(2SaiGon) – Sài Gòn tất bật, hối hả trở lại sau những ngày Tết. Cơn mưa trái khoáy, dữ tợn như trận đòn say của anh chồng vũ phu càng làm cho Sài Gòn thêm tất bật, hối hả. Buổi sáng, trôi trong dòng xe cộ cũng tất bật như thế, tôi bỗng nhận ra cây cầu Nhị Thiên Đường đang bị người ta tháo dỡ . Ba Cẳng – cầu đi bộ đầu tiên ở Sài Gòn TP.HCM sẽ xây cầu nối quận 7 với khu trung tâm thành phố Nhìn hàng lan can hoen rỉ, trơ vơ, những cây cột đèn màu xanh rêu xiêu vẹo, cũ kỹ cùng một vài chiếc đèn sứ trắng còn sót lại đang nằm la liệt trên mặt cầu, bất giác lòng tôi dậy lên một nỗi niềm trắc ẩn – nỗi niềm của một người đang đứng trước buổi hoàng hôn, tiếc nuối ngẩn ngơ nhìn vạt nắng chiều tà đang hấp hối ở phía chân trời. Bất giác lòng tôi dậy lên một nỗi niềm trắc ẩn Hồi đó nhà tôi ở bên này cầu, phía đường Liên Tỉnh 5 (Quốc lộ 50) , còn trường Tiểu học Xóm Củi nằm ở bên phía bên kia cầu (Trường Tùng Thiện Vương bây giờ). Ngày hai buổi đến trường, tôi đều phải đi ngang qua cầu. Không biết bao nhiêu vết chân bé bỏng, không biết bao nhiêu buồn vui thơ trẻ trong suốt năm năm tiểu học, tôi đã bỏ lại trên chiếc cầu này. Năm học lớp hai, mỗi bận tan trường tôi và một nhóm bạn cùng đường hay về chung nhau. Thật tình bây giờ tôi cũng không thể hình dung và nhớ hết các bạn. Chỉ ấn tượng Tố Hoa, cô bạn ở phía nhà thờ Bình Thái. Tố Hoa rất xinh xắn, giọng “Bắc kỳ” trong trẻo, dễ thương, hay nói líu lo suốt đường về (hy vọng bây giờ nếu Tố Hoa còn khỏe mạnh, đọc được những dòng chữ này sẽ nhận ra cô bạn đường ngày đó). Từ trường chúng tôi thường hay đi tắt men đường Kho Tròn cặp mé sông tới mang cầu rồi leo cầu thang để lên mặt cầu. Đi tắt cho gần chỉ là cái cớ. Thật ra là vì chúng tôi khoái leo cầu thang, thi nhau coi ai lên trước mà không … thở (thở dốc). Cây cầu thang dưới mang cầu Nhị Thiên Đường cũng đã từng “nuôi dưỡng” ước mơ thầm kín của con bé nhà nghèo: ráng học nữa lớn đi làm việc có nhiều tiền cất nhà lầu ở, leo cầu thang cho đã… Những bậc thang dưới mang cầu Nhị Thiên Đường cũng đã từng “nuôi dưỡng” ước mơ thầm kín của tôi Đây còn là nơi ghi dấu kỷ niệm của hai chị em tôi. Năm đó, tôi học lớp ba còn thằng em kế vừa vô lớp một. Tuy mới 9 tuổi nhưng tôi được má giao mỗi ngày đưa rước em trai tới trường mặc dù chỉ là dắt bộ nhau thôi. Mỗi khi qua cầu tôi thường nắm tay em thật chặt. Vì hễ em đi bên này thì tôi sợ em lọt sông còn em đi bên kia thì tôi sợ em bị xe quẹt. Có một bữa tan trường, hai chị em ghé nhà bạn Đông chơi, định một lúc thì về. Bỗng đâu trời đổ cơn mưa tầm tã. Đợi lâu mà mưa chưa tạnh. Sợ trễ, tôi dắt em dầm mưa về. Chừng tới ngang giữa cầu, chỗ có cái chòi canh của chú lính gác, mới phát hiện bỏ quên cái cặp. Tôi nảy ra “sáng kiến” gởi em cho chú lính, một mình trở lại nhà bạn lấy cặp. Sài Gòn hồi ấy bị kéo lệch múi giờ một tiếng lại gặp cơn mưa lớn nên mới khoảng sáu giờ chiều mà trời đã tối thui. Vừa sợ má đánh đòn vừa sợ ma, tôi níu em đi như chạy trong cơn mưa không dứt. Nắm bàn tay em lạnh ngắt, nghe em run rẩy trong bộ quần áo ướt sũng nước mưa, tôi giận mình, càng thương em đứt ruột. Bây giờ nhắc lại vẫn còn thương. Mỗi khi qua cầu tôi thường nắm tay em thật chặt Hồi chiến tranh ác liệt, lần đó cầu bị đánh sập, người ta bắc ngang sông một chiếc cầu phao (quen gọi là cầu nổi) dành cho người đi bộ và một số ít xe ưu tiên. Hồi đó ba lái xe jeep gắn bản số ưu tiên nên được qua cầu nổi Nhị Thiên Đường. Buổi trưa ba hẹn cả nhà về ăn cơm. Vừa qua cầu, ba thấy nhiều người dân bị thương được chở bằng xe máy, xe ba gác, xe xích lô đạp từ trong hướng Lò Than đi ra. Ba vòng xe lại, lợi dụng bảng số xe ưu tiên, cho khiêng tất cả nạn nhân qua xe ba chở thẳng qua Chợ Rẫy. Rồi ba lại vòng xe về nhắm hướng Lò Than chạy vô ra mấy bận chuyển nạn nhân đi cấp cứu, bất kể họ là ai, bất kể họ ở “phe” nào… Khi ba về đến nhà trời đã xế chiều, quần áo bê bết máu, làm má con tôi một phen “hồn phi phách tán”. Đó là bài học lớn về lòng nhân ái, nghĩa khí hào hiệp mà ba để lại cho chị em chúng tôi. Ai cũng có một dòng sông và một nhịp cầu cho riêng mình Rồi tôi lớn lên, vẫn ngày hai bận đi về, chứng kiến chiếc cầu ngày một cũ kỹ, già nua… Thì đời cầu cũng giống đời người. Cũng chỉ một kiếp mà thôi. Ai mà không sinh lão bệnh tử. Ai mà chẳng có thuở thanh xuân, chẳng có hồi già cỗi. Quy luật trời đất mà. Tôi lẩn thẩn đồ rằng, ai cũng có một dòng sông và một nhịp cầu cho riêng mình mà nhiều khi khó giãi bày với người khác. Riêng tôi, dầu sao đi nữa tôi cũng vẫn rất yêu Sài Gòn, yêu nhịp cầu mang tên Nhị Thiên Đường – tên của một loại dầu gió ngộ nghĩnh và thú vị – từng một thời là thiên đường tuổi thơ tôi. Thôi thì, xin mượn lời một bản tình ca mà từ giã thiên đường của tôi : “Vẫy tay, vẫy tay chào nhau, một lần đầu và một lần cuối. Vẫy tay, vẫy tay chào nhau một lần cuối và trọn cuộc đời”. Chào nhé cầu Nhị Thiên Đường! Bỗng dưng tôi nhớ Ba quá đổi Ngô Thị Thu Vân