Trong khi bạn bè háo hức làm hồ sơ xin việc, tôi cất tấm bằng, về Sài Gòn khởi nghiệp buôn hoa. Năm 1998, tôi đang là sinh viên ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Đà Lạt, nhận thấy mỗi dịp lễ lạt, hoa ở Sài Gòn rất đắt đỏ, thậm chí không có hàng để bán, liền nổi máu kinh doanh. Dịp 8/3, tôi vét hết tiền trong túi, mượn thêm bạn bè được một ít, “đánh” một chuyến hoa hồng từ Đà Lạt về Sài Gòn, trực tiếp đứng bán ở công viên Tao Đàn. Từ một bông hoa hồng giá hơn 1.000đ ở Đà Lạt, tính toán chi phí vận chuyển, hư hao… tôi bán giá 15.000đ nhưng vẫn “đắt như tôm tươi”. Những chuyến ”đánh quả” nhỏ lẻ dịp lễ tết thành công khiến tôi tin mình có thể sống được khi theo nghề này. Tác giả Hà Trung Trực bên vựa hoa đường Hồ Thị Kỷ, Q.10 Năm 1999, tôi tốt nghiệp đại học. Trong khi bạn bè háo hức làm hồ sơ xin việc, tôi cất tấm bằng, về Sài Gòn khởi nghiệp buôn hoa. Không có vốn thuê mặt bằng, tôi nhập hàng về và cố gắng kết nối khách hàng thật nhanh để bỏ sỉ. Tôi mạnh dạn mua về nhiều loại hoa như hồng, cúc, đồng tiền, bi, lay ơn… Chân ướt chân ráo vào nghề, tôi bị các vựa lớn làm khó bằng cách phá giá, tranh mối. Ít vốn, hoa lấy về bán không kịp, chỉ cần qua một ngày là bị hỏng. Tôi đánh liều gom vốn thuê nhà dân gần các sạp để làm địa điểm giao dịch, học lóm cung cách phục vụ, tìm khách hàng mới, kể cả khách hàng ở các tỉnh lân cận để mở rộng làm ăn. Có những buổi chiều hàng ế, ngồi nhìn các vựa lớn mua bán tấp nập, tôi như muốn đầu hàng. Làm sao để mình chen chân được vào giới buôn bán sôi động đó? Rồi tôi tự nghĩ, việc chen chân làm ăn giống như đi xe buýt, dù xe đã chật cứng người nhưng chỉ cần dừng bánh để mình bước một chân lên, thể nào sau đó mình cũng có một chỗ đứng và tiếp theo sẽ là một chỗ ngồi. Đang yếu vốn, tôi lại phải giam vốn vào việc “gối đầu”. Những cửa hàng lấy hoa của tôi về bán thường là cửa hàng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm buôn bán nên lỗ lãi. Có mối chẳng có tiền để trả, có mối trả lắt nhắt. Hoa ế, tôi phải đưa đi ký gửi ở các cửa hàng xa Sài Gòn. Ký gửi thì họ bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu, nếu họ bán được nhiều mà bảo bán ít cũng chịu, bởi hoa héo, hoa thối thì phải đổ đi. Tôi bỏ thêm thời gian để tuyển hàng đẹp, chăm chút từng cành hoa khi giao cho khách. Tôi cũng Chỉ cần bước được một chân lên xe buýt… nghiên cứu thêm về hoa để hiểu thế nào thực sự là một bông hoa đẹp và khỏe, khách hàng là những ai, họ có nhu cầu gì để đáp ứng ngày một tốt hơn. Tôi cũng tranh thủ tối đa để tìm đến thật nhiều cửa hàng hoa, tiếp thị sản phẩm của mình. Thời điểm năm 2000-2002, cách làm cẩn thận, lấy chữ tín làm đầu dần giúp tôi có được chỗ đứng. Khi bắt đầu