rồi, dễ gì kiếm được người nào nghiêm túc”. Nhắc đến yêu đương, chị lục trong chiếc rương bằng gỗ rất cũ những lá thư thẳng thớm nhưng đã ngả màu.

Đó là kỷ niệm tình yêu duy nhất trong đời chị. Họ là người cùng làng, lớn lên cùng nhau và yêu nhau từ năm 16 tuổi. Năm 17 tuổi, chị phải theo dì vào Sài Gòn làm công nhân để lấy tiền nuôi 3 đứa em ăn học. Từ những buổi hẹn hò nắm tay vụng trộm, thứ duy nhất hai người sống cách nhau hơn 2.000 cây số có thể trao được cho nhau là những lá thư tay có lời hẹn thề chung thủy. Nhưng sau 5 năm, những lá thư từ anh thưa dần. Lá thư cuối cùng chị nhận được chỉ vẻn vẹn 3 chữ: “Anh xin lỗi”. Giờ, mỗi lần về quê, chị cố tránh không nhìn vào ngôi nhà 2 tầng khang trang của vợ chồng anh ở đầu làng. Đêm hôm đó, chị thức trắng chong đèn đọc lại sấp thư cũ.

Vài năm sau, tôi sống ở chỗ khác và ít gặp chị. Một hôm, chị gọi điện: “Em qua chỗ chị lấy ít đồ về mà dùng. Mốt chị trả phòng”. Hôm gặp lại, tôi suýt không nhận ra. Chị chắc phải tăng cả chục ký. Chiếc áo rộng che cái bụng đã lùm lùm. Tôi muốn bật ra hàng đống câu hỏi đang tràn đầy, về những khoảng trống mà chị chưa kể. May mà chị bắt đầu trước: “Chị nghỉ việc rồi, vé tàu mua rồi. Chị về quê sinh con. Chị phải có một đứa con, chứ nếu cứ sống cô độc chắc sẽ chết héo thôi em ạ”. Câu chuyện gọn lỏn, chị không kể về cha của đứa bé.

Mùa hè năm sau, chị quay lại Sài Gòn và xin làm công nhân công ty cũ: “Một tháng chị ráng chỉ tiêu hơn 2 triệu thôi. Dành dụm để lấy tiền gửi về cho bà ngoại chăm con bé. Tên nó là Ban Mai đấy”. Ánh mắt chị lấp lánh như không hề chứa một nỗi hận gì với cha đứa bé: “May mà có nó. Chị phải để nó sống thật tốt, và không phải hy sinh tuổi thanh xuân vì ai cả”.

Tự nhiên, tôi chợt nhớ tới cái đêm nằm cạnh nghe chị thủ thỉ chuyện mối tình đầu thời thanh nữ, nhớ đến câu “quá lứa lỡ thì” vừa bình thản vừa trĩu nặng. Những người phụ nữ như chị phải đợi bao nhiêu đêm dài để có một ban mai?

Theo laodong


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: