“Khó ở” ở Sài Gòn – Nơi lai tạp một cách tạp nham


Tôi từng đọc được status của một người bạn, rằng: “ Ông bạn người Tây mình bảo: Tao không đến Saigon để tìm thấy một góc của Paris, một góc của Trung Hoa, một góc của Hàn Quốc, Nhật Bản… Tao tìm Việt Nam, nhưng chẳng có gì cả. Tao không biết vì sao tụi mày lại cảm thấy tự hào về thánh phố “thập cẩm” này như thế. Tôi ngượng chín người, chỉ biết cười trừ và nói nhỏ rằng, mai tôi sẽ lấy vé cho ông ra Hội An.”

Vì tôi là người Sài Gòn, nên tôi nhột. Nhột xong, tôi giật mình nhận ra, đã rất nhiều lần tôi nhột như vậy. Mà hầu như người Sài Gòn, tự nhột, tự gãi, hết nhột.

VÌ SAO TÔI NHỘT?

Ông bạn tôi lúc mới tới đây, theo tôi biết, có hỏi vài bạn trẻ về nơi yêu thích nhất ở Sài Gòn, họ trả lời là nhà thờ Đức Bà, là nhà hát thành phố. Ừ, hóa ra hầu hết người ta rất thích các công trình kiến trúc Tây Âu. Trên các mạng xã hội hình ảnh tập trung nhiều người Việt nhất, người ta cũng chỉ thấy các bức ảnh về công trình như: Bưu điện thành phố, nhà thờ Đức Bà, bến nhà Rồng, Dinh Độc Lập, nhà hát thành phố, Ủy ban thành phố… rất Tây, rất Pháp. Và đến khi nhà nước chuẩn bị ban bố luật định cấm các công trình kiến trúc có mang hơi hướng Tây Âu, thì dân Việt Nam lại phản đối và làm ầm lên.

sg1

sg2

sg3

Đến lũ bồ câu ở nhà thờ cũng giống ở Tây nữa

Thứ còn lại, họa chăng là chợ Bến Thành, còn chút gì Việt Việt.

Nhưng Bến Thành cũng chẳng mang điều gì đặc trưng của Việt Nam. Nó không lớn như Chợ Lớn của người Hoa, không được người Việt đi ra đi vào thường xuyên như chợ quê. Từ lâu, khu chợ này đã trở nên thất sủng, bị tụt hạng quá nhiều so với hình ảnh nó tạo nên. Bến Thành chỉ là một cái tên, là một cái chợ dành riêng cho khách du lịch ở hiện tại. Người già không đi, người trẻ không tới. Chỉ có người nước ngoài là ham hố. Bởi họ bị tourguide người Việt “tiêm nhiễm” vào đầu đấy là chợ của Việt Nam, là nơi bán đồ siêu rẻ, là nơi ít bị chặt chém nhất Sài Gòn.

sg4

sg5

Bến Thành giờ chỉ có chức năng du lịch là chính

Ở Sài Gòn, người Tàu có khu người Tàu, tập trung chủ yếu ở quận 5. Họ có cả nhà kiểu Trung Hoa, trường học chữ Hoa, banner bảng hiệu chữ Trung, chợ của người Trung… Mà Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều từ Nho giáo Trung Quốc, nên hễ đến lễ lạt là người ta lại ồ ạt sang phố Hoa mua sắm các thứ. Như thể mình là một người Trung chính gốc. Trung Thu, không đâu đẹp bằng phố đèn lồng Quận 5. Tết, không đâu nhiều bì lì xì đỏ và câu đối chữ Tàu bằng đường Hải Thượng Lãn Ông. Chưa kể đến mấy thứ made in Chine đầy tai tiếng bán công khai trong Chợ Lớn. Người ta sống với Tàu, rồi người ta cũng Tàu nốt.

sg6

sg7

Khu người Hoa cực kỳ hoành tráng giữa Sài Gòn

Rồi Nhật sang đây, họ có nguyên một phố sặc mùi Nhật ở Lê Thánh Tôn quận 1. Ăn uống, ngồi chơi kiểu Nhật. Cả “gái kiểu Nhật” phục vụ đủ mọi loại hình giải trí, nghỉ dưỡng cho các ông Nhật văn phòng. Người Nhật thì kín đáo hơn, không quá rình rang như người Hoa. Nhưng vẫn rất đặc trưng.