thấy “ánh sáng cuối đường hầm” thì tôi bị một cú thất bại đau đớn. Năm 2002, ngoài việc thu mua hoa ở Đà Lạt, tôi còn ra Hà Nội để tìm thêm nguồn hàng vì ngoài ấy giá “mềm” hơn. Một chủ hàng đã lừa tôi bằng cách phủ lên trên kiện hàng hoa ôi (bị Trung Quốc trả lại) bằng những bông hoa mới. Tôi “ôm” trọn container 100.000 cành hoa ôi đó về mới tá hỏa, đành phải chở đi đổ. Mất hơn 160 triệu đồng, tôi cụt vốn, phải bán hầu hết những gì mình có để trang trải cho vụ thất bại này. Năm 2004, thị trường rộ lên phong trào chơi hoa ly ly. Trước đây, bán một bó hoa cúc tôi chỉ lời 500đ, nhưng bán ly ly, tôi có thể lời 5.000đ/ bó. Tôi nhanh chóng “hồi sinh” nhờ thành công với hoa ly ly. Có những thời điểm, tôi bỏ túi năm-bảy triệu đồng/ngày là bình thường. Không dừng lại ở việc mua – bán, tôi cầm vàng lên Đà Lạt, hợp tác với nông dân. Mỗi nhà, tôi cho mượn hai-ba cây vàng, không lấy lãi, để họ có vốn trồng ly ly. Nhờ vậy, tôi có được nguồn hàng ổn định, nhất là hàng cung cấp trong dịp Tết. Nhưng đời lại dạy tôi một bài học đau đớn khác. Khi đã khấm khá nhờ trồng ly ly, một số nông dân “tham bát bỏ mâm”. Thường ngày, khi hoa ế, tôi vẫn thu hoa cho họ với giá tốt, cốt để “nuôi” cho thị trường Tết. Nhưng khi Tết đến, họ chỉ bán cho tôi khoảng 10% sản lượng, còn lại bán cho những thương lái khác với giá cao hơn… Năm 2008, tôi thành lập Công ty Hoa Việt tại Đà Lạt, với tham vọng tạo ra điểm thu mua với số lượng lớn. Thế nhưng tôi thất bại, bởi không thể “phân thân” ở Đà Lạt và Sài Gòn. Những cộng sự của tôi ở Đà Lạt cũng không xông xáo như tôi kỳ vọng, thậm chí nhân viên còn lấy danh nghĩa công ty ra làm ăn riêng, thua lỗ, thiếu nợ, chủ nợ tìm đến đòi tôi. Cuối cùng tôi phải cay đắng trả món nợ đó, vì mình không thể đứng ra giải thích cho hàng ngàn người được. Nếu muốn tiếp tục làm ăn, tôi buộc phải bảo vệ uy tín bản thân bằng mọi giá. Bây giờ tôi đã khá vững vàng ở chợ hoa lớn Hồ Thị Kỷ (Q.10, TP.HCM). Các chủ vựa đều phải gom hàng ế đi gửi thuê ở kho lạnh, tôi là người đầu tiên dám bỏ hơn 200 triệu đồng ra làm kho lạnh riêng ngay trong nhà mình để trữ hoa. Chính nước đi táo bạo đó đã giúp tôi tạo được vị thế riêng. Bây giờ, việc thu mua, bảo quản, phân phối hàng đã chuyên nghiệp hơn, nhưng thị trường đã phần nào bão hòa. Trước đây, chủ vựa như tôi lãi khoảng 30%, chủ cửa hàng bán lẻ lãi 60% thì bây giờ, con số lãi của chủ vựa lẫn cửa hàng chỉ còn một nửa. Vì vậy, tôi đang xây dựng kế hoạch lập hệ thống bán lẻ để tăng nguồn thu. Hoa có nhiều cấp độ về chất lượng và tính mỹ thuật. Nếu tư vấn được cho khách hàng hiểu hơn về hoa, họ sẽ thích mua hoa của tôi hơn. Tôi có niềm tin như vậy khi xúc tiến dự án bán lẻ của mình. Nguồn: Hà Trung Thực