“Có một phố Miên tồn tại giữa Sài Gòn?”. Nhiều người đã ngạc nhiên như thế. Để hiểu, nếu chỉ nhìn thoáng qua, con phố chẳng có gì đặc biệt. Mọi thứ đã bị ngôi chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10) bề thế lấn át. Ảnh hiếm về cuộc sống người Hoa ở Sài Gòn năm 1961 Chợ Campuchia giữa lòng Sài Gòn Bún Num Bo Chóc – hương vị bún cá đến từ Campuchia ở chợ Hồ Thị Kỷ, TP.HCM Không có những đền đài kiểu Angkor hay ngôi chùa Khơmer, phố Miên chỉ là những dãy nhà chật hẹp chạy ngang dọc thông nhau theo kiểu bàn cờ trên suốt con đường Hồ Thị Kỷ. Những lô chung cư cũng cũ kỹ, nhếch nhác. Áo quần phơi ngoài hành lang bay phất phới. Một khu lao động bình dân đúng nghĩa hiện bày trước mắt. Bất chợt, khách bắt gặp một ánh mắt lạ giữa dòng người cuồn cuộn. Đôi mắt đen đậm, buồn xa xăm. Dường như có điều gì rất lạ không thể giải thích được từ những đôi mắt nhìn của người Campuchia. Không ai có thể nêu đích xác thời điểm phố Miên xuất hiện. Theo nhiều người, phố Miên khởi nguồn từ những năm 70. Lớp cư dân đầu tiên là những người Việt sinh sống tại Campuchia hồi hương. Ngỡ chỉ là vùng đất tạm, nào ngờ phố Miên tồn tại đến ngày nay. Đất lành chim đậu, nhiều người Campuchia quen biết từ phía bên kia cũng lục tục kéo đến đây. Có người theo chồng theo vợ nên dọn về. Có người vì chuyện làm ăn mưu sinh hay học hành mà khăn gói đến phố Miên. Dần dà, phố Miên trở thành một đối trọng với cư xá đường sắt đối diện khiến con đường Lý Thái Tổ trở nên sầm uất hơn. Bây giờ, khách thường xuyên của phố Miên chính là những người Campuchia sang Việt Nam chữa bệnh. Bỡ ngỡ với đất Sài Gòn, họ tìm đến những đồng hương để được bảo bọc hay chỉ dẫn. Hôm nay, khách có thể dạo phố Miên bất cứ lúc nào tùy thích. Nhưng ngày xưa, nơi đây là vùng đất dữ. Người lạ trở thành những con mồi béo bở cho bọn côn đồ. Thuở ấy, cái nghèo khó đã khiến không ít người lao động phải làm liều giành giựt từng đồng bạc cắc cho mỗi bữa ăn. Phiên chợ hoa không nhộn nhịp và ấm cúng như hiện nay. Những cuộc xô xát, cãi cọ giữa các mối lái, khuân vác khiến cả khu vực biến thành một chảo lửa. Trong cơn lốc của ma túy trong thập niên 1990, phố Miên cũng bị tàn phá dữ dội đến tận hang cùng, ngõ hẻm. Những ngôi nhà vốn ọp ẹp lại càng thêm buồn vì suốt ngày đóng cửa then cài. Họ sợ vạ lây từ những con nghiện, người buôn bán ma túy. Nói về quá khứ đau lòng ấy, ông Nguyễn Anh Ngọc, một Việt kiều Campuchia cho biết: “Lúc đó, chẳng nhà nào dám cho trẻ ra đường vì sợ con mình hư đốn. Người lớn cũng không lên tiếng chào nhau vì còn nghi ngại. Cũng may, sau cơn mưa trời lại sáng…”. Phố Miên giờ đã “sạch”. Trẻ em lại được chạy nhảy khắp nơi. Nhiều nhà bày hàng ra buôn bán sáng đêm. Không còn những bước chân chạy rần rộ của cuộc thanh toán đẫm máu hay rượt đuổi ma túy. Nhưng người dân phố Miên vẫn còn ánh mắt buồn xa xăm. Tiếng vọng cổ nghe sầu não vẫn phát ra từ những mái nhà tôn cũ kỹ. Cuộc sống của họ vẫn cực nhọc quanh năm nhưng như thế đã là hạnh phúc. “Phố phường giờ đã đổi thay”, dì Năm Trầu vừa tản bộ, vừa cười nói. Câu chuyện lịch sử của phố Miên sẽ còn tiếp diễn với bao điều không thể đoán trước. Nhưng khi hết buồn, phố Miên bắt đầu bày ra cho khách một diện mạo của riêng mình không thể tìm gặp ở đâu khác. Đó chính là một con đường hẻm rộng chưa đầy 10m cho khách thưởng ngoạn đầy đủ hương sắc Campuchia qua các món ăn, sản vật trong mỗi buổi sáng sớm. Đầu hẻm là quán bún bò-chóc Tư Xê với những dòng chữ Campuchia ngoằn ngoèo khiến người tha hương chỉ nhìn thôi mà nhớ xứ sở da diết. Món này được chủ quán chế biến khá công phu khi đặt hàng mắm bò hóc tận Campuchia đưa sang hàng tuần. Đến phố Miên không ăn thử tô bún bò-chóc thơm ngon quả là đáng tiếc. Tô bún luôn nghi ngút khói, thoang thoảng mùi mắm đặc trưng của Campuchia. Khi ăn vào mùi mắm lại hóa thành vị thơm của cá khiến khách ngạc nhiên thú vị. Cách đó không xa là món bún sim-lo với những khứa cá giã nhuyễn trắng tinh lẫn với nghệ xào vàng ươm. Không bảng biển, bàn ghế tươm tất như bún bò-chóc Tư Xê, quán theo kiểu chồm hổm với dòng chữ ghi bằng tiếng Việt cẩu thả. Nhưng không vì thế mà quán vắng người. Dân sành ăn biết đến phố Miên nhiều hơn vì nơi đây bán món xôi Xiêm không bị lai căng. Món bánh trái bí đỏ với cách chế biến lạ lùng từ sữa vẫn còn được các hàng quán bỏ công thực hiện phục vụ khách hảo ngọt. Một góc khác của con hẻm là những gian hàng chạp phô với những gói đường thốt nốt, khô cá trèn, cá chệt đúng kiểu Campuchia màu vàng óng được xỏ trong những que tre theo hình cánh cung. Những chai dầu gió đỏ, chiếc võng rằn ri, xà bông với chi chít chữ Thái… cũng góp phần cho buổi sáng nơi đây có chút diện mạo Campuchia. Nhưng rồi mọi thứ nhanh chóng tắt ngấm khi qua giờ trưa. Phố Miên lại trở về những giây phút trầm lắng, chìm lẫn trong nhịp sống của người Việt. Người đi đường chỉ còn nhận thấy chút gì Campuchia qua những ánh mắt lạ xuất hiện lấp loáng trong những con phố. Theo dansaigon