Hàn Quốc cũng thế, họ qua lao động là chủ yếu nhưng vẫn có hẳn một khu toàn chữ Hàn ở quận 7. Đứng lâu một tý ở khu phố đó, người ta sẽ ngỡ như mình đang đóng một vai hài hước trong các thước phim lãng mạn đầy rẫy trên truyền hình quốc gia, khung giờ vàng.

sg8

sg9

Phố người Nhật nằm ngang dọc trung tâm thành phố

Tây cũng có hẳn một phố, gọi là phố Tây ở Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão. Sinh hoạt theo giờ Tây, nhậu theo kiểu Tây, chào mời bằng tiếng Tây. Tới đây, Tây thì được chào đón đon đả hơn. Người Việt ở đây là dân thiểu số, bị đối xử như một người hành khất, lạc lõng trên chính mảnh đất của mình – không ít quán xá ở đây khiến tôi nghĩ thế. Bạn cứ thử ngồi đồng hồi lâu mà không kêu thêm đồ uống đi, tức thì sẽ bị mời đứng dậy một cách “lịch sự” liền.

sg10

sg11

Một số quán, họ chỉ đon đả với khách Tây

Vâng, Sài Gòn của chúng ta là một mảnh đất hỗn tạp những loại người, loại chữ nhưng lại không có lấy một khu đặc trưng người Việt. Hay riết rồi người ta chẳng biết Việt Nam đặc trưng thế nào?

Đâu, Sài Gòn đâu, chỉ tôi xem???

Ở các nước khác, mà không đâu xa xôi, là các dân tộc Châu Á rất gần Việt Nam, người ta cực kỳ khắt khe trong việc khách du lịch tới có mang cái gì của đất nước người ta đi không. Một nắm cát, một tí bụi ở gót giày lúc lên tàu cũng phải được rửa sạch. Thế mà ở một nơi như nơi đây, như Sài Gòn, chúng ta không những không giữ lại những thứ thuộc về đất nước mà còn cho phép kẻ khác mang quá nhiều công trình lớn nhỏ sang. Đẹp thì đã đành, nhưng không đẹp cũng duyệt! Vì nó mang hơi hướng Tây Phương.

Người trẻ – mỗi lần rủ nhau đi ăn gì – thì danh sách các món đứng đầu luôn là Tokyo Deli, Lạc Thái…Người trẻ – mỗi lần rủ nhau đi uống gì – thì cứ phố Tây mà thẳng tiến. Người trẻ – mỗi khi hướng dẫn khách du lịch – đều hỏi họ từ đâu đến, và nếu họ là người Nhật ư, sẽ có ngay một quán ăn Nhật xuất hiện ngay tức khắc. Sao vậy nhỉ? Ông trời biết được.

Tôi hỏi ông bạn tôi “Liệu ở Sài Gòn không có nơi nào ông thích sao?”

Ông trả lời, thứ duy nhất ở Sài Gòn mà ông thích là café Bệt. Ở đó có một thế hệ người Việt sống là chính mình, không đi theo bất kỳ xu hướng nào khác trên thế giới. Nhưng hài hước thay, người ta lại không cho một khu như thế hoạt động đường đường chính chính. À, không, họ cho dân tình ra đây chơi nhưng phải có chứng minh nhân dân. Khách Tây ư, miễn xét. Tôi cũng chả hiểu lý do sao lại thế.

sg12

Nhưng điều gây bất bình cũng chẳng phải là bị cấm buôn bán mà người ta cứ cấm kiểu nửa vời. Dẹp một khu bán hàng rong có khó không? Mà họ cứ phải “dí chạy” một lượt, xong lại yên lặng cho buôn bán, rồi lại “diễu hành” bất chợt lần nữa. Tôi không tin lắm rằng họ không biết sau khi họ đi con phố đó lại tấp nập người bán kẻ mua. Kiểu mèo vờn chuột, cuối cùng chỉ khiến số người Tây ra đây chơi cảm thấy khó hiểu và tức tối

sg13

sg14

Café bệt ít ra là một điểm hay ho riêng việt của thành phố

Rút cuộc Sài Gòn có gì?

Tôi không phản bác chuyện các nước khác qua đây và xây dựng khu dân phố đặc trưng của người ta. Nhưng sự lỏng lẻo trong quản lý của chúng ta khiến người Việt trở thành vai yếu. Đến nỗi một người nước ngoài qua, chúng ta còn không biết dắt đi đâu để tìm chút không gian Việt Nam, đến nỗi để tìm chút sắc hương dân tộc, chúng ta phải đẩy họ tới các thành phố khác như Hội An, Tháp Chàm, Huế…

Tất nhiên, người ta cũng không thể nào nghĩ tới Sài Gòn như một nơi đã từng ngoan cường chống lại chiến tranh và rồi đòi hỏi chúng ta giữ nguyên vẹn mọi vết tích. Nhưng có vẻ ở một nơi như Sài Gòn, một thành phố quá chừng nổi tiếng của hình chữ S, chúng ta chẳng có điều gì để giới thiệu về Việt Nam cả. Thế rồi rốt cuộc lại phải: “À, chúng tôi là đất nước kiên cường từng thắng hai cường quốc Pháp và Mỹ. Sài Gòn là chốt quan trọng trong cuộc chiến thống nhất đất nước”, sau đó: “Mình đi bảo tàng chứng tích chiến tranh ha!”

sg15

Có ai đi bảo tàng chơi không?

Nguồn: Lang- 19day Magazine – 19day.info


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